Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến khi An Phú Đông
Tập tin:Bia tưởng niệm Vườn Cau Đỏ.jpg
Văn bia tại Khu tưởng niệm Vườn Cau đỏ-nơi ghi nhận, tưởng nhớ công ơn của quân và dân An Phú Đông – Thạnh Lộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ

Chiến khi An Phú Đông căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam thành lập tháng 12.1945, tại hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc, quận Gò Vấp (nay là 3 phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh).

Nằm ở vùng đông bắc thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm Sài Gòn 7 km đường bộ, 4 km đường chim bay. Chiến khu An Phú Đông trông giống như một cù lao có dáng hình bầu dục, chiều ngang gần 2 km, chiều dài khoảng 5 km, ba phía đông, tây, nam giáp sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật (còn gọi là sông Bến Cát, sông An Phú Đông), phía bắc giáp huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương).

Địa hình trũng, thấp hơn mặt nước biển từ 0,6 - 0,8 m, quanh năm ngập nước, hệ thống kênh rạch lớn, nhỏ chằng chịt tạo thành tuyến giao thông đường thuỷ quan trọng, tuy nhiên rất dễ bị chia cắt. Cây cối rậm rạp, đất đai màu mỡ, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, chịu ảnh hưởng thuỷ triều của nhánh sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật. Ngoài đường thuỷ, An Phú Đông chỉ có một tuyến đường bộ là hương lộ 12 (nay là đường Trần Đình Xu) nối Thạnh Lộc với quận lị Gò Vấp và huyện Thuận An (tỉnh Bỉnh Dương); một tuyến đường sắt từ cầu An Nhơn đi Lái Thiêu, là tuyến đường nối Sài Gòn với Lộc Ninh sang Campuchia.

Dân số tại thời điểm năm 1945 khoảng 5.000 người, gồm 1.000 hộ dân nhưng có đến 1/6 dân số của 2 xã là dân quân du kích, đa số là người Việt, ngoài ra có người Khơme, người Hoa. Nhân dân có truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, chủ yếu theo đạo thiên chúa.

Đối với địch, An Phú Đông là lá chắn đầu tiên, tuyến hành lang ở cửa ngõ phía tây bắc ngăn chặn sự tiến công của lực lượng cách mạng vào hậu cứ của chúng, là đường giao thông huyết mạch kết nối các vùng lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh... Tuy nhiên, đây là vùng đất thấp, sình lầy, sông rạch, có nhiều cây cối um tùm, nhiều vườn cau, mía, dừa là nơi khó tiến vào vì 3 mặt đều là sông lớn, không có đường ô tô, gây trở ngại cho việc hành quân càn quét của địch. Đối với ta, An Phú Đông có điều kiện thuận lợi cho việc ém quân để xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở, làm bàn đạp tiến công ra các vùng xung quanh. Dựa vào địa hình sông rạch bao quanh tập hợp lực lượng, thực hiện chiến thuật đánh du kích, bất ngờ tiến công vào đầu não địch.

Sau ngày kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ngày 5.10.1945, đại bộ phận cơ quan quân, dân, chính, Đảng và sở chỉ huy các đơn vị vũ trang ở Gia Định chuyển về An Phú Đông và Thạnh Lộc. Sau đó, sở chỉ huy Mặt trận tiền tuyến Miền Đông, trụ sở Tổng Công đoàn Nam Bộ, Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn và nhiều tổ chức kháng chiến khác cũng rút về đây xây dựng căn cứ. Ngày 25.12.1945, tại Hội nghị Vườn Cau Đỏ tại xã Thạnh Lộc, Chiến khu An Phú Đông chính thức được thành lập, lấy hai xã Thạnh Lộc và An Phú Đông làm trung tâm, mở rộng sang các xã khác như: Quới Xuân, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, Đông Thạnh, Lý Bình, Tân Mỹ. Ngày 3.3.1946, tại đây diễn ra trận đánh thắng Pháp đầu tiên của quân dân Sài Gòn - Gia Định.

