Chiến khu Bác Ái chiến khu do Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Ninh Thuận lập ra ở vùng rừng núi Tây Bắc Ninh Thuận trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ; nay thuộc huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Bác Ái là một vùng rừng núi, diện tích khoảng 1300 km2; bắc giáp Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa), phía Đông gần vịnh Cam Ranh; phía nam giáp sân bay Thành Sơn; phía tây nam giáp Ninh Sơn; phía tây giáp Đơn Dương và Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). Địa hình chủ yếu là núi trung bình và thấp, có các đỉnh núi: Mar Rai (1.636 m), Tha Nhon (1.588 m), Ya Bô (1.220 m); bán bình nguyên và đồng bằng ở phía đông.
Sông Cái là sông lớn nhất và dài nhất bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, chảy từ bắc đến tây nam Bác Ái nhập vào sông Dinh, ngoài ra còn có sông Cạn, sông Đa May, sông Ô Căm. Phía đông có quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam chạy qua; phía tây nam có quốc lộ 27 và đường sắt nối Phan Rang với thành phố Đà Lạt; quốc lộ 27B từ Tân Sơn (Ninh Sơn) đi Trại Cá - Ba Ngòi (Cam Ranh) nối với quốc lộ 1 chia Bác Ái thành 2 vùng. Khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ trung bình 29-30oC, mùa nắng 35-36oC, chịu ảnh hưởng của gió mùa, mùa hè có lượng gió lớn. Lượng mưa ít, thời tiết khô hạn, thiếu nước. Vị trí địa lí và địa hình Bác Ái có vai trò lớn về mặt quân sự, tiến về phía đông có thể uy hiếp quân cảng Cam Ranh, cắt đứt quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam; tiến về phía nam có thể chặt đứt quốc lộ 27- tuyến giao thông từ cảng Ninh Chữ đi Tây Nguyên và đường sắt nối liền Tháp Chàm - Đà Lạt, uy hiếp căn cứ không quân Thành Sơn. Các điểm cao ở đây có lợi thế quan sát và khống chế địch từ xa. Địa hình hiểm trở, núi rừng, đèo dốc liên hoàn, sông suối chằng chịt, thuận lợi cho việc bố phòng và bố trí phục binh tiêu diệt địch nếu chúng xâm nhập căn cứ; có nhiều hang động kín đáo có thể trú quân, xây dựng xưởng sản xuất vũ khí và làm kho tàng dự trữ phương tiện chiến đấu, cất giấu lương thực, phù hợp cho việc xây dựng thế trận chiến tranh du kích trong kháng chiến chống xâm lược. Nhân dân đại bộ phận là người Ra Glai, Churu, K’Ho, có truyền thống đấu tranh, tinh thần thượng võ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Ninh Thuận, tháng 12.1946, Trung đoàn 81 cử một Đại đội do Mai Văn Tấn làm Đại đội trưởng lên núi Xanh, Đá Nhọn (Phước Trung) tìm địa điểm tập kết và bắt tay xây dựng Chiến khu 22 thuộc huyện An Phước. Từ Đông Xuân 1950-1951, Chiến khu Bác Ái được tách riêng gồm 10 xã do Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo. Dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở, sự phối hợp tác chiến giữa bộ đội địa phương, dân quân, du kích và bộ đội chủ lực, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, quân và dân Chiến khu Bác Ái đã đánh bại nhiều đợt càn quét, khủng bố của địch, giữ vững căn cứ chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyến giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, xây dựng Chiến khu Bác Ái thành “căn cứ thép” ở cực Nam Trung Bộ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Bác Ái là nơi đứng chân của Liên Tỉnh ủy 3 và Tỉnh ủy Ninh Thuận, bàn đạp cho lực lượng vũ trang tỉnh và liên tỉnh hoạt động, hỗ trợ nhân dân địa phương nổi dậy đấu tranh diệt ác ôn, phá ách kìm kẹp, khủng bố của địch. Trong phong trào đồng khởi những năm 1959-1960, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Bác Ái, nhân dân ở 2 trại tập trung Brâu và Tầm Ngân đã nổi dậy đấu tranh, trong 2 tháng đập tan ách kìm kẹp của địch giải phóng hơn 7000 dân quay trở về vùng căn cứ. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển phong trào cách mạng ở miền núi cực Nam Trung Bộ từ thế giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công.
Chiến khu Bác Ái trở thành căn cứ và trung tâm kháng chiến của cả Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên. Trong các năm 1959-61, quân và dân Chiến khu Bác Ái do Pi Năng Tắc chỉ huy, đã tổ chức chiến đấu giải phóng hơn 1.500 dân ra khỏi khu tập trung. Khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, dưới sự lãnh đạo và tổ chức chiến đấu của Tỉnh ủy Ninh Thuận, quân và dân Chiến khu Bác Ái đã đánh trả những cuộc càn quét lớn, có trang bị vũ khí hiện đại của quân Mỹ và đồng minh, như trận đánh bại 1 trung đoàn bộ binh quân đội Sài Gòn tại Suối Khô, đẩy lùi 2 cuộc càn quét lớn của quân Mỹ và Nam Triều Tiên… Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Chiến khu Bác Ái đã trở thành hậu phương trực tiếp của mặt trận Ninh Thuận và là bàn đạp để các lực lượng vũ trang tiến công vào các sào huyệt của địch ở thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn… Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, lực lượng vũ trang và nhân dân Chiến khu Bác Ái đã hỗ trợ và phục vụ đắc lực cho bộ đội chủ lực đánh chiếm sân bay Thành Sơn, Phan Rang - Tháp Chàm, phát triển vào tham gia giải phóng Sài Gòn.
Trong hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Bác Ái luôn là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Ninh Thuận và Quân khu 6, nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng, như các trận đánh đồn Tà Lú, Ma Ty, đèo Gia Túc… gắn liền với các tên tuổi: Pi Năng Tắc, Chamaléa, Pi Năng Thạnh, Đặng Quang Cầm… Quá trình xây dựng và bảo vệ Chiến khu Bác Ái đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng căn cứ địa và công tác vận động quần chúng, nhất là đồng bào các dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bác Ái, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thuận Hải, 1984.
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt nam, Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - Những sự kiện quân sự, Hà Nội, 1988.
- Đà ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận 30 năm chiến tranh giải phóng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Đảng ủy - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Thuận, Kỷ yếu hội thảo khoa học "Chiến khu Bác Ái trong 30 năm chiến tranh giải phóng – Vai trò và ý nghĩa lịch sử, Ninh Thuận, 2013.