Chứng loạn dâm ở phụ nữ Tình trạng của một người phụ nữ có ham muốn tình dục hoặc có hành vi tình dục được gọi bằng các thuật ngữ như “vô độ”, “mãnh liệt bất thường”, “không thể kiềm chế được” hoặc “không thể kiểm soát được”, nhiều khi khái niệm chứng loạn dân ở phụ nữ được coi là đồng nghĩa với khái niệm “lăng nhăng tình dục”.
Chứng loạn dâm ở phụ nữ là một đề tài phổ biến và hấp dẫn từ Đông sang Tây, trong những truyện thần thoại cổ xưa, tranh vẽ, phim ảnh, tiểu thuyết, nghiên cứu y khoa, chứng cứ lâm sàng và nghiên cứu y khoa cũng như tâm lý.
Chẩn đoán (Diagnosis)[sửa]
Một phụ nữ được coi là loạn dâm khi khao khát tình dục mạnh và không kiềm chế được (dâm), làm rối loạn cả cuộc sống của mình và có khi của xã hội nữa (loạn), như việc phá vỡ hạnh phúc gia đình của mình và của người khác hay làm gương xấu cho giới trẻ.
Quan niệm thế nào là loạn dâm lại tùy thuộc vào giá trị và hoàn cảnh của mỗi văn hoá. Cách chữa trị cũng thay đổi theo văn hoá. Nghiên cứu tâm lý đóng góp một phần đáng kể, nhưng cũng không vượt khỏi vòng ảnh hưởng của văn hóa. Một cách chung thì những hành động tình dục nào mà không được nền văn hoá đó chấp nhận thì bị coi là loạn dâm.
Trong nhiều thế kỷ, văn hóa phản ảnh cái nhìn từ phái nam. Đa số các bác sĩ, kể cả chuyên gia chuyên trị chứng này đều là nam giới. Vì thế, có thời kỳ triệu chứng lãnh cảm cũng bị coi là một cách loạn dâm, vì nó không bình thường trong cái nhìn của nam giới thời đó. Trong DSM-I, đồng tính cũng được coi là loạn dâm ngoài tình dục (paraphilia). Loạn khuynh hướng tình dục (sexual orientation disturbance) trong DSM-II; đồng tính hại bản ngã (ego - dystonic homosexuality) trong DSM-III không còn được coi là bất thường nữa kể từ DSM-III-R năm 1987 tới nay.
Trong khi nhiều tài liệu bàn về chứng loạn dâm ở phụ nữ (nymphomania), thì chứng loạn dâm ở nam giới (satyromania) lại ít khi được nhắc tới và khi đó thì hay dùng một cụm từ có ngụ ý nhẹ hơn là satyriasis. Theo thần thoại La-mã thì satyriasis là một vị thần nửa người nửa dê, thích rượu, nhạc và phụ nữ. Trong văn hóa phương Tây và phương Đông một người đàn ông giao hợp với nhiều phụ nữ không bị coi là loạn dâm. Một Vua có nhiều thê thiếp. Tuy nhiên, thái độ đó gần đây thay đổi nhanh chóng. Dư luận xã hội phản đối những người có chứng loạn dâm.
Tiêu chuẩn[sửa]
Trong xu hướng bình đẳng, ngày nay khái niệm tính dục thái quá (hypersexuality) được dùng cho cả nam lẫn nữ, có những tiêu chuẩn để chuẩn đoán bệnh này. Đó là những người có chứng loạn dâm có hầu hết các đặc tính như sau trong khoảng thời gian 6 tháng trở lên: 1) có những mộng mơ, khao khát, dự tính, hay hành vi tính dục mạnh và thường xảy ra, không kiềm chế được, mà cũng không được thoả mãn; 2) hành vi đó bắt nguồn từ các tâm trạng lo lắng, trầm cảm, chán nản, nóng nảy, hay là các diễn biến căng thẳng trong cuộc sống; 3) hành vi đó có hậu quả là cản trở các sinh hoạt hay công việc và làm tổn thương thân thể hay tâm thần của mình hay của người khác. Hành vi này không có các biểu hiện sau: hậu quả của dược liệu hay ma tuý, của một tình trạng bệnh lý tổng quát, hay một giai đoạn hưng cảm (mania); dưới 18 tuổi. Từ hypersexuality chưa được cho vào DSM-V, nhưng vẫn thường được sử dụng.
