Mục từ này cần được bình duyệt
Chiến dịch phòng ngự cánh đồng chum - xiêng khoảng

(21.5-15.11.1972)

chiến dịch phòng ngự của Liên quân Việt - Lào nhằm đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm của quân phái hữu Lào và quân đội Thái Lan trong mùa mưa năm 1972, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, giữ vững thế chiến lược của ta ở Bắc Lào và bảo vệ sườn phải cho hai chiến dịch tiến công Trị - Thiên và chiến dịch Bắc Tây Nguyên trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Mùa khô 1971-72, sau chiến dịch tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum và tiến sâu vào Sảm Thông - Loong Chẹng, Liên quân Việt - Lào chủ động tổ chức CDPNCĐCXK, không để địch lấn chiếm lại trong mùa mưa như những năm trước. Quân tình nguyện Việt Nam gồm 5 trung đoàn bộ binh (174, 148, 866, 335 và 88), 2 tiểu đoàn đặc công, 8 tiểu đoàn binh chủng; Quân đội cách mạng Lào có 7 tiểu đoàn chủ lực và 4 đại đội bộ đội địa phương, 6 đại đội binh chủng; Tư lệnh chiến dịch Vũ Lập, Chính uỷ Lê Linh. Lực lượng địch thuộc Quân khu 2, gồm 76 tiểu đoàn bộ binh (có 18 tiểu đoàn quân Thái Lan, tổ chức thành các GM tương đương cấp trung đoàn), 3 tiểu đoàn pháo binh; bố trí theo 4 khu vực quanh Cánh Đồng Chum, được không quân Mỹ chi viện.

Lực lượng phòng ngự tổ chức thành hai bộ phận: Bộ phận cơ động đánh địch trên các hướng phòng ngự bị địch uy hiếp gồm 2 trung đoàn bộ binh 148, 335 (xây dựng trận địa bố trí đứng chân ở khu vực bắc Noọng Tai, nam Phu Keng Luông); bộ phận phòng ngự tại chỗ gồm 2 trung đoàn 174, 866, 1 đại đội xe tăng thiết giáp và toàn bộ pháo binh chiến dịch (xây dựng trận địa thành các chốt, cụm chốt để ngăn chặn địch tiến công). Địa bàn phòng ngự bao gồm khu tứ giác Mường Sủi - Noọng Pét - thị xã Xiêng Khoảng - Thẩm Lửng dài khoảng 60 km, rộng khoảng 50 km; chia thành năm khu vực: khu trung tâm Cánh Đồng Chum là khu vực phòng ngự chủ yếu (trong đó hướng phòng ngự chủ yếu là hướng nam và tây nam; hướng phòng ngự thứ yếu là hướng bắc và tây bắc); khu Noọng Pét là khu vực phòng ngự thứ yếu; khu vực Hin Tặng (khu trung gian) là khu vực phòng ngự cơ bản phía trước; khu vực Mường Sủi và thị xã Xiêng Khoảng là hai khu vực hoạt động tác chiến phối hợp nhằm đánh địch từ xa, bảo vệ phía tây bắc và phía đông của khu trung tâm. Chiến dịch diễn ra 4 đợt.

Đợt 1 (21.5-10.8), từ 21.5 không quân địch đánh phá ác liệt vào các điểm cao trọng yếu thuộc khu trung gian và các trục đường giao thông ở Cánh Đồng Chum; ngày 25.5 địch chính thức tiến công vào khu vực phòng ngự cơ bản phía trước. Các đại đội (Trung đoàn 174) phòng ngự trên các điểm tựa hướng chủ yếu dựa vào công sự trận địa ngăn chặn và tích cực phản kích đánh lui nhiều đợt tiến công của địch; nhưng đến 27.5, địch tiếp tục tổ chức tiến công và chiếm được một số điểm tựa thuộc khu vực phía tây điểm cao 1800, 2063 và Thẩm Lửng. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 148) phối hợp với các tiểu đoàn của Trung đoàn 174 tổ chức phản kích trên hướng Phu Phaxay và đánh chiếm lại các điểm cao đã mất ở cụm 1800. Tối 6.6.1972, Tiểu đoàn 6 phản kích thành công ở nam Phu Phaxay, diệt 1 bộ phận thuộc GM30, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn đặc biệt, diệt 200 quân địch và đẩy lùi các mũi tiến công của địch ở hướng đông nam về Tôm Liêng; Sau đó, chuyển sang hướng tây nam phối hợp Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 174) tiếp tục phản kích đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn Thái Lan và 4 tiểu đoàn phái hữu Lào ở Hin Đăm, Thẩm Lửng, khôi phục lại trận địa phòng ngự ở khu vực điểm cao 1800 (trừ mỏm 2). Cùng thời gian trên, Liên quân Lào - Việt đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch ở Mường Sủi; lực lượng đặc công, pháo binh liên tục tập kích vào sân bay, kho tàng, sở chỉ huy của địch ở Loong Chẹng. Kết thúc đợt 1, ta giữ vững được tuyến phòng ngự trung gian, đánh thiệt hại nặng nhiều tiểu đoàn địch, tạo điều kiện để tổ chức phòng ngự hoàn chỉnh hơn ở khu vực Cánh Đồng Chum.

