Chiến khu Đ (hayChiến khu Đất Cuốc, Chiến khu Lạc An) là căn cứ kháng chiến của các lực lượng vũ trang và Nhân dân miền Nam Việt Nam được xây dựng trên địa bàn một số tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đầu tháng 11.1945, Ban Chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hòa đã chọn vùng Lạc An để lập căn cứ. Tháng 12.1945, Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng quyết định xây dựng Lạc An thành căn cứ của Khu 7. Tháng 2.1946, quyết định của Hội nghị Khu bộ Khu 7 về phân chia vùng căn cứ mang các mật danh A, B, C, Đ, trong đó khu vực Hỗ Ngãi là nơi đặt Sở chỉ huy Khu bộ Khu 7 mang mật danh “Đ”. Chiến khu Đ ra đời bao gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịnh, Thường Lang, Lạc An thuộc quận Tân Biên (tỉnh Biên Hòa). Từ năm 1948, địa bàn chiến khu được mở rộng trở thành căn cứ của cơ quan lãnh đạo tỉnh Biên Hòa và lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, nơi đứng chân của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang của Khu 7.
Địa bàn Chiến khu Đ có địa hình cao dần từ Tây Nam lên Đông Bắc, độ cao trung bình 40 m; chủ yếu có đất phù sa cổ và đất bazan, nhiều đồi núi. Các núi đứng độc lập hoặc tập trung thành từng cụm nhỏ, cao nhất là núi Bà Rá (723 m). Chủ yếu là rừng nguyên sinh, cây hỗn hợp, mọc thành nhiều tầng dày đặc. Giao thông đường thủy có hệ thống sông Đồng Nai chảy qua chiến khu, bờ sông dựng đứng, nhiều thác ghềnh và đá ngầm hiểm trở. Đường bộ có các quốc lộ 20 và 13; có 3 tuyến đường chính nối Chiến khu Đ với các tỉnh là các đường 10, 13, 14B; ngoài ra còn có đường tỉnh 8, 322, 323 và một số đường nhỏ khác. Hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi cho việc cơ động lực lượng, phương tiện. Địa hình thuận lợi cho việc tổ chức phòng thủ, xây dựng lực lượng, trú, ém, giấu quân an toàn. Thổ nhưỡng thuận lợi cho việc cấu trúc công sự chiến đấu, ngụy trang và phát triển hệ thống địa đạo. Dân cư chủ yếu là các dân tộc ít người như S’tiêng, Chơro, Mơnông, Mạ, Khơme. Chiến khu Đ giữ vị trí chiến lược, nối nhiều chiến trường ở Nam Bộ và là trạm trung chuyển quan trọng từ miền Bắc vào miền Nam, như một bàn đạp tiến công vào các mục tiêu của địch ở Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Cuối năm 1950, Bộ Tư lệnh Nam Bộ chuyển từ miền Tây về đứng chân tại Chiến khu Đ, đến đầu năm 1951, chuyển sang Chiến khu Dương Minh Châu. Tháng 5.1951, các khu 7, 8, 9 giải thể để thành lập Phân liên khu miền Đông Nam Bộ và Phân liên khu miền Tây Nam Bộ. Chiến khu Đ được xây dựng thành một trong những căn cứ chủ yếu của cách mạng miền Nam. Dựa vào thế trận được chuẩn bị, các đơn vị vũ trang trong chiến khu đã đánh bại nhiều cuộc càn quét, hành quân lớn của quân Pháp vào chiến khu. Điển hình là trận chống càn ngày 24.1.1946, đã đánh tan 4.000 quân địch; tiếp đó là các trận chống càn ngày 25.3 và ngày 18-22.4.1946 đánh bại 13.000 quân địch, giữ vững căn cứ. Cùng với các hoạt động chống càn, các đơn vị vũ trang trong chiến khu còn chủ động mở các cuộc tiến công vào nhiều vị trí quân địch trên các trục đường giao thông và các tỉnh lị, huyện lị, giành nhiều thắng lợi. Những năm 1951-54, các lực lượng vũ trang chiến khu tiếp tục chiến đấu, đánh bại các cuộc hành quân càn quét đánh phá căn cứ của địch; đồng thời tiến công tiêu diệt một số vị trí địch, mở rộng vùng giải phóng ở miền Đông Nam Bộ, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ tiếp tục được củng cố và mở rộng. Năm 1961, Trung ương Cục miền Nam phân chia chiến trường Nam Bộ thành các khu A và B, trong đó Khu A chủ yếu xây dựng trên địa bàn Chiến khu Đ, được mở rộng về phía các tỉnh Bình Long, Phước Long, Quảng Đức, nằm giữa Tây Nguyên và Nam Bộ, trở thành đầu mối giao thông chiến lược từ Trung ương vào Nam Bộ, là nơi đứng chân của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận và lực lượng vũ trang các huyện, tỉnh, quân khu ở miền Đông Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, đồng thời là hậu phương trực tiếp và căn cứ hậu cần tại chỗ của chiến trường Nam Bộ, Khu 6; là nơi thành lập, xây dựng, phát triển lực lượng, huấn luyện và hoạt động của các đơn vị chủ lực miền Đông Nam Bộ. Dựa vào thế trận đã được xây dựng vững chắc, các đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang tại chỗ đã anh dũng chiến đấu, đẩy lui các cuộc càn quét, hành quân lấn chiếm của địch, góp phần đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô 1965-66) và lần thứ hai (mùa khô 1966-67) của quân Mỹ và Quân đội Sài Gòn, giữ vững chiến khu. Cùng với hoạt động chống càn, các lực lượng vũ trang chiến khu tổ chức tiến công vào nhiều vị trí của địch giành thắng lợi. Tiêu biểu là các trận tiến công tỉnh lị Phước Thành (9.1961); tập kích địch ở Đất Cuốc (11.1965), đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn quân Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các lực lượng vũ trang chiến khu đã tham gia 2 đợt tiến công vào nhiều vị trí địch ở các tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Long An... Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trung tâm chiến khu chuyển dần lên phía Đông Bắc. Đầu năm 1975, địa bàn chiến khu được mở rộng, nối liền với vùng Nam Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, là nơi tập kết, triển khai lực lượng của các quân đoàn 1 và 4 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4.1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sự ra đời, quá trình xây dựng và phát triển của Chiến khu Đ có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng lực lượng và căn cứ kháng chiến; là nơi trú quân của các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, lực lượng vũ trang các tỉnh, quân khu ở miền Đông Nam Bộ và toàn Miền; góp phần vào thắng lợi vĩ đại của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày 26.7.1996, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã thành lập “Ban chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử và Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Chiến khu Đ”. Năm 1999, Chiến khu Đ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hồ Sơn Đài, Chiến khu Đ trong kháng chiến chống pháp, Tạp chí Lịch sử quân sự - số 32, Hà Nội, 1988.
- Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945-1975, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.
- Miền Đông Nam Bộ kháng chiến 1945 - 1975, tập II, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993.
- Hồ Sơn Đài, Chiến khu ở miền Đông nam bộ (1945-1954), Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1996.
- Lịch sử kháng chiến chống mỹ cứu nước 1954-1975, tập III, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
- Lịch sử kháng chiến chống mỹ cứu nước 1954-1975, tập IV, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.
- Chiến khu Đ - 55 năm chiến đấu và xây dựng, Nxb Đồng Nai, 2001.
- Hồ Sĩ Thành, Chiến khu Đ, Nxb Trẻ, 2003.
- Lịch sử Bộ chỉ huy Miền (1961-1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.