Nguyên nhân và điều trị (Etiology & Treatment)[sửa]
Các nhà khoa học đã đưa ra ba cách chẩn đoán và chữa trị. Đó là: điều trị theo sinh lý, theo tâm lý và theo xã hội.
Chẩn đoán và điều trị theo sinh lý: lý thuyết chẩn đoán và chữa trị theo sinh lý ra đời sớm nhất, kéo dài lâu nhất và ảnh hưởng mạnh đến nhiều người nhất. Tại châu Âu, từ thế kỷ thứ XVII, một số bác sĩ đã xuất bản hàng trăm công trình lý thuyết về nghiên cứu và chữa trị, nhưng hầu hết bị giới hạn bằng phương pháp trường hợp (case studies) và tập trung vào vấn đề sinh lý. Một nghiên cứu khá lớn là của công chúa Marie Bonaparte, người đã cứu Sigmund Freud ra khỏi nước Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bà đo khoảng cách giữa âm vật và âm hộ của 243 phụ nữ và tìm kiếm sự tương quan của khoảng cách này với khoái lạc trong tính dục. Tại một số quốc gia, muốn ngăn ngừa chứng này bằng cách cắt âm vật và có khi còn may âm hộ lại nữa, chỉ chừa một cửa nhỏ cho đường tiểu tiện. UNICEF ước tính có khoảng 200.000.000 phụ nữ bị như vậy ngay trong thế giới hôm nay. Một số người khác lại đi cắt mũ trùm âm vật hay đeo vòng khuyên vào môi âm để kích thích tính dục. Nhưng các phương pháp nhắm vào các cơ quan sinh dục không thấy có kết quả trong việc tăng hay giảm dục tính nữ giới.
Ngày nay thuyết sinh lý vẫn thịnh hành nhưng theo một hướng khác, chú tâm đến thần kinh và nội tiết. Thùy thái dương trên não đóng một vai trò đáng kể. Thay vì cắt âm vật hay may âm hộ, bây giờ cắt bỏ những tuyến như buồng trứng, hay dùng dược liệu để giảm ảnh hưởng của các nội tiết. Một số nơi dùng các phương pháp này và giảm án tù cho các tội nhân loạn dâm. Tuy nhiên kết quả cũng giới hạn. Điều này cho thấy là tình dục không đơn thuần là một hành vi sinh lý.
Chẩn đoán và điều trị theo tâm lý: từ đầu thế kỷ XX, lý thuyết tâm lý bắt đầu thịnh hành. Khi Sigmund Freud điều trị bệnh cuồng loạn (hysteria) cho một số phụ nữ quý phái, ông nhận thấy họ bị hiếp dâm khi còn nhỏ. Sau khi nghe quá nhiều trường hợp như vậy, ông nghi rằng không phải thật sự là bị hiếp dâm, mà là một ước muốn ẩn chứa trong chính những phụ nữ đó. Như vậy, là ông đã chuyển lý thuyết từ hiếp dâm, thuộc về sinh lý và xã hội, qua thuyết tâm lý. Cách điều trị ngày nay chú tâm vào yếu tố tâm lý. Các phim ảnh của một số đạo diễn nổi tiếng, như phim Nymphomaniac của Lars Von Trier, với nhiều tài tử nổi danh và chiếm nhiều giải thưởng năm 2014, được coi là trình bày trung thực khía cạnh tâm lý của chứng loạn dâm. Ngay trong tâm lý cũng có vài trường phái khác nhau. Một trường phái xem loạn dâm làm một loại nghiện ngập, tương đương với nghiện cờ bạc hay rượu chè. Một trường phái trình bày rõ dữ kiện là các thái độ tính dục thô bạo dễ xảy ra ở những bậc phát triển tâm lý thấp, khi người đó chưa kiểm soát được bản năng của mình, mà chỉ làm theo thúc đẩy (impulse) nhất thời. Một lý thuyết khác, cho rằng hành vi tính dục thái quá thật ra chỉ là một cấp độ mạnh hơn bình thường chứ không phải là một loại khác và nằm trong một chu kỳ lên xuống như tính dục bình thường của mọi người. Theo như một số lý thuyết này thì loạn dâm không phải là một loại bệnh riêng về tính dục, mà là một triệu chứng tâm lý cần được kiểm soát hay phát triển tốt hơn.
