Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chandragupta
Tượng Chandragupta ở New Delhi

Chandragupta (340 - 297 TCN) là người sáng lập vương triều Mauryan (trị vì từ năm 321 – 297 TCN), hoàng đế đầu tiên thống nhất phần lớn lãnh thổ Ấn Độ dưới sự cai trị của một vương triều.

Chandragupta sinh ra tại Patna (nay thuộc bang Bihar – Ấn Độ). Có nhiều giả thuyết về xuất thân của ông, có tư liệu viết cha mẹ của ông đều là người thuộc đẳng cấp Kshatriya, bên cạnh đó thì lại có ý kiến khác cho rằng cha ông là một quốc vương còn mẹ ông lại xuất thân từ đẳng cấp thấp kém Sudra. Tuy có xuất thân thuộc đẳng cấp cao quý nhưng khi cha mất sớm, Chandragupta đã được nhận nuôi và phải sinh sống bằng công việc chăn nuôi gia súc. Cuộc đời Chandragupta thay đổi khi ông gặp được Kautilya (còn được gọi là Chanakya) – một tăng lữ Brahman. Kautilya đã đưa C tới Taxila (hiện nay thuộc Pakistan), ở đó ông được huấn luyện về quân sự và trở thành một chỉ huy quân đội. Theo lời của cố vấn Kautilya, Chandragupta đã tập hợp quân đội và nhận được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, nổi dậy chấm dứt chế độ chuyên quyền của triều đại Nanda. Ông giành thắng lợi trong trận chiến quyết định trước tổng chỉ huy quân đội Nanda là Bhaddasala. Năm 325 TCN, sau khi lên ngôi hoàng đế vương quốc Magadha, Chandragupta đã tiến hành việc thủ tiêu các thế lực của triều đại Nanda cũ, bắt đầu thiết lập bộ máy nhà nước quân chủ được tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.

Dưới thời cai trị của Chandragupta, lãnh thổ vương quốc Maghdha được mở rộng mạnh mẽ thông qua các cuộc chiến tranh chinh phạt. Chandragupta đã giành được vùng Punjab vào khoảng năm 322 TCN. Năm sau, với tư cách là hoàng đế của Magadha và là người cai trị Punjab, ông đã bắt đầu xây dựng vương triều Mauryan (năm 321 TCN) và mở rộng đế chế của mình đến biên giới Ba Tư. Vào năm 305 TCN, ông đánh bại cuộc xâm lược của quân Hy Lạp do Seleucus I Nicator lãnh đạo. Với lãnh thổ trải dài từ dãy Himalaya và thung lũng sông Kabul (thuộc Afghanistan ngày nay) ở phía bắc và phía tây đến dãy Vindhya ở phía nam, C đã xây dựng được một trong những đế chế rộng lớn nhất trong lịch sử. Vào cuối triều đại của mình, với một đội quân khoảng 400.000 - 600.000 người, C đã thống nhất gần như toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ.

Có được những thành tựu to lớn như vậy, một phần là do Chandragupta đã thiết lập bộ máy nhà nước chặt chẽ theo khuôn mẫu của triều đại Achaemenid - Ba Tư (559–330 TCN) và những hướng dẫn trong tác phẩm “Arthashastra” của Kautilya về việc cai trị đất nước. Con trai của C là Bindusara đã tiếp tục sự nghiệp của cha mình và mở rộng đế chế về phía nam.

Bên cạnh sự nghiệp quân sự lẫy lừng, Chandragupta còn là một vị quân vương sùng đạo. Ở tuổi 50, ông bắt đầu say mê đạo Jaina và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của nhà hiền triết Bhadrabahu I. Năm 298 TCN, hoàng đế từ bỏ quyền cai trị của mình, giao lại quyền lực cho con trai Bindusara. Khi đất nước xảy ra nạn đói, Chandragupta chán nản trước tình hình bi thảm đang diễn ra, ông bỏ đi và dành những ngày cuối cùng của đời mình để phụng sự Bhadrabahu tại Shravanabelagola (nay thuộc bang Karnataka, phía tây nam Ấn Độ). Tại đây, Chandragupta đã nhịn ăn trong năm tuần cho đến khi chết trong một nghi lễ thực hành tôn giáo của đạo Jaina được gọi là sallekhana (hay santhara).

Ngày nay, hoàng đế Chandragupta được nhớ đến với vai trò là người thống nhất đất nước sau một thời gian dài chiến tranh loạn lạc, cũng là người đặt nền móng cho việc mở rộng lãnh thổ Ấn Độ một cách mạnh mẽ cho các triều đại sau. Câu chuyện cuộc đời Chandragupta đã truyền cảm hứng cho các bộ tiểu thuyết hay phim ảnh hiện đại, như bộ phim “Samrat Chandragupt” (năm 1958) và nhiều bộ phim truyền hình bằng tiếng Hinđi khác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Anjana Mothar Chandra, 5000 năm lịch sử và văn hóa Ấn Độ, Nxb.Văn hóa Thông tin, 2010.
  2. Radhakumud Mookerji, Chandragupta Maurya and His Times (Chandragupta Maurya và thời đại của ông), Motilal Banarsidass Publ., Delhi, 1988
  3. Adity Kay, Emperor Chandragupta (Hoàng đế Chandragupta), Hachette Publisher, India, 2016
  4. https://www.britannica.com/biography/Chandragupta
  5. https://www.thoughtco.com/chandragupta-maurya-195490