Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiêu hồn

Chiêu hồn là phương pháp hoặc khả năng đặc biệt dùng để gọi linh hồn một người đã chết xuất hiện, hoặc dẫn dụ linh hồn đã chết từ nơi xảy ra cái chết của họ trở về nhà, về nơi thờ cúng nhằm thực hiện các mục đích tâm linh, tín ngưỡng. Người thực hiện việc chiêu hồn, tùy từng đối tượng và tôn giáo, sẽ được gọi bằng các danh hiệu như thầy cúng, thầy tu, nhà sư, thầy phù thủy, nhà ngoại cảm…

Nguồn gốc[sửa]

Hành vi chiêu hồn xuất phát từ niềm tin về linh hồn - phần phi vật chất trong con người vẫn được sống sót sau khi phần thể xác đã chết. Linh hồn có thể đi lang thang, vô định, và không biết những nơi chốn hoặc con đường cần đi để đến những địa điểm cần đến, và do đó, chiêu hồn là một trong vô số những phương cách để “gọi” linh hồn xuất hiện, khuyên nhủ và hướng dẫn linh hồn đến một địa điểm cần đến trong hành trình dài của nó. Liên quan đến chiêu hồn, có một thuật ngữ đáng chú ý là “mộ gió”, còn gọi là “mộ chiêu hồn”, tức là những ngôi mộ không chôn cất thi thể người quá cố (không có thi thể ở dưới lòng huyệt do người chết mất xác trên biển khơi, rừng rú, chiến trường,…), mà chỉ là những nấm đất tượng trưng do gia đình hoặc các tổ chức đắp lên, rồi nhờ người có năng lực chiêu hồn sử dụng các phương thức phù phép, rước vong, gọi hồn nhập mộ để tưởng niệm và thờ cúng cho người đã khuất.

Hình minh họa mô tả một cảnh trong Kinh thánh. Cảnh này thể hiện Phù thủy xứ Endor (bên phải) thực hiện nghi lễ chiêu hồn để gọi vong nhà tiên tri Samuel (ở giữa) theo lệnh của Saul (bên trái). Bức tranh này được in trên trang đầu của cuốn sách Sadducismus Triumphatus (1681) của tác giả Joseph Glanvill.

Hình thức[sửa]

Chữ viết[sửa]

Với chữ viết, có hai loại. Loại thứ nhất được thực hiện bởi người có năng lực chiêu hồn. Những người này ngồi và đặt bàn tay lên cái bàn và tùy theo tiếng gõ tự động phát ra từ bàn mà ghép chữ, như một cách đọc thông điệp từ người chết. Mỗi chữ cái sẽ được quy định bằng bao nhiêu tiếng gõ. Loại thứ hai được thực hiện bởi người được nhập hồn linh hồn của người chết. Những người này sau khi được pháp sư cho nhập linh hồn của người chết vào mình hoặc tự được/bị nhập linh hồn do một sự nhạy cảm đặc biệt thì sẽ tự động viết ra những ý nghĩ được cho là của linh hồn người chết muốn báo hiệu.

Giọng nói[sửa]

Với việc sử dụng giọng nói, cũng có hai loại. Loại thứ nhất được thực hiện bởi người có năng lực chiêu hồn, lập đàn chiêu hồn tại điện thờ của họ, hoặc tại nơi xảy ra cái chết của người chết, đánh thức linh hồn người chết xuất hiện và dẫn dụ họ đi. Loại thứ hai, đơn giản hơn, có thể thực hiện bởi chính người nhà, người thân của người chết, đi đến nơi cần chiêu hồn người chết (nơi xảy ra tai nạn, bệnh viện,…), lập đàn cúng tế hoặc chỉ cần cầm theo linh vị người chết, đi vòng quanh khu vực ấy tầm 30 phút, vừa đi vừa gọi tên người chết, rồi đi về nhà và đặt linh vị người chết lên bàn thờ. Trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du, những câu thơ miêu tả việc Kim Trọng cùng em trai nàng Kiều đến bờ sông Tiền Đường để chiêu hồn, giải oan cho nàng Kiều có lẽ là đã tái hiện cách chiêu hồn này: “Chiêu hồn thiết vị lễ thường/Giải oan lập một đàn tràng bên sông” (câu 2967-2968).

Các quan điểm trái ngược[sửa]

Từ xưa tới nay đều tồn tại hai quan điểm trái ngược về chiêu hồn. Một bên công nhận rằng thuật chiêu hồn có một phần sự thật trong các sự kiện đã được nghiên cứu, một nửa khác lại công kích, phản đối và cho rằng đó chỉ là trò lừa bịp, mê tín dị đoan. Phụ thuộc vào từng chiều hướng quan niệm, mỗi tôn giáo, pháp môn tu tập, thực hành tín ngưỡng lại có những phương pháp riêng như các bài thần chú, kinh cầu hồn, cầu siêu, cứu khổ, cầu an…trong việc giúp cho chân hồn được tịnh hóa thần thức. Chẳng hạn, những người theo đạo Phật cho rằng, không cần chiêu thức quá phức tạp, việc trì tụng kinh cầu nguyện hồi hướng cũng có khả năng chiêu hồn, tỉnh thức linh hồn người chết, giúp linh hồn người chết nhìn được rõ ràng hơn cảnh giới không gian quanh mình, và biết được đường về nhà.

Thuật chiêu hồn hiện vẫn đang là đối tượng được các tôn giáo, các chuyên ngành khoa học tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm, và được thực hành, trình diễn trong các hành vi tín ngưỡng dân gian ở từng bối cảnh cụ thể của đời sống.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Khoa Huân, Thần linh học thuật chiêu hồn, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1972.
  2. Thụy Văn, “Nghi thức táng gió trên đảo Lý Sơn”, Báo bienphong.com.vn, ngày đăng 11/9/2020.