Các lý thuyết tâm lý này bổ sung cho nhau theo hai cách: cách thứ nhất, các lý thuyết giải thích những trường hợp khác nhau. Cùng một triệu chứng bệnh lý có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau và ta cần biết nguyên nhân nào giải thích cho trường hợp nào. Cách thứ hai là các thuyết tâm lý cùng hỗ trợ cho nhau. Một người ở cấp phát triển tâm lý thấp không kiểm soát được những thúc đẩy nhất thời và mỗi người như vậy lại có một nhược điểm khác nhau - có người dễ bị rượu hay ma túy thu hút, người khác lại dễ bị tình dục lôi cuốn, nhất là khi chu kỳ lên xuống về tình dục của người đó đã có sẵn một cách mạnh mẽ.
Chẩn đoán và điều trị theo xã hội: sự xáo trộn tâm lý đưa đến loạn dâm có thể bắt nguồn từ một số tác động xã hội. Trong phim Nymphomaniac, nguyên nhân là vì bạo hành tâm lý từ người mẹ. Trong một số trường hợp khác, em gái bị hiếp dâm bởi những người trong gia đình hay bạn bè của người thân. Từ tác động xã hội này, em bị tổn thương tâm lý. Em có mặc cảm tội lỗi và đi tìm nhiều kinh nghiệm tình dục để tìm kiếm một kinh nghiệm cứu cánh, nhưng càng tìm lại càng thấy mình xấu xa hơn. Đây là một dạng bệnh lý thông thường lặp đi lặp lại hành vi mà không giải quyết được vấn đề.
Gần đây, một số nguyên nhân xã hội khác của chứng loạn dâm của phụ nữ lại là do những khuyết điểm của nam giới. Ngày nay nhiều đàn ông lên mạng xem phim tình dục, thêm vào đó là thủ dâm. Cả ba loại người này đều có chung một đặc điểm là để thỏa mãn chính mình mà không cần để ý đến người khác. Khi những người nam này giao hợp với phụ nữ, chu kỳ kích thích và thỏa mãn tính dục của họ qua nhanh, trong khi người nữ chưa được thỏa mãn mà người nam lại không biết, vì trước đến giờ không để tâm đến người kia.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Groneman, Carol, Nymphomania: The Historical Construction of Female Sexuality, Journal of Women in Culture and Society, Vol. 19, No. 2, 1994, pp. 337 - 367.
- Lê Xuân Hy & Loevinger J., Measuring Ego Development, 1996.
- Angel, Katherine, The history of “emale Sexual Dysfunction” as a mental disorder in the 20th century, Curr Opin Psychiatry, Author manuscript; available in PMC 2010 Nov 12. Published in final edited form as: Curr Opin Psychiatry, 23 (6): doi: 10.1097/YCO. 0b013e32833db7a1 PMCID: PMC2978945 EMSID: UKMS32998 PMID: 20802336, 2010, 536 - 541.
- Reid, Rory C., How should severity be determined for the DSM-5 proposed classification of Hypersexual Disorder?, J. Behav Addict, 4 (4): Published online 2015 Dec 21. doi: 10.1556/ 2006.4.2015.041 PMCID: PMC4712755 PMID: 26690616 Bàn về hypersexuality criteria cho DSM-5, 2015, 221 - 225.
- Graham, Franklyn J., Glenn D. Walters, Danielle A. Harris, Raymond A. Knight, Is Hypersexuality Dimensional or Categorical?, Evidence From Male and Female College Samples,
Journal of Sex Research, 53 (2), 2016, 224 - 238.
- Karaga, Sara, Don E. Davis, Elise Choe, and Joshua N. Hook, Hypersexuality and Religion/Spirituality: A Qualitative Review, Sexual addiction & Compulsivity, Vol. 23, No. 2 - 3, http://dx.doi.org/10.1080/10720162.2016.1144116, 2016, 167 - 181.
- Grubbs, Joshua B., Shane W. Kraus, Samuel L. Perry, Norman Karol Lewczuk, Moral Incongruence and Compulsive Sexual Behavior: Results From Cross-Sectional Interactions and Parallel Growth Curve Analyses, Journal of Abnormal Psychology, Vol. 129, No. 3, ISSN: 0021-843X, http://dx.doi.org/10.1037/abn0000501, 2020, 266 - 278.