Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ quyền Quốc gia
Bản đồ các quốc gia trên thế giới, kèm theo đó là quốc kì của các quốc gia trên lãnh thổ của mỗi nước

Chủ quyền Quốc gia là quyền làm chủ tối cao trong phạm vi lãnh thổ không, biển, đảo, đại dương, không gian mạng và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế của một quốc gia; không một tổ chức, cá nhân nào từ bên ngoài có quyền can thiệp vào nội bộ củng như xâm phạm sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đó.

Chủ quyền hiểu theo nghĩa chung là nguồn gốc của quyền lực tuyệt đối và vô hạn, còn quốc gia là một thực thể đáp ứng được các yêu cầu khách quan của một nước. Trong thời đại ngày nay, khái niệm chủ quyền trong pháp luật quốc tế được cấu thành từ ba khái niệm: chủ quyền dân tộc (quyền của mỗi dân tộc được thành lập một quốc gia độc lập), Chủ quyền Quốc gia và chủ quyền nhân dân (quyền nhân dân làm chủ). Tất cả các nước, không tính đến quy mô lãnh thổ, dân số, chế độ chính trị, xã hội, đều có Chủ quyền Quốc gia.

Chủ quyền Quốc gia là đặc trưng chính trị và pháp lý thiết yếu của một quốc gia độc lập, được thể hiện trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong hệ thống pháp luật quốc gia. Chủ quyền Quốc gia gồm quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ; quyền tự quyết định những công việc của quốc gia và quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại. Các quyền trên gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, trong đó quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ là quyền tuyệt đối, đầy đủ và bất khả xâm phạm đối với vùng đất, vùng trời, nội thủy, lãnh hải và các đảo của quốc gia. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, quốc gia có toàn quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; quyền sở hữu hoàn toàn đối với tài nguyên thiên nhiên, tư liệu sản xuất...; quyền lựa chọn chế độ chính trị, con đường phát triển đất nước về kinh tế, văn hóa, xã hội, quyết định các vấn đề quốc phòng, quân sự, an ninh, ngoại giao... phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ quốc gia. Mọi tổ chức, cá nhân cư trú trên lãnh thổ quốc gia phải tuân thủ pháp luật quốc gia. Quốc gia tự quy định chế độ pháp lý cho từng vùng lãnh thổ phù hợp với các nguyên tắc chung được pháp luật quốc tế thừa nhận. Hiến chương Liên Hợp quốc và các văn kiện của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khẳng định nguyên tắc cơ bản: bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia; các dân tộc có quyền tự quyết; giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế; không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác; mọi quốc gia không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ, chia cắt lãnh thổ, xâm phạm các quyền lợi ích hợp pháp trên vùng đất vùng trời, nội thủy và lãnh hải của quốc gia khác...

Quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế được thể hiện quyền tự quyết về mọi vấn đề đối nội, đối ngoại. Về đối nội thể hiện trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong hệ thống pháp luật quốc gia. Thông qua hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền, quốc gia tiến hành các hoạt động nhằm ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác quốc tế. Quốc gia có toàn quyền trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi hành vi xâm phạm Chủ quyền Quốc gia phù hợp với nguyên tắc và quy phạm quốc tế. Về đối ngoại, quốc gia có quyền tham gia các tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế, các điều ước quốc tế có liên quan; có quyền tham gia giải quyết những vấn đề liên quan đến lợi ích của mình, tham gia xây dựng luật pháp quốc tế, hợp tác quốc tế; được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ như các quốc gia khác. Các quốc gia quy định và thực thi Chủ quyền Quốc gia của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác. Tuy nhiên, do nhiều lý do, việc tranh chấp, xâm phạm chủ quyền vẫn diễn ra ở nhiều nơi và là một nguyên nhân cơ bản của xung đột vũ trang, chiến tranh. Vì vậy, bảo vệ Chủ quyền Quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của mọi quốc gia.

Ở Việt Nam, Chủ quyền Quốc gia được khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập (2.9.1945), được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật và điều ước quốc tế. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013) tiếp tục khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời và không gian mạng”. Chủ quyền Quốc gia của Việt Nam là đặc biệt thiêng liêng, là đặc quyền thực hiện các hoạt động nhà nước trong phạm vi lãnh thổ. Ngoài chủ quyền tuyệt đối, hoàn toàn, đầy đủ và bất khả xâm phạm, còn có quyền chủ quyền, quyền tài phán theo quy định của luật pháp quốc tế.

Bảo vệ Chủ quyền Quốc gia Việt Nam là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền, trên biển, đảo, trên không và trên không gian mạng; bảo vệ chủ quyền về tài nguyên trong lòng đất, dưới đáy đại dương…; bảo vệ quyền định đoạt vận mệnh đất nước, vận mệnh dân tộc, quyền lựa chọn thể chế chính trị, con đường phát triển, quyền độc lập của quốc gia trong quan hệ quốc tế, quyền quản lí người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam; bảo vệ chủ quyền trong các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài… Trong đó, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, chủ quyền chính trị, kinh tế… là những hoạt động thường xuyên, có ý nghĩa quyết định. Bảo vệ Chủ quyền Quốc gia là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lực lượng chuyên trách làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lí, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa năm 1999.
  2. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nôi, 2004.
  3. Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6/2005; Chủ quyền quốc gia - những luận điểm cơ bản và một số vấn đề liên quan.
  4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013.
  5. Quốc hội, Luật an ninh mạng năm 2018.