Đợt 2 (11.8-10.9), ngày 11-20.8, 4 binh đoàn địch tiến công từ ba hướng: đông nam, tây và đông bắc Cánh Đồng Chum để nghi binh thu hút lực lượng ta; 21-22.8, địch dùng máy bay trực thăng cơ động GM21 và GM26 xuống khu vực đông bắc Phu Keng, hình thành cánh tiến công chủ yếu ở hướng tây bắc để thọc sâu, đánh chiếm vào khu vực trung tâm Cánh Đồng Chum. Ta vẫn tổ chức ngăn chặn địch trên các hướng, đồng thời tập trung lực lượng đánh trận then chốt chiến dịch ở Phu Keng. Sau khi Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 335) chiến đấu tạo thế thành công ở Phu San, Trung đoàn 335 (thiếu Tiểu đoàn 1) tiến công trên hướng chủ yếu, từ đông nam đánh thẳng vào Khang Mường, điểm cao 1202; 2 tiểu đoàn của Lào được tăng cường 4 xe tăng, tiến công trên hướng thứ yếu từ hướng đông bắc đánh xuống bắc Phu Keng; 1 đại đội (Trung đoàn 866) phối hợp với 2 đại đội của Lào bao vây, đón lõng quân địch ở bờ tây sông Nậm Ngừm. 6 giờ ngày 30.8, các hướng đồng loạt tiến công vào các mục tiêu. Quân địch bị đánh bất ngờ, đội hình rối loạn, một số rút chạy, số còn lại co cụm, gọi máy bay trực thăng đến cứu. Bộ phận địch rút chạy đến sông Nậm Ngừm bị lực lượng đón lõng chặn đánh, phải co cụm ở bản Sang. 30-31.8, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 335) phối hợp với Tiểu đoàn 2 bạn Lào được xe tăng yểm trợ tiến công địch ở bản Sang, buộc địch chạy về đồi Năm Mỏm, tạo điều kiện để Trung đoàn 866 bao vây tiêu diệt. Trên các hướng khác, ta tiếp tục ngăn chặn địch tiến công, giữ vững địa bàn phòng ngự.

Đợt 3 (11-30.9), bị thất bại trên hướng chính tây bắc, địch tăng cường lực lượng, lấy hướng tây là hướng chủ yếu và tiến công từ ngoài vào, tập trung lực lượng chiếm đồi Năm Mỏm - Phu Keng để phối hợp với các cánh quân phía nam tiến công đánh chiếm Căng Xẻng. Trên hướng đông bắc, GM24 và GM27 chuyển sang tiến công Phu Lạt Tây, nhằm phát triển xuống Lạt Buộc, Phu Keng; đồng thời, 1 tiểu đoàn biệt kích đổ bộ trực thăng xuống Ta Li Noi nhằm quấy rối hậu phương ta. Nắm được ý định của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức lực lượng đánh trận then chốt thứ hai ở hướng tây khu vực Bản Khổng, Bản Thang tiêu diệt GM22, GM24. Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 148) và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 866) đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu từ hướng bắc vào Bản Thang, diệt GM22. Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 148), đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu từ hướng đông vào Bản Khổng diệt GM24.

Ngày 17 và 18.9.1972, ta tiến công, giành giật với địch từng mỏm đồi tại các điểm cao 1276, 1244, bao vây địch ở điểm cao 1294, Bản Thang. Sau 2 ngày, do chưa đạt được mục tiêu nên Bộ Tư lệnh tạm ngừng tiến công, điều Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 335) và một trung đội xe tăng vào thay thế cho Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 148). Ngày 26.9, ta tiếp tục tiến công địch, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 335) và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 866) tiến công trên hướng chủ yếu (hướng đông bắc) chiếm được Phu Thông, điểm cao 1276, 1244, Bản Thang. Trung đoàn 148 tiến công trên hướng thứ yếu (đông nam) chiếm được Bản Khổng. Sau đó, các đơn vị phối hợp đánh địch co cụm và quân địch rút chạy về Nậm Pít. Đến 29.9, trận phản đột kích kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu 400 quân địch, bắn rơi 3 máy bay. Trong thời gian diễn ra trận phản đột kích, ở hướng nam Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 148) làm nhiệm vụ phòng ngự đã ngăn chặn được nhiều đợt tiến công của địch vào trận địa buộc địch phải co về giữ Khang Kho.

