Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủng tộc và trí thông minh

Chủng tộc và trí thông minh là cuộc tranh luận về sự khác biệt trí thông minh giữa các chủng tộc.

Các cuộc thảo luận về chủng tộc và trí thông minh, đặc biệt là những tuyên bố về sự khác biệt trong trí thông minh của các dòng tộc, tộc người đã xuất hiện trong cả khoa học phổ thông và nghiên cứu học thuật kể từ khi khái niệm hiện đại về chủng tộc lần đầu tiên được đưa ra.

Với sự ra đời của phương pháp kiểm tra chỉ số thông minh (IQ) vào đầu thế kỷ XX, sự khác biệt về hiệu suất kiểm tra trung bình giữa các nhóm chủng tộc đã được quan sát cho thấy, mặc dù những khác biệt này đã dao động và trong nhiều trường hợp giảm đều theo thời gian. Khoa học hiện đại đã chỉ ra chủng tộc là một cấu trúc xã hội hơn là một thực tế sinh học và trí thông minh không có định nghĩa thống nhất đã làm phức tạp thêm vấn đề. Tính hợp lệ của việc kiểm tra IQ làm thước đo cho trí thông minh của con người tự nó bị tranh chấp. Ngày nay, sự đồng thuận của giới khoa học là di truyền học không giải thích được sự khác biệt về hiệu suất kiểm tra IQ giữa các nhóm chủng tộc và những khác biệt về IQ quan sát được là do nguồn gốc môi trường.

Những tuyên bố cố hữu về sự khác biệt trí thông minh giữa các chủng tộc đã đóng một vai trò trung tâm trong lịch sử khoa học phân biệt chủng tộc. Các bài kiểm tra đầu tiên cho thấy sự khác biệt về điểm số IQ giữa các nhóm dân cư khác nhau đã được tiến hành ở Hoa Kỳ. Đó là bài kiểm tra IQ của các tân binh Lục quân Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Vào những năm 1920, các nhóm vận động hành lang về ưu thế của các yếu tố sinh học cho rằng những kết quả này chứng minh rằng người Mỹ gốc Phi và một số nhóm nhập cư nhất định có trí tuệ kém hơn người da trắng Anglo-Saxon và điều này là do sự khác biệt bẩm sinh về mặt sinh học. Đổi lại, họ sử dụng những niềm tin như vậy để biện minh cho các chính sách phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, ngay sau đó các nghiên cứu khác đã xuất hiện, phản bác những kết luận này và thay vào đó là lập luận cho rằng các cuộc thử nghiệm của quân đội đã không kiểm soát đầy đủ các yếu tố môi trường. Chẳng hạn, như bất bình đẳng về kinh tế xã hội và giáo dục giữa người da đen và người da trắng.

Những quan sát sau đó về chênh lệch trong tiếp cận với dịch vụ chăm sóc trước khi sinh cũng làm nổi bật sự ảnh hưởng các yếu tố môi trường đến sự khác biệt về chỉ số IQ của các nhóm chủng tộc. Trong những thập kỷ gần đây, khi hiểu biết về di truyền học của con người ngày càng tiến bộ, những tuyên bố về sự khác biệt vốn có về trí thông minh giữa các chủng tộc đã bị các nhà khoa học bác bỏ rộng rãi trên cả lý thuyết và thực nghiệm.

Nghiên cứu về trí thông minh của con người là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất trong tâm lý học. Một phần vì nó khó đạt được thỏa thuận về ý nghĩa của trí thông minh và phản đối giả định rằng trí thông minh có thể được đo lường một cách có ý nghĩa bằng các bài kiểm tra IQ. Những tuyên bố rằng có sự khác biệt bẩm sinh về trí thông minh giữa các nhóm chủng tộc và dân tộc - ít nhất là từ thế kỷ XIX đã bị chỉ trích vì dựa vào các giả định và phương pháp nghiên cứu mang tính suy đoán và dùng làm khuôn khổ tư tưởng để phân biệt đối xử giữa các dân tộc và phân biệt chủng tộc.

Gen và trí thông minh - một phán quyết rõ ràng[sửa]

Khi nói rằng trí thông minh một phần là do di truyền và được lập trình trong các gen và được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ rất khác so với việc nói rằng gen làm cơ sở cho bất kỳ sự khác biệt chủng tộc nào. Để làm rõ vấn đề này, người ta đưa ra một ví dụ cổ điển: hãy rải hai nhóm hạt giống giống nhau trên hai mảnh đất: một mảnh đất trù phú và một mảnh đất cằn cỗi, khô cằn. Trong hai ô, di truyền học sẽ xác định bất kỳ sự khác biệt nào trong sự phát triển của hạt. Nhưng môi trường sẽ gây ra hầu hết sự khác biệt giữa hai mảnh đất.

