Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chứng mộng du

Chứng mộng du là một dạng rối loạn chung ở trẻ em với biểu hiện là ra khỏi giường và đi lại trong khi vẫn đang ngủ.

Thực trạng[sửa]

Chứng mộng du xảy ra ở khoảng 15% trẻ em ở tuổi đầu học đường. Thường diễn ra phổ biến ở trẻ em và biến mất ở sau tuổi vị thành niên. Hiện tượng mộng du xảy ra ở giai đoạn không mơ của giấc ngủ (giai đoạn còn ý thức rất thấp), thường rơi vào khoảng 1 - 2 giờ khi trẻ bắt đầu ngủ. Trong tình huống mộng du, đứa trẻ thường thực hiện các hành vi đơn giản như đi lại, lau nhà, ăn uống, nói chuyện, ngồi trên giường hay đuổi bắt đối tượng ảo ảnh. Tuy nhiên cũng có những báo cáo về những hành vi phức tạp hơn như nấu nướng, lái xe. Thông thường, người mộng du không nhớ về những hành vi họ đã thực hiện, bởi vì lúc đó ý thức đã rơi vào trạng thái mà việc ghi nhớ hầu như không thực hiện được.

Trong thời gian dài, tồn tại quan điểm cho rằng sẽ nguy hiểm nếu ta đánh thức trẻ khi đang mộng du, nhưng thực ra không có cơ sở nào cho quan điểm này. Tuy vậy, có ít lý do để đánh thức đứa trẻ và có thể không làm được việc đó. Đứa trẻ đang mộng du nên được nhẹ nhàng hướng dẫn đi về giường và chúng thường làm theo.

Nguyên nhân[sửa]

Hiện tượng mộng du có thể là dấu hiệu của việc đứa trẻ lo hãi tăng cao về điều gì đó. Phụ huynh cần chú ý đến các sự kiện hay sự thay đổi môi trường có thể dẫn tới mộng du. Nếu mộng du là hiện tượng có ở các thành viên của gia đình thì hầu như chắc chắn đứa trẻ có thể phản ứng ngay cả với sự thay đổi nhỏ trong sự lo hãi bằng hành vi mộng du. Giữ gìn các điều kiện thuận lợi cho giấc ngủ như ánh sáng, âm thanh là một cách để ngăn ngừa mộng du.

Nguyên nhân của mộng du có thể có nhiều, tuy nhiên vẫn chưa được xác định chính xác và rõ ràng. Có các giả thiết cho rằng: sự chậm trưởng thành về chức năng của hệ thần kinh trung ương, mất ngủ, sốt, mệt mỏi sau khi tập luyện… là nguyên nhân dẫn đến mộng du. Cũng có thể có yếu tố gien đối với mộng du. Có nghiên cứu cho thấy 45% trẻ sẽ có hiện tượng mộng du khi một trong bố hoặc mẹ có hiện tượng này. Tuy vậy, rõ ràng là các yếu tố di truyền không quy định hiện tượng này mà hiện tượng mộng du diễn ra do sự tác động của các yếu tố môi trường.

Đánh giá[sửa]

Việc đánh giá mộng du thường không thực hiện được trong các phòng thí nghiệm vì ở đó thường không diễn ra mộng du như ở nhà. Tuy vậy, có thể có đánh giá thông qua lịch sử giấc ngủ, các giai đoạn của giấc ngủ có liên quan hoặc đơn giản là dùng camera theo dõi để có thêm thông tin.

Để đánh giá, cần thu thập các thông tin có liên quan như: độ tuổi, thời điểm thường xuất hiện mộng du, tần suất, các biểu hiện về xúc cảm, hành vi của cá nhân khi mộng du, lịch sử gia đình có liên quan đến mộng du, các loại thuốc cá nhân đã hoặc đang sử dụng,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Raymond J. Corsini, Braun., The Dictionary of Psychology, Brumfield, ML, 1999.
  3. Bonnie, R. Strickland., The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.
  4. Charler Spielbeger (Editor - in chief), Encyclopedia of Aplieded Psychology, Elsvior Academic press, 2012.