Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến khu Đồng Tháp Mười

Chiến khu Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Nhân dân Việt Nam ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc đồng bằng sông Cửu Long; một địa bàn chiến lược quan trọng nằm giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Tháng 12.1945, hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ mở rộng quyết định xây dựng Đồng Tháp Mười là căn cứ địa của Khu 8. Tháng 5.1946, Chiến khu Đ bị Pháp đánh phá, Đồng Tháp Mười trở thành căn cứ của Xứ uỷ Nam bộ, Khu bộ khu 7, 8 và các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Sa Đéc, Tân An. Nhiều biện pháp xây dựng căn cứ địa đã được thực hiện, đặc biệt là đào một kênh rộng 4 m, dài 30 km nối hai sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Dọc bờ kênh là các Sở chỉ huy, hội trường, nhà nghỉ, trường quân chính, trường Đảng, bệnh viện, công binh xưởng, toà soạn báo, đài phát thanh Nam Bộ. Trên các sông rạch dẫn vào căn cứ, ta dựng vật cản, bố trí trạm gác và hệ thống báo động. Các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch và thường xuyên luyện tập phương án di chuyển, tác chiến.

Đồng Tháp Mười giới hạn bởi một phần sông Tiền và sông Vàm Cỏ Đông, lộ Đông Dương 16 (nay là quốc lộ 1) và đường biên giới Việt Nam - Campuchia, diện tích tự nhiên 7.000 km2, gồm 14 huyện, thị của 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Địa hình bị chia cắt bởi hàng nghìn kênh rạch lớn nhỏ. Về mùa khô, nổi lên nhiều giồng và doi đất có thể đi lại dọc hai bờ kênh; mùa mưa thường bị ngập nước, giao thông khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu là ghe, xuồng. Dân cư sống trong xóm ấp thưa thớt dọc các bờ kênh, doi hoặc giồng đất, chủ yếu sống dựa vào nghề trồng lúa nước, chăn nuôi...; theo đạo Hòa Hảo, Cao Đài, đạo Phật và Tin Lành.

Về mặt quân sự, địa hình Đồng Tháp Mười rất phù hợp với chiến tranh du kích vùng đồng bằng ngập nước, sử dụng ghe, thuyền nhỏ; không phù hợp với cơ động của các loại tàu, thuyền lớn, các phương tiện cơ giới đường bộ và hoạt động đổ bộ đường không. Khi tác chiến đối phương dễ bị ta chia cắt lực lượng; gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển, tiếp tế, liên lạc giữa các bộ phận, khó triển khai tác chiến hợp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Nhìn chung, địa thế Đồng Tháp Mười thuận lợi để ta xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng thế trận phòng ngự liên hoàn, vững chắc đánh bại các cuộc hành quân càn quét của địch. Tháng 10.1950 - 5.1951, Đồng Tháp Mười được tổ chức thành tỉnh căn cứ chuyên biệt gồm các huyện Mộc Hoá (Tân An), Cao Lãnh (Sa Đéc), Cái Bè, Cai Lậy (Mỹ Tho). Tháng 5.1951, Chiến khu Đồng Tháp Mười giải thể để thành lập huyện căn cứ bao gồm vùng độc lập hai tỉnh Mỹ Tân Gò (Mỹ Tho, Tân An, Gò Công), Long Châu Sa (Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc) và huyện Đức Hoà Thành, tỉnh Gia Định Ninh (sáp nhập 2 huyện Đông Thành và Đức Hoà thuộc tỉnh Chợ Lớn). Bộ Tư lệnh Nam Bộ cùng các bộ phận trực thuộc khu 8, 9 giải thể. Phân liên khu miền Đông về căn cứ Dương Minh Châu; Phân liên khu miền Tây về Chiến khu U Minh, Đồng Tháp Mười chỉ còn là căn cứ của các tỉnh Mỹ Tân Gò, Long Châu Sa và huyện Đức Hoà Thành. Năm 1954, Chiến khu Đồng Tháp Mười mở rộng, phía nam sát kênh Nguyễn Văn Tiếp, phía đông tới ven sông Tiền, phía tây tới ven sông Vàm Cỏ Đông, phía bắc lên đường 1.