Các nghiên cứu ước tính rằng các gen chiếm từ 30 và 80% trí thông minh của chúng ta. Sử dụng phân tích tổng hợp - một phương pháp thống kê cho phép các nhà nghiên cứu so sánh dữ liệu từ các thí nghiệm khác nhau. Một nhóm các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi tất cả các nghiên cứu này được thực hiện cùng nhau, di truyền học dường như xác định khoảng một nửa trí thông minh. Điều thú vị là, phân tích tổng hợp cũng gợi ý rằng các yếu tố môi trường trước khi sinh như dinh dưỡng của người mẹ rất khó đo lường trong bất kỳ nghiên cứu nào, có thể là cơ sở của hầu hết sự khác biệt về môi trường. Kết quả của những nghiên cứu này có một số ý nghĩa chung. Một trong những kết quả đó là những người thông minh có xu hướng sinh ra con thông minh, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Một số nghiên cứu cũng gợi ý rằng các chương trình chuyên sâu có thể tạo ra sự khác biệt lớn về điểm chỉ số thông minh (IQ) của trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Chủng tộc và chỉ số IQ - một vấn đề không rõ ràng[sửa]

Câu hỏi liệu các chủng tộc người có năng lực trí tuệ khác nhau hay không, ít nhất một phần xuất phát từ một quan sát đầu thế kỷ XX cho rằng điểm IQ của người Mỹ gốc Phi trung bình thấp hơn 15 điểm so với người da trắng. Gần đây, sự khác biệt về chỉ số IQ da đen/da trắng ở Mỹ đã giảm xuống. Hiện nay nó còn gần 10 điểm. Thật khó để thấy sự khác biệt về chỉ số IQ giữa người Mỹ da đen và người Mỹ da trắng, có thể thay đổi 5 điểm như thế nào trong vòng chưa đầy một thế kỷ nếu di truyền gây ra sự khác biệt hoàn toàn. Thú vị hơn nữa, người Mỹ và người Tây Âu ngày nay đạt điểm cao hơn 15 điểm trong các bài kiểm tra IQ giống hệt so với ông bà của họ. Chênh lệch 15 điểm về chỉ số IQ là đáng kể (chỉ số IQ 100 là “trung bình”, 130 là “năng khiếu”); nhưng rõ ràng chúng ta không thông minh hơn ông bà của chúng ta. Có vẻ như các yếu tố môi trường có thể và thực sự tàn phá những nỗ lực của chúng ta để đo lường trí thông minh.

Một số nhà nghiên cứu đã thực hiện các nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc của sự khác biệt 10 điểm IQ giữa các chủng tộc ở Mỹ. Một loại nghiên cứu đo chỉ số thông minh của trẻ em có nguồn gốc chủng tộc khác nhau được nuôi dưỡng trong những môi trường tương tự. Nếu người da trắng thông minh hơn về mặt di truyền so với người da đen, chúng ta sẽ mong đợi những đứa trẻ da đen có nguồn gốc châu Âu hơn sẽ có chỉ số IQ cao hơn những đứa trẻ có tổ tiên gốc Phi, ngay cả khi chúng được nuôi dưỡng trong cùng một gia đình. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy rất ít, nếu có sự khác biệt về trí thông minh giữa các chủng tộc. Cuộc tranh luận về chỉ số thông minh và chủng tộc là vấn đề gần như đã được làm sáng tỏ, song nó vẫn là vấn đề chưa có câu trả lời cuối cùng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Devlin, B., Michael Daniels, and Kathryn Roeder, The Heritability of IQ, Nature 388, 1997, 468 - 71.
  2. McGue, Matt, The Democracy of the Genes, Nature 388, 417 - 18. Plomin, Robert, “Genetics and General Cognitive Ability”, Nature 402 (supplement) (1999): C25-C29, 1997.
  3. Plomin, Robert and Stephen A. Petrill, Genetics and Intelligence: What’s New?, Intelligence 24, No. 1, 1997, 53 - 77.
  4. Jencks, Christopher and Meredith Phillips, eds, The BlackWhite Test Score Gap, Washington, D.C.: Brookings Institution Press, 1998.
  5. Holloway, Marguerite, Flynn’s Effect, Scientific American, January, 1999.