Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến đấu
Changde battle.jpg
2-8 Field Regt.jpg
Bundesarchiv Bild 101I-646-5188-17, Flugzeuge Junkers Ju 87.jpg

Chiến đấu là hành động đánh địch có tổ chức của cá nhân, phân đội (chiếc máy bay, tàu chiến…), binh đội, binh đoàn bằng các hình thức tác chiến cụ thể nhằm tiêu hao, tiêu diệt quân địch, bảo vệ ta.

Hành động Chiến đấu của con người xuất hiện từ rát sớm. Thời cộng sản nguyên thủy, con người đã phải chiến đấu chống lại sự tàn phá của thiên tai, thú dữ để tồn tại, phát triển. Khi xã hội có phân chia giai cấp, cuộc đấu tranh (chiến đấu) của giai cấp bị bóc lột chống lại giai cấp bóc lột, trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy xã hội phát triển.

Trong lĩnh vực quân sự đấu tranh vũ trang, chiến đấu là hành động có mục đích, có tổ chức chặt chẽ của của lực lượng vũ trang, sử dụng vũ khí trang bị để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ mình. Vũ khí, trang bị con người sử dụng trong chiến đấu, phát triển theo trình độ phát triển của kinh tế xã hội và khoa học công nghệ. Ngày nay vũ khí, trang bị phát triển ngày càng hiện đại, được sử dụng rộng rãi trong các hình thái chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao.

Ở Việt Nam trong lịch sử chống xâm lược, ngay thời kỳ Nhà nước Văn Lang, các Vua Hùng đã tổ chức các bộ tộc, bộ lạc chống thú dữ và kẻ thù xâm lược; tới thời An Dương Vương đã chế ra “nỏ liên châu”, một vũ khí được xem là hiện đại thời bấy giờ, tổ chức nhân dân chiến đấu đánh bại quân xâm lược Triệu Đà; Vào thế kỷ XI, bằng hình thức phòng ngự “chiến tuyến” trên sông Như Nguyệt, quân dân nhà Lý đã chặn đứng cuộc tiến công của địch, tạo thời cơ chuyển sang phản công, tiến công giành thắng lợi quyết định đánh bại quân xâm lược Nhà Tống. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ bên cạnh chiến đấu tiến công là chủ yếu, chiến đấu phòng ngự cũng được vận dụng có hiệu quả ở những giai đoạn, thời điểm nhất định ở phạm vi chiến thuật, chiến dịch như: chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (tháng 5 - 11.1972), chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (tháng 6. 1972 - 1.1973), góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến tranh giải phóng.

Có hai loại Chiến đấu cơ bản là: Chiến đấu tiến công và Chiến đấu phòng ngự, hai loại Chiến đấu cùng đồng thời xuất hiện, trong đó Chiến đấu tiến công là loại chiến đấu cơ bản, đây là hình thức chiến đấu chủ động tiêu diệt địch, đánh chiếm các khu vực, mục tiêu được giao. Theo tính chất và trạng thái hành động của địch có: Chiến đấu tiến công địch đang vận động, địch tạm dừng, địch đang tiến công, địch phòng ngự (theo trạng thái phòng ngự của địch có: Chiến đấu tiến công địch mới chuyển vào phòng ngự, địch phòng ngự dã chiến, địch phòng ngự trận địa kiên cố…). Yêu cầu chung của Chiến đấu tiến công là: chuẩn bị chu đáo, bí mật , bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, tiến công kiên quyết liên tục, tập trung lực lượng vào hướng (khu vực), mục tiêu chủ yếu, kết hợp đánh địch trong và ngoài công sự, lấy đánh địch ngoài công sự là phổ biến. Cách đánh tiến công cơ bản là: dựa vào khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, lập thế trận có lợi, tích cực, chủ động tiến công, đánh địch ở nơi yếu, hiểm yếu, sơ hở, đánh ở thế có lợi, đánh bất ngờ, kết hợp đánh địch trong và ngoài công sự, lấy đánh địch ngoài công sự là phổ biến, sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không, kết hợp tác chiến với đấu tranh chính trị, binh vận, tạo sức mạnh tổng hợp thắng địch. Chiến đấu phòng ngự, nhằm ngăn chặn, làm chậm bước tiến, sát thương lớn, đánh bại tiến công của địch có ưu thế về lực lượng, giữ vững các khu vực phòng ngự, tạo điều kiện chuyển sang phản công, tiến công hoặc các hoạt động tác chiến khác. Chiến đấu phòng ngự có thể tiến hành ở quy mô chiến thuật, chiến dịch. Có phòng ngự trận địa, phòng ngự khu vực (ở nước ngoài có phòng ngự cơ động); yêu cầu cơ bản của Chiến đấu phòng ngự là: tích cực, kiên cường, vững chắc. Cách đánh phòng ngự thường dựa vào hệ thống công sự trận địa, vật cản, hỏa lực và cơ động, đánh địch từ xa đến gần, sát thương địch khi chúng cơ động tiếp cận, triển khai chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công, khi công kích tiền duyên phòng ngự, kiên quyết phản kích tiến công địch đột nhập khu vực phòng ngự; tiêu diệt địch đổ bộ đường không, vu hồi, luồn sâu… đánh bại các thủ đoạn chiến đấu của chúng; khi có điều kiện thuận lợi có thể tiến hành phản chuẩn bị (tiến công trước) phá chuẩn bị tiến công của địch.

Theo môi trường, có Chiến đấu: trên bộ, trên biển, trên không, trên vũ trụ…Theo thời gian có: chiến đấu ban ngày, chiến đấu ban đêm. Theo thành phần tham gia có: chiến đấu hiệp đồng, chiến đấu độc lập. Mục đích chiến đấu là: tiêu diệt hoặc đánh tan quân địch, đánh chiếm hoặc bảo vệ, giữ vững khu vực, mục tiêu. Đặc điểm của chiến đấu hiện đại: liên tục, ác liệt, khẩn trương, tình huống diễn biến nhanh, phức tạp, tiêu hao, tổn thất nhiều vật chất trang bị.

Để tiến hành Chiến đấu có hiệu quả và giành thắng lợi, ta phải phát huy sức mạnh tổng hợp, biết lập thế hiểm, tạo lực mạnh, tạo thời cơ có lợi, dùng mưu kế, vận dụng linh hoạt các biện pháp tác chiến, hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng. Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  3. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 2018.
  4. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến chiến dịch Quân đội nhân dân VIệt Nam, Hà nội, 2019.
  5. Học Viện Quốc phòng, Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội, 2021.