Chiến khu Đồng Tháp Mười là nơi xây dựng, phát triển, đứng chân và hoạt động của nhiều đơn vị: hai trung đội liên quân Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hoà; chi đội vệ quốc đoàn 14 (Tân An), 17 (Mỹ Tho), 18 (Sa Đéc), 19 (Bến Tre - Gò Công); các tiểu đoàn chủ lực 307, 309 và Chi đội hải ngoại 4; các trung đoàn 120, 150, 115 và các liên trung đoàn 109-111, 105-120; 2 trung đoàn Đồng Tháp và Cửu Long; tiểu đoàn 307, 309, 311... Dựa vào địa hình, quân và dân Chiến khu Đồng Tháp Mười đã đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của Pháp vào Đồng Tháp Mười: chiến đấu chống càn ở Long Thạnh, Giồng Dứa, Thanh Bình, kênh Nguyễn Văn Tiếp, giồng Kên Kên, Gãy Cờ Đen (1947-1952); đồng thời, chủ động mở các trận và chiến dịch tiến công như trận Tầm Vu (19.4.1948), Mộc Hoá (16-18.9.1948), Kinh Bùi (1953), đánh tàu trên kênh Dương Văn Dương, kênh 28, Năm Ngàn, Ngã Sáu, Thiên Hộ, Rạch Nhum; các chiến dịch Cầu Kè (7-26.12.1949), Bến Cát I (25-7.1.1950), Cao Lãnh (26.1-1.2.1950), Bến Cát II (7.10-15.11.1950)... Chiến khu Đồng Tháp Mười là địa bàn quan trọng kết nối cuộc kháng chiến của nhân dân 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đồng Tháp Mười tiếp tục được mở rộng, nối liền ba tỉnh Kiến Tường, Mỹ Tho và Kiến Phong, là nơi thành lập các đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên ở Trung Nam Bộ: các tiểu đoàn 261, 262; nơi xây dựng, phát triển các tiểu đoàn 502 (Kiến Phong), 504 (Kiến Tường), 506 và 508 (Long An), 510 và 512 (An Giang), 514 (Mỹ Tho), 516 (Bến Tre) và Sư đoàn 8 chủ lực Quân khu 8 (tháng 10.1974); đồng thời, chiến khu cũng là căn cứ hậu cần của lực lượng vũ trang Quân khu 8 và các tỉnh Tân An, Sa Đéc, Mỹ Tho, Long Xuyên, Châu Đốc. Các đơn vị vũ trang chiến khu tổ chức tiến công giành thắng lợi trong các trận Giồng Thị Đam và Gò Quản Cung (26.9.1959), Đá Biên (6.1961), Trại Lòn (10.1961, 7.1962), Hiệp Hoà (11.1963); điển hình là trận Ấp Bắc (1.1963) đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận” và “thiết xa vận”, mở ra phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”; đánh bại nhiều cuộc hành quân càn quét của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn: hành quân Marauđơ (đầu 1966), hành quân “liên quân Việt - Mỹ” (12.1967), góp phần đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của địch trong các mùa khô 1965-1966 và 1966-1967.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), lực lượng vũ trang và nhân dân Chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia 2 đợt tiến công địch ở các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Long An. Tiếp theo, giành thắng lợi trong các trận Măng Đa, Long Khốt (1969), đánh bại cuộc hành quân Toàn thắng 42 (1970), tham gia chiến dịch tiến công đồng bằng sông Cửu Long (1972)... Sau khi hiệp định Paris được kí kết (1973), Chiến khu Đồng Tháp Mười được xây dựng, bảo đảm hậu cần tại chỗ, phát triển bộ đội địa phương, mở rộng địa bàn đứng chân cho bộ đội chủ lực Quân khu và Miền. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Chiến khu Đồng Tháp Mười được tổ chức thành bàn đạp của Đoàn 232 và một số đơn vị chủ lực Quân Giải phóng Miền Nam cùng các lực lượng vũ trang chiến khu tiến công, giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chiến khu Đồng Tháp Mười có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng lực lượng kháng chiến, giữ gìn và bảo vệ an toàn các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy các tỉnh miền Tây Nam Bộ; đồng thời là nơi củng cố, huấn luyện, nâng cao trình độ tác chiến của các lực lượng vũ trang; cung cấp hậu cần cho các đơn vị tác chiến, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.
  2. Hồ Sơn Đài, Chiến khu Đồng Tháp Mười trong kháng chiến chống Pháp, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 7-1991.
  3. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, tập II, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.
  4. Lịch sử Đồng Tháp Mười, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
  5. Hồ Sơn Đài, Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ (1945-1954), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
  6. Lịch sử Bộ chỉ huy Miền (1961-1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.
  7. Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  8. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.