Chiến khu Cao-Bắc-Lạng là căn cứ lớn của cách mạng Việt Nam thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, được xây dựng ở vùng rừng núi các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Tháng 7.1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương “Nam tiến”, mở rộng thêm tuyến Cao Bằng-Lạng Sơn và tuyến Cao Bằng-Bắc Kạn-Thái Nguyên để liên lạc thuận tiện với Thường vụ Trung ương Đảng và tạo điều kiện phát triển cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang. Tháng 8.1943, Chiến khu Cao-Bắc-Lạng được hình thành trên cơ sở nối thông hai khu căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn-Võ Nhai, tạo thế liên hoàn chiến đấu, tiến có thể đánh, lui có thể giữ, là tiền đề cho sự ra đời khu giải phóng sau này.
Chiến khu Cao-Bắc-Lạng có diện tích tự nhiên khoảng hơn 10.000 km2, chủ yếu là rừng núi, có vị trí giáp với phía nam Trung Quốc. Địa hình chủ yếu là các cao nguyên đá vôi, nhất là khu vực phía bắc và đông bắc Cao Bằng; nhiều dãy núi hiểm trở có nhiều hang động lớn, như hang Ngườm Ngao (Cao Bằng). Sông, suối có độ dốc lớn, như: sông Bằng Giang, sông Bác Vọng, Sông Năng (Cao Bằng); sông Kỳ Cùng, Sông Tạng, Sông Chung, sông Bắc Khê, Văn Mịch (Lạng Sơn); Sông Công, Sông Cầu (Bắc Kạn). Tại khu vực 3 tỉnh, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt nối liền với miền xuôi: quốc lộ 3 nối Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên với Hà Nội; quốc lộ 1 từ Lạng Sơn xuống Hà Nội; đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội. Đường biên giới dài hàng trăm kilômét với hàng chục cửa khẩu và hàng trăm lối mòn thông sang Trung Quốc, thuận lợi thông thương quốc tế, tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài. Địa hình Chiến khu Cao-Bắc-Lạng hiểm trở, nhiều núi, sông, các thung lũng, hang động, mái đá ngườm... với nhiều nơi xung yếu, là nơi ẩn nấp và cất giấu lương thực khá an toàn; các thung lũng chạy dài ven theo các chân núi khá bằng phẳng, thuận lợi cho canh tác và xây dựng các công binh xưởng. Hệ thống giao thông thuỷ, bộ đa dạng, có thể liên hệ khá thuận lợi với các vùng khác. Chiến khu Cao-Bắc-Lạng là căn cứ khá thuận lợi và an toàn để xây dựng căn cứ địa, phát triển chiến tranh du kích. Dựa vào địa hình phức tạp và hiểm trở, phong trào cách mạng có thể dễ dàng gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể lui về phòng thủ, bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, việc hành quân, chuyển quân, bảo đảm hậu cần bằng cơ giới gặp rất nhiều khó khăn. Khí hậu nhiệt đới gió mùa khá khắc nghiệt, mùa đông giá lạnh, mùa hè ẩm ướt, dễ phát sinh bệnh tật. Đây là địa bàn có nhiều thành phần dân tộc khác nhau sinh sống như Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông... Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống đa dạng, nhiều tập tục, lễ hội. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, nhưng nhân dân luôn một lòng đi theo cách mạng.
Chiến khu Cao-Bắc-Lạng được từng bước xây dựng vững chắc về chính trị, quân sự…, việc tổ chức lực lượng vũ trang và huấn luyện quân sự, chính trị được xúc tiến mạnh mẽ. Các đơn vị du kích, tự vệ được thành lập ở nhiều địa phương. Các Đội Cứu quốc quân được thành lập trước đó tiếp tục được củng cố, phát triển, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh vũ trang trong chiến khu. Tháng 12.1943, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng Chiến khu Cao-Bắc-Lạng. Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng quyết định động viên quần chúng đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ vững chắc căn cứ và phong trào cách mạng. Cuối 1944, Pháp tiếp tục nhiều lần đưa quân đến càn quét, khủng bố, Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng lãnh đạo quân và dân trong chiến khu đánh trả quyết liệt, giữ vững và tiếp tục mở rộng căn cứ địa; đồng thời chủ trương tiến hành khởi nghĩa. Căn cứ tình hình lúc đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã kịp thời quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa, tránh cho Cao-Bắc-Lạng tổn thất lớn; đồng thời chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bởi lúc này chính trị trọng hơn quân sự. Ngày 22.12.1944, tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc. Đội gồm 34 người, phần lớn là con em các dân tộc Cao-Bắc-Lạng. 25.12.1944, Đội đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đánh đồn Phai Khắt và sáng hôm sau (26.12) tiến công đồn Nà Ngần cách đó 15 km, tiêu diệt gọn hai đồn địch, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương. Ngày 12.3.1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ ngày 12.3, Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phối hợp với lực lượng tự vệ và nhân dân địa phương chuyển sang tiến công quân địch, giải phóng nhiều vùng rộng lớn. Cuối tháng 4.1945, một khu vực rộng lớn gồm gần hết các xã, châu, huyện ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn được giải phóng, chính quyền cách mạng được thành lập, tuyên bố bãi bỏ mọi thứ thuế cũ, chia công điền cho dân cày nghèo, ban bố quyền tự do dân chủ. Lực lượng Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân phát triển thành nhiều đại đội. Đội quân chính trị quần chúng được phát triển nhanh chóng, trở thành mũi tiến công quyết định vào quân địch. Từ ngày 15-20.4.1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ quyết định thống nhất lực lượng vũ trang, bán vũ trang và thống nhất các lực lượng vũ trang có sẵn của Đảng thành Việt Nam giải phóng quân; xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa chống Nhật kiểu mẫu để mở rộng chiến tranh du kích. Tháng 5.1945, quân Nhật mở cuộc tiến công lớn vào khu giải phóng nhưng thất bại. Vùng giải phóng được giữ vững, phong trào cách mạng ngày càng lên cao.Tháng 6.1945 cùng với Chiến khu Thái - Hà - Tuyên hợp thành Chiến khu Việt Bắc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Việt Bắc - 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.
- Ban Nghiên cứu Lịch sử quân đội thuộc Tổng cục chính trị-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
- Hoàng Ngọc La, Căn cứ địa Việt Bắc (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
- Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh – biên niên tiểu sử, tập 2: 1930-1945, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
- Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.