Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến dịch
Kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến dịch là tổng thể các trận chiến đấu, các đòn đột kích, các trận then chốt (then chốt quyết định) và các hoạt động tác chiến khác kết hợp chặt chẽ và tác động với nhau theo mục đích, nhiệm vụ, được tiến hành đồng thời, gối đầu, kế tiếp, liên kết chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau trên một hoặc nhiều chiến trường tác chiến, trên hướng (khu vực) chiến lược hoặc tác chiến phòng thủ quân khu, trong không gian và thời gian nhất định, theo một ý định và kế hoạch thống nhất, dưới sự lãnh đạo và chỉ huy thống nhất, nhằm thực hiện những nhiệm vụ quân sự, chính trị cụ thể do cấp chiến lược giao.

Sự hình thành và phát triển của Chiến dịch là quy luật khách quan của chiến tranh nói chung và của đấu tranh vũ trang nói riêng. Chiến dịch là một hiện tượng khách quan, là hình thức tác chiến được ra đời, phát triển và hoàn thiện gắn liền với sự phát triển của lực lượng vũ trang, sự gia tăng của vũ khí trang bị, khả năng cơ động, tác chiến của bộ đội, trình độ tổ chức chỉ huy và các phương tiện bảo đảm. Những yếu tố của Chiến dịch đã xuất hiện ở các nước Tây Âu từ đầu thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, Chiến dịch được hình thành rõ nét nhất trong chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905) và tiếp tục phát triển trong thời kì chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Đặc biệt, trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và thời kì sau chiến tranh, khi quân đội các nước có bước phát triển mạnh mẽ về vũ khí trang bị và cơ cấu tổ chức đã hình thành các loại hình chiến dịch, kể cả về lí luận và thực tiễn.

Ở Việt Nam, những yếu tố manh nha của Chiến dịch đã xuất hiện trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược từ thời phong kiến. Chiến dịch được thực sự hình thành trong kháng chiến chống Pháp và ngày càng phát triển, hoàn thiện trong kháng chiến chống Mĩ. Quá trình hình thành và phát triển Chiến dịch ở Việt Nam trong những điều kiện lịch sử cụ thể của mỗi cuộc chiến tranh, gắn liền với những đặc điểm của đất nước và con người Việt Nam; những sắc thái riêng biệt gắn với điều kiện của chiến tranh giải phóng dân tộc, chống lại những kẻ thù xâm lược có quân đông, có ưu thế tuyệt đối về kinh tế và vũ khí, trang bị; trên cơ sở của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của ba thứ quân, tạo nên thế mạnh, lực mạnh và thời cơ thuận lợi để chiến thắng kẻ thù; là kế thừa tinh hoa truyền thống quân sự của dân tộc, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn chiến tranh, kết hợp với học tập và vận dụng đúng đắn, sáng tạo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tận dụng triệt để các yếu tố thiên thời, địa lợi của địa lí quân sự Việt Nam. Chiến dịch hình thành từ không đến có, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn (trong kháng chiến chống Pháp); từ phát triển tuần tự đến những bước nhảy vọt (trong kháng chiến chống Mỹ); được đánh dấu bằng những mốc lớn trong từng cuộc chiến tranh và ngày càng hoàn thiện hơn; thời kì đầu chiến dịch thường diễn ra trên đất liền chủ yếu là của lục quân sau đó phát triển đến các quân chủng, như: Chiến dịch phòng không tháng 12.1972; chiến dịch đổ bộ đường biển Tà Lơn năm 1979 (trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc biên giới Tây Nam năm 1977-1979);

Phân loại Chiến dịch, theo tính chất, có: chiến dịch, chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược; theo lực lượng, có: chiến dịch binh chủng hợp thành (trên bộ): tiến công, phản công, phòng ngự...; chiến dịch quân chủng: chiến dịch phòng không, chiến dịch trên biển...; theo môi trường hoạt động, có chiến dịch: trên bộ, trên biển, trên không, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không...; quy mô chiến dịch: quy mô nhỏ, quy mô vừa, quy mô lớn (ở nước ngoài còn có chiến dịch tập đoàn quân, chiến dịch cụm tập đoàn quân, chiến dịch phương diện quân, chiến dịch cụm phương diện quân). Theo thời gian và thứ tự tiến hành, có: chiến dịch mở màn (mở đầu) - đợt 1 và các chiến dịch tiếp theo (đợt 2, 3...). Mỗi chiến dịch có một số chỉ số chủ yếu như: số lượng các đơn vị (lực lượng) tham chiến, địa bàn hoặc chính diện và chiều sâu tác chiến, thời gian tiến hành chiến dịch... Ngoài ra, trong chiến dịch tiến công, ở một số trường hợp còn chú ý đến chỉ số tốc độ tiến công (km/h hoặc km/ngày).

Nội dung, phương pháp chuẩn bị và thực hành Chiến dịch chịu sự tác động và chi phối của mục đích chính trị của chiến tranh; tính chất các nhiệm vụ chiến lược mà chiến dịch phải hoàn thành; khả năng nền kinh tế - quân sự của quốc gia; khả năng tác chiến của quân đội hai bên; đặc điểm của chiến trường tác chiến; thực trạng và khả năng của hệ thống chỉ huy các cấp; trạng thái chính trị tinh thần của bộ đội (của các lực lượng) và trình độ huấn luyện về chính trị, chiến dịch và chiến thuật của bộ đội.

Quy mô Chiến dịch binh chủng hợp thành: quy mô nhỏ, do quân khu, quân đoàn tổ chức; lực lượng 1 sư đoàn hoặc tương đương, một số đơn vị bộ đội địa phương, một số đơn vị binh chủng chiến đấu, bảo đảm, phối hợp với các lực lượng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Quy mô vừa, do Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh chiến trường hoặc quân khu tổ chức; lực lượng từ 2 đến 3 sư đoàn, quân đoàn hoặc tương đương, phối hợp với các lực lượng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Quy mô lớn, do Bộ Quốc phòng hoặc bộ tư lệnh chiến trường tổ chức; lực lượng quân đoàn tăng cường trở lên, kết hợp với các đơn vị của quân khu, quân chủng, binh chủng và các lực lượng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.

Quy mô Chiến dịch phòng không: Quy mô nhỏ, do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức; lực lượng từ 1 sư đoàn phòng không, 1 đến 2 trung đoàn không quân cùng với các lực lượng khác trên địa bàn chiến dịch. Quy mô vừa, do Bộ Quốc phòng hoặc Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức; lực lượng từ 2 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn không quân cùng với các lực lượng khác trên địa bàn chiến dịch và các đơn vị bảo đảm của Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các lực lượng. Quy mô lớn: từ 3 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn không quân và các đơn vị bảo đảm của Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các lực lượng khác trong địa bàn chiến dịch.

Quy mô Chiến dịch trên biển: Quy mô nhỏ là phổ biến, do Bộ tư lệnh chiến trường hoặc Quân chủng Hải quân tổ chức; tùy tình hình cụ thể, bộ tư lệnh chiến trường hoặc Quân chủng Hải quân quyết định các lực lượng tham gia chiến dịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, năm 2004.
  2. Bộ Quốc phòng Từ điển Thuật ngữ Quân sự, năm 2007.
  3. Bộ Quốc phòng Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt nam, năm 2018.
  4. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến phòng không - không quân, năm 2018.
  5. Bộ Quốc phòng Điều lệnh tác chiến chiến dịch Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 2019.
  6. Học viện Quốc phòng Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, năm 2021.