Ngay từ khi Chiến khu An Phú Đông hình thành, mọi hoạt động kháng chiến của tỉnh Gia Định đã được tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ, ngày càng phát triển toàn diện tất cả các mặt quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội … Chiến khu An Phú Đông không chỉ là nơi đứng chân của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể mà còn là địa bàn đóng quân của các đơn vị: Chi đội 6 và Đại đội 5 (Gò Vấp), Đại đội 10 (Thủ Đức), Đại đội 15 (Dĩ An) vừa xây dựng, bảo vệ chiến khu, vừa mở rộng các hoạt động vào thành phố và vùng lân cận. Nhiều đoàn cán bộ của Trung ương và Nam Bộ đã dừng chân tại chiến khu trước khi đến các chiến trường. Tại Chiến khu An Phú Đông còn có các Binh công xưởng, trường học, trạm y tế, cứu thương, hộ sinh, các đoàn văn nghệ, tuyên truyền xung phong. Có phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ. Có các đoàn thể quần chúng trong mặt trận Việt Minh, có Hội Mẹ chiến sĩ, Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn.

Mặc dù ở sát thành phố lớn, quân Pháp lập hệ thống đồn bốt, bao vây và nhiều lần càn quét, đánh phá ác liệt nhằm triệt phá Chiến khu An Phú Đông, nhưng lực lượng vũ trang và nhân dân trong chiến khu đã kiên cường bám trụ, đánh địch, bảo vệ an toàn lực lượng và cơ quan lãnh đạo kháng chiến, góp phần phá sản chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", "bình định Nam Bộ trong vòng 6 tuần lễ" của thực dân Pháp. Đầu năm 1948 do yêu cầu phát triển của cách mạng, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở tỉnh Gia Định và quận Gò Vấp chuyển về Tân Thới Hiệp. Chiến khu An Phú Đông là chỗ dựa vững chắc của các lực lượng kháng chiến miền Đông Nam Bộ, đã góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển phong trào kháng chiến, trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu bất khuất ở ngoại vi thành phố Sài Gòn trong kháng chiến chống pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 2 ở Thạnh Lộc, Trung đoàn Quyết Thắng ở An Phú Đông đã xuất quân đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Chiến khu An Phú Đông là bàn đạp để quân và dân trong vùng cùng các Trung đoàn 115, Trung đoàn 316, Tiểu đoàn đặc công 80 tiến công chiếm cầu Bình Phước, cầu Ga, cầu An Phú Đông, Trung tâm huấn luyện Quang Trung và giải phóng các xã An Phú Đông, Thạnh Lộc, Trung Mỹ Tây, Đông Hưng Thuận, Tân Thới Nhất và thành lập các Ủy ban Nhân dân cách mạng.

Sự hình thành và phát triển của Chiến khu An Phú Đông có ý nghĩa quyết định đối với quá trình xây dựng lực lượng kháng chiến, đã phát huy được tinh thần bất khuất, tình yêu quê hương, đất nước đậm đà xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung, xả thân vì nước của nhân dân An Phú Đông; phát huy được trí tuệ, tinh thần sáng tạo của lãnh đạo và nhân dân, biết tận dụng lợi thế địa bàn để lập căn cứ, thu hút lực lượng, đoàn kết một lòng, quyết tâm dành lại độc lập cho đất nước; tinh thần bám trụ địa bàn, lớp trước ngã lớp sau tiến lên, liên tục bám trụ và chiến đấu; cán bộ và nhân dân hòa quện vào nhau, sâu sát từng hộ gia đình và từng con người trong chiến khu, biết kết hợp với lực lượng đứng chân và phối hợp với các vùng xung quanh nội thành tạo nên sức mạnh chung của căn cứ kháng chiến vùng ven sát nách quân thù; xây dựng được ý thức tự đào tạo phát triển lực lượng kế thừa, nâng cao dân trí chuẩn bị cho thế hệ mai sau ngay cả lúc khó khăn, bối cảnh kháng chiến ác liệt nhất.

Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chiến khu An Phú Đông có 787 hộ gia đình có công với cách mạng, được tặng thưởng 680 huân huy chương các loại, có 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 516 liệt sĩ, 760 lượt cán bộ chiến sĩ bị bắt và tù đày. Ngày 29 tháng 01 năm 1996, Nhân dân An Phú Đông được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đảng bộ Quận 12 đã quyết định xây dựng Nhà truyền thống Chiến khu An Phú Đông tọa lạc tại số 474, Quốc lộ 1A, khu phố 3, phường An Phú Đông, Quận 12. Công trình được khánh thành năm 2006, đây là nơi lưu giữ những ký ức hào hùng của các thế hệ đi trước, cũng vừa là nơi để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định Kháng chiến (1945 - 1975), Nxb TP Hồ Chí Minh, 1994.
  2. Lịch sử Đảng bộ miền đông Nam bộ lãnh đạo kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ (1945 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
  3. Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Lịch sử truyền thống chiến khu An Phú Đông, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2005.
  5. Trang Web: http://quan12.hochiminhcity.gov.vn/tintuc