Đợt 4 (1.10-15.11), thời tiết chuyển dần sang mùa khô, quân địch tập trung 60 tiểu đoàn tiến công nhằm chiếm phần phía nam Cánh Đồng Chum, tạo lợi thế trong đàm phán; trong đó, tập trung trên hướng tiến công chủ yếu ở phía nam hơn 20 tiểu đoàn. Bộ Tư lệnh chiến dịch tổ chức lực lượng thích hợp để ngăn chặn bẻ gãy các hướng, các mũi tiến công của địch, tạo thế, tạo thời cơ tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định tiêu diệt lực lượng quan trọng của địch. Sau khi được tăng cường thêm Trung đoàn 88, Bộ Tư lệnh chiến dịch tập trung 2 trung đoàn 148 và 335 và Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 88) đánh trận then chốt quyết định vào cụm quân địch từ nam Bản Quay đến bắc Khang Kho. Trong ngày 26.10, các đơn vị của ta nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu, tiêu diệt phần lớn quân địch tại đây. Quân địch không thể tiếp tục tiến công, phải quay về co cụm ở khu vực Khang Kho, Nậm Cọ - Phu Phaxay, tổ chức thành tuyến phòng ngự ở nam Cánh Đồng Chum để bảo vệ Loong Chẹng. Từ 2-5.11.1972, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 148), Trung đoàn 335 (thiếu) và Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 88) cùng lực lượng đặc công bao vây tiến công tiêu diệt một tiểu đoàn lính Thái Lan và GM26 ở Phu Tungua, Phu Vai, Nậm Cọ, Khang Kho. Quân địch bị thiệt hại nặng phải rút chạy về Tôm Liêng, Pha Khao. Ta hoàn toàn làm chủ khu vực trung gian nam Cánh Đồng Chum. Ngày 15.11, CDPNCĐCXK kết thúc. Kết quả, trong toàn bộ chiến dịch, ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của địch, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum. Trong toàn chiến dịch ta và Quân đội Pathét Lào đã đánh tổng cộng 244 trận (ta đánh 170 trận, Lào đánh 74 trận), loại khỏi vòng chiến đấu 5.759 quân địch; đánh thiệt hại nặng 3 GM (21, 23 và 26), 3 tiểu đoàn quân Thái Lan và đánh thiệt hại 5 GM khác, bắn rơi 38 máy bay, thu 859 súng các loại (có 4 pháo 105 mm và 4 súng cối 106,7 mm).

CDPNCĐCXK thắng lợi đã giữ được thế liên hoàn vững chắc giữa ba vùng căn cứ địa cách mạng của Lào và kịp thời phối hợp với các hoạt động khác trên chiến trường ba nước Đông Dương; chiến dịch đã thể hiện sự liên minh chiến đấu, mối quan hệ gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa hai đảng, hai dân tộc, hai Quân đội Việt - Lào cùng chống đế quốc Mỹ và đồng minh. Về nghệ thuật chiến dịch, đây là lần đầu tiên Quân đội Việt Nam và Quân đội Pathet Lào tổ chức chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh, đánh bại hoàn toàn quân địch tiến công quy mô lớn, dài ngày; rút được nhiều kinh nghiệm, bổ sung và góp phần làm phong phú thêm lý luận về nghệ thuật chiến dịch, đặc biệt là với loại hình chiến dịch phòng ngự. Nét nổi bật về nghệ thuật trong chiến dịch là: sự chỉ đạo vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh, khéo léo kết hợp giữa phòng ngự khu vực (trong đó trọng điểm là việc xây dựng các điểm tựa, cụm điểm tựa làm nòng cốt) với phản kích liên tục (vừa đánh nhỏ, vừa tập trung lực lượng đánh lớn, đánh hiệp đồng binh chủng) nhằm tiêu diệt, tiêu hao từ nhỏ đến lớn lực lượng, phương tiện chiến đấu của địch. Trong quá trình thực hành tác chiến, Bộ Tư lệnh chiến dịch có kế hoạch chu đáo bảo đảm vừa tác chiến, vừa củng cố, bổ sung lực lượng bảo đảm chiến đấu liên tục, dài ngày và bảo đảm cho chiến dịch đạt được mục đích đề ra cũng như giành được thắng lợi lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Viện Khoa học quân sự/Bộ Quốc phòng, Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng mùa mưa 1972, Viện Khoa học quân sự xuất bản năm 1977.

2. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

3. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Thống kê các chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ (1945-1975), tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr 592-605.

4. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.

5. Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014, tr 246-249