Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Cha mẹ đơn thân

Cha mẹ đơn thân (hay nuôi con đơn thân) là một người nuôi dạy con cái mà không có vợ hoặc chồng hay bạn đời bên cạnh. Việc trở thành cha mẹ đơn thân xảy ra khi cha mẹ li hôn, cha mẹ của đứa trẻ không kết hôn hoặc cha mẹ trở nên góa bụa do bệnh tật, chiến tranh, giết người, tai nạn lao động và tử vong.

Thực trạng[sửa]

Trong số tất cả các hộ gia đình ở các nước OECD vào năm 2011, tỷ lệ hộ gia đình đơn thân là 3 - 11%, trung bình là 7,5%. Nó cao nhất ở Úc (10%), Canada (10%), Mexico (10%), Hoa Kỳ (10%), Lithuania (10%), Costa Rica (11%), Latvia (11%) và New Zealand (11%), trong khi thấp nhất ở Nhật Bản (3%), Hy Lạp (4%), Thụy Sĩ (4%), Bulgaria (5), Croatia (5%), Đức (5%), Ý (5%) và Síp (5%). Tỷ lệ này là 9% ở cả Ireland và Vương quốc Anh. Ở tất cả các nước OECD, hầu hết các hộ gia đình đơn thân đều do mẹ làm chủ hộ. Trong năm 2016/17, tỷ lệ trẻ em sống trong một gia đình có cha mẹ đơn thân dao động từ 6% đến 28% ở các quốc gia OECD khác nhau, với tỷ lệ trung bình của các quốc gia OECD là 17%.

Ảnh hưởng của cha mẹ đơn thân đến trẻ em[sửa]

Mặc dù một số trẻ em từ các gia đình đơn thân có tâm lý khá tốt nhưng nhìn chung, nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý và hành vi ngày càng tăng. Những đứa trẻ chỉ có cha hoặc mẹ, so với những gia đình nguyên vẹn, có xu hướng có mức độ hạnh phúc tâm lý thấp hơn; trẻ gặp các vấn đề như lo lắng, trầm cảm, thoái lui và ức chế; các vấn đề bên ngoài như không tuân thủ, hành động ngang ngược và gây hấn; giảm thành tích học tập và các vấn đề về sức khỏe cũng phát hiện ra nhiều vấn đề trong số các vấn đề xuất hiện ở đứa trẻ trong năm đầu tiên sau khi li hôn (trẻ em có xu hướng hung hăng, chống đối, mất tập trung và đòi hỏi nhiều hơn). Crossman và Adams (1980) đã mô tả hai lý thuyết tâm lý xã hội có thể được sử dụng để hiểu những tác động tiêu cực tiềm tàng của li hôn đối với trẻ em. Thuyết khủng hoảng cho rằng trẻ em nhạy cảm nhất với các tác nhân gây căng thẳng liên quan đến li hôn. Zajonc (1976) đưa ra quan điểm lý thuyết thứ hai cho rằng li hôn có thể làm giảm thời gian mà cha mẹ dành để tương tác với con cái, do đó tạo ra những hậu quả tiêu cực. Do đó, sự phát triển xã hội và nhận thức của trẻ em cũng có xu hướng bị ảnh hưởng vì chúng không có đủ thời gian để tương tác với cha mẹ.

Ảnh hưởng của tình trạng đơn thân đến cha mẹ[sửa]

Phản ứng ban đầu phổ biến nhất khi làm cha mẹ đơn thân là trầm cảm. Thường thì cha mẹ cảm thấy mình là nạn nhân, cô đơn và tức giận. Cha mẹ có xu hướng lo lắng về thu nhập không thể đoán trước, nghèo về nhà ở và cảm thấy thiếu thốn. Các phản ứng cảm xúc khác mà cha mẹ đơn thân phải trải qua bao gồm: cảm giác tội lỗi hoặc cảm thấy thất bại về cuộc hôn nhân bị đổ vỡ, đau buồn, sợ hãi, lo lắng, bối rối và trong một số trường hợp là cảm giác nhẹ nhõm. Việc làm cha mẹ đơn thân cũng có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng về thời gian, năng lượng, cảm xúc và khả năng làm việc của những người cha đơn thân.

Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần những bà mẹ chưa từng kết hôn và li thân/ li hôn có tỷ lệ lạm dụng ma túy, rối loạn nhân cách cao nhất. Cấu trúc gia đình có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần ở những bà mẹ đơn thân. Họ đặc biệt có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm ở mức độ cao hơn. Người ta đã chứng minh rằng căng thẳng tài chính có tương quan trực tiếp với mức độ trầm cảm cao của các bà mẹ đơn thân. Trong số các bà mẹ đơn thân có thu nhập thấp, các triệu chứng trầm cảm có thể cao tới 60%.

Căng thẳng tài chính được xác định là một yếu tố quan trọng trong việc làm suy giảm khả năng điều chỉnh của phụ nữ đối với vai trò làm cha mẹ đơn thân. Hilton và cộng sự (2001) chỉ ra rằng, các bà mẹ đơn thân chỉ có 47% thu nhập hàng năm so với gia đình nguyên vẹn, trong khi các ông bố đơn thân có thể đạt được 86% thu nhập hàng năm so với gia đình nguyên vẹn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Coley, R. L., Children socialization experiences and functioning in single-mother households: The importance of fathers and other men, Child Development, 69 (1), 1998, pp. 219 - 230.
  2. Crossman, S. M., & Adams, G. R., Divorce, single parenting, and child development, Journal of Psychology, 106, 1980, pp. 205 - 217.
  3. Miller, J. R., Problems of single parent families, Journal of New York State Nurses Association, 11, 1980, pp. 5 - 8.
  4. Dawson, Family structure and children’s health, Vital Statistics Series, 10 (data from the National Health Interview Survey, No. 1978). Hyattsville, MD: Department of Health and Human Services, 1991.
  5. Hilton, J. M., Desrochers, S., & Devall, E. L., Comparison of role demands, relationships, and child functioning in singlemother, single-father, and intact families, Journal of Divorce and Remarriage, 35 (1-2), 2001, pp. 29 - 56.