Chữ tượng hình Ai Cập là loại văn tự của người Ai Cập cổ đại, xuất hiện từ khoảng 4000 năm TCN, trong giai đoạn hình thành xã hội có giai cấp và nhà nước ra đời.
Về hình dạng, chữ viết cổ Ai Cập lúc đầu rất giống với hình các sự vật thật muốn mô tả, vì thế được gọi là chữ tượng hình. Ví dụ, muốn nói về mặt trời, người ta vẽ một vòng tròn nhỏ, ở giữa thêm một cái chấm, nước hay sông biểu hiện bằng ba làn sóng. Các bản khắc trên đá bằng chữ tượng hình nhìn giống như bức họa tổng hợp nhiều hình vẽ được sắp xếp theo một thứ tự nhất định để gợi lên cho người đọc một sự vật nhất định nào đó. Nhưng phương pháp tượng hình này chỉ có thể diễn đạt được sự vật cụ thể riêng biệt, còn muốn diễn đạt những khái niệm phức tạp, trừu tượng thì không được. Do đó, người Ai Cập cổ đã dùng phương pháp tượng trưng, tức là những dấu hiệu vẽ ra chứa đựng những hàm nghĩa biểu đạt bên trong nó. Ví dụ, khái niệm “công bằng” được vẽ bằng hình ảnh ba chiếc lông cánh chim đà điểu (vì tất cả những lông cánh của loài chim này đều dài bằng nhau); khái niệm “thỉnh cầu” được biểu đạt bằng hình ảnh một người quỳ gối, giơ ngửa hai bàn tay… Những dấu hiệu bằng hình vẽ như vậy thường trở thành những bức tranh đố rất phức tạp và khó hiểu, để đọc được nó đòi hỏi con người phải suy đoán, liên tưởng.
Trong quá trình sử dụng, người Ai Cập đã nhận thấy những hạn chế đó, nên từ thời Cổ vương quốc, để viết cho nhanh, họ đã cải tiến chữ viết theo hướng đơn giản hóa: chỉ lấy một phần điển hình nào đó của vật thật để biểu đạt, rồi dần dần phát triển tới hình thức kết hợp cả ký hiệu tượng hình và dấu hiệu chỉ âm. Ví dụ, hình vẽ hai đường song song để chỉ kênh đào và được đọc là “Mer”. Hay, hình vẽ cái bát để chỉ cái bát, đọc là Ka, đồng thời cũng để biểu thị chữ cái K. Như thế, ngay từ thời Cổ vương quốc, người Ai Cập đã có một hệ thống mẫu tự bằng ký hiệu. Đến nay, người ta đã biết được trong hệ thống chữ viết cổ Ai Cập có gần 750 ký hiệu tượng hình và 20 dấu hiệu chỉ âm. Tuy nhiên, khi muốn viết một từ, người Ai Cập vẫn phải dùng cả dấu hiệu tượng hình và dấu hiệu chỉ âm. Khi nhìn lên bức tường bằng đá có khắc chữ, người ta thấy rất nhiều hình tượng khác nhau, rất phong phú nhưng lại có hàng lối, lặp đi lặp lại giống nhau.
Vật liệu dùng để viết Chữ tượng hình Ai Cập là đá, gỗ, da, vải, nhưng thông dụng nhất là giấy papyrus. Papyrus là một loại cây gần giống cây sậy, mọc rất nhiều ở hai bờ sông Nile và ven các đầm hồ. Thân cây papyrus thường được ép mỏng và phơi khô, dùng để làm giấy. Nhiều tờ giấy papyrus dán lại với nhau thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn giấy. Những tài liệu viết của người Ai Cập cổ đại lưu lại đến nay thường là dưới hình thức các cuộn giấy papyrus. Ngoài ra, Chữ tượng hình Ai Cập còn được khắc nhiều trên đá, trên tường của các đền miếu, cung điện và các Kim tự tháp. Nhờ những di tích, văn tự cổ này mà ngày nay chúng ta mới biết được rõ ràng hơn, đầy đủ hơn về tình hình kinh tế, chính trị của Ai Cập thời cổ cũng như các sáng tác văn học và những thành tựu khoa học của người Ai Cập cổ xưa.
Chữ tượng hình Ai Cập được dạy trong các trường chuyên đào tạo tầng lớp thư lại (scribe). Những trường này chỉ dành cho con em các quý tộc. Vì Chữ tượng hình Ai Cập rất khó nhớ, nên học sinh phải học tập vất vả trong khoảng 10 năm, hàng ngày học từ sáng sớm đến khuya. Tục ngữ Ai Cập có câu “Tai của học sinh mọc ở trên lưng”, có ý nói rằng thầy giáo phải đánh cho nhiều, phải dùng kỷ luật nghiêm khắc thì học sinh mới ghi nhớ những lời dạy của thầy.
Về sau, người ta không dùng Chữ tượng hình Ai Cập nữa, nên nó đã trở thành một thứ chữ chết. Khi Ai Cập cổ suy vong, suốt cả thời kỳ trung đại, cận đại, không có một học giả nào tìm ra được cách đọc thứ chữ đó, mặc dù tài liệu lưu lại còn rất phong phú. Sau này, khi Napoleon chinh phục Ai Cập, trong quân đội của Napoleon có một sĩ quan là học giả, tên là Champolion đã thu thập một số tài liệu viết thời cổ Ai Cập, đem về Pháp tra cứu. Trong đó, có một phiến đá tìm được ở Rosette, trên đó có khắc ba thứ chữ: Chữ tượng hình Ai Cập, chữ Ai Cập thuộc các thời đại sau và chữ Hy Lạp. Champolion đã căn cứ vào cổ văn Hy Lạp để mò mẫm tìm ra nghĩa của thứ chữ tượng hình cổ Ai Cập. Năm 1822, ông đã tìm ra cách đọc và viết Chữ tượng hình Ai Cập. Đó là cơ sở đưa đến sự ra đời của ngành Ai Cập học. Từ đó, người ta đạt nhiều thành tựu hơn trong việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa lâu đời của người Ai Cập, một trong những dân tộc đã xây dựng nhà nước đầu tiên trong lịch sử loài người.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
- Lương Ninh (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, Lịch sử thế giới cổ đại, (Tái bản lần thứ tư), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000
- Đặng Đức An (chủ biên), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, tập 1 (tái bản lần thứ 4), Nxb. Giáo dục, 2002.
- Lương Ninh (chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Đinh Ngọc Bảo, Dương Duy Bằng, Lịch sử văn hóa thế giới cổ trung đại, tái bản lần thứ 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- David P.Silverman (General ediotor), Ancient Egypt (Ai Cập cổ đại), Oxford University Press, 1997.