Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ nghĩa ngữ cảnh

Chủ nghĩa ngữ cảnh là một hướng nghiên cứu về phát triển tâm lý, ý thức dựa trên phương pháp tiếp cận “ngữ cảnh” (context approach). Chủ nghĩa ngữ cảnh cho rằng hầu hết các khía cạnh của sự phát triển tâm lý ở người đều diễn ra trong những “ngữ cảnh” tự nhiên, văn hóa, xã hội cụ thể.

Sự hình thành chủ nghĩa ngữ cảnh[sửa]

Đến nửa sau của thế kỷ XX, do những nỗ lực nghiên cứu trong triết học ngôn ngữ, ký hiệu học, chủ nghĩa hậu hiện đại, khái niệm “ngữ cảnh” đã vượt ra ngoài lĩnh vực ngôn ngữ học, trở thành một khái niệm đa năng cho nhiều khoa học nhân văn. Trong tâm lý học, thuật ngữ “ngữ cảnh tâm lý” đã được V.N. Voloshinov (Nga) lần đầu tiên sử dụng nó vào năm 1929. L.X. Vưgotsky (1999, Nga) đã xây dựng quy luật “Động lực học của ý” mô tả việc hình thành “ý” và “nghĩa” như một quá trình làm giàu từ với “ý” và “nghĩa” mà nó hấp thụ từ “ngữ cảnh”. X.L. Rubinstein (1989, Nga) định nghĩa tâm lý thông qua khái niệm “ngữ cảnh”, cho rằng hoạt động của con người đóng vai trò là ngữ cảnh cho nội dung tâm lý. S.M. Morozov (1984, Nga) đã phát hiện ra chức năng tạo “ý” và “nghĩa” của ngữ cảnh. D.A. Leontiev (1999, Nga) cho rằng “ý” của một đối tượng được xác định bởi ngữ cảnh rộng hơn là nghĩa của nó và cả hai hiện tượng đều có bản chất ngữ cảnh. Vai trò quan trọng của ngữ cảnh cũng được phát hiện bởi các nghiên cứu trong tâm lý học nhận thức. Các nghiên cứu này không chỉ phát hiện ra cấu trúc mà còn cả chức năng, quá trình diễn ra của “ngữ cảnh”. Các nhà tâm lý học và nhân học xã hội khác, tiếp bước những người tiền nhiệm của họ trong lĩnh vực ngôn ngữ học và triết học, đã xây dựng phương pháp tiếp cận ngữ cảnh của riêng họ dưới cái tên “CNNC”. Do đó, khái niệm “ngữ cảnh” đã chứng tỏ hiệu quả của nó trong một loạt các lĩnh vực khoa học, bao gồm cả Tâm lý học. Đến những năm 80 thế kỷ XX, nhờ sự nỗ lực nghiên cứu của nhiều nhà tâm lý học, đã hình thành nên phương pháp tiếp cận ngữ cảnh với vai trò là lý luận và phương pháp luận cho các nghiên cứu phát triển tâm lý.

Quan điểm cơ bản của chủ nghĩa ngữ cảnh[sửa]

Chủ nghĩa ngữ cảnh sử dụng khái niệm “ngữ cảnh” làm trung tâm. Theo cách hiểu truyền thống, ngữ cảnh là một phần hoàn chỉnh về ngữ nghĩa của một văn bản, một tuyên bố, cho phép thiết lập “ý” và “nghĩa” của từ hoặc cụm từ có trong nó. Trong Tâm lý học, “ngữ cảnh” được hiểu là một hệ thống các điều kiện bên trong và bên ngoài của cuộc sống, hoạt động của con người, có ảnh hưởng đến nhận thức, hiểu biết và sự biến đổi của một tình huống cụ thể, mang lại “ý” và “nghĩa” cho toàn bộ tình huống này cũng như cho các thành phần cấu thành của nó. Ngữ cảnh không phải là tổng số các phân cảnh của thế giới vật chất mà là một cấu trúc lý thuyết, cho phép mô tả quá trình tâm lý được tạo ra thế nào và sự vận động của “ý” và “nghĩa” diễn biến ra sao khi có sự tương tác thông tin giữa ngữ cảnh bên trong và ngữ cảnh bên ngoài. Cơ chế này giúp chủ thể hiểu biết được bất kỳ đối tượng và tình huống nào trong cuộc sống của mình.

Có hai loại ngữ cảnh chính: “Ngữ cảnh bên trong” là đặc điểm tâm lý cá nhân, kiến thức và kinh nghiệm của một người và “Ngữ cảnh bên ngoài” là những đặc trưng về đối tượng, về văn hóa - xã hội, về không gian - thời gian và các đặc điểm khác của hoàn cảnh mà chủ thể hành động. Trên cơ sở hai ngữ cảnh này, trong các nghiên cứu cụ thể có thể tiếp tục phân chia ra nhiều loại ngữ cảnh khác phù hợp với đối tượng nghiên cứu.

Ngữ cảnh có các chức năng: 1/ Chức năng là cơ chế cụ thể thiết lập các mối quan hệ giữa các đoạn thông tin khác nhau trong ngữ cảnh, liên kết các nội dung tâm lý đảm bảo cho chủ thể nhận thức đầy đủ cả “ý” và “nghĩa” của một đối tượng hoặc hiện tượng nhất định và 2/ Chức năng dự đoán hoặc dự báo về đối tượng và về quá trình hình thành nên cảm giác của chủ thể.

Ngữ cảnh có cấu trúc theo mô hình tâm lý tôpô (K. Levin) với hai biến: 1) Không gian hai chiều (trong đó tọa độ là kích thước và thời gian của nó) và 2) Không gian n chiều, trong đó số lượng tọa độ (“n”) được ấn định bởi số lượng ngữ cảnh được đưa vào mô hình.

Các nguyên tắc tiếp cận ngữ cảnh[sửa]

  1. Nguyên tắc mở rộng ngữ cảnh - xem xét một hiện tượng tâm lý trong khuôn khổ các ngữ cảnh “được lồng vào nhau”, làm phát sinh tính đa chiều của nhận thức về hiện tượng này;
  2. Nguyên tắc liên kết giữa các ngữ cảnh - bất kỳ hiện tượng nào được chủ thể nhận thức đều có tính đa chiều, do đó không thể xem xét nó trong một ngữ cảnh duy nhất. Tất cả các ngữ cảnh có thể có của nó đều được kết nối với nhau;
  3. Nguyên tắc thay đổi ngữ cảnh - ngữ cảnh là một mô thức (khuôn mẫu), cấu trúc của nó thay đổi khi điểm quan sát bị thay đổi, do đó, các nhà nghiên cứu tự phân biệt các ngữ cảnh khác nhau để nghiên cứu tâm lý;
  4. Nguyên tắc điều hòa ngữ cảnh - yêu cầu phân tích một hiện tượng tâm lý trong các ngữ cảnh được xem xét một cách có hệ thống về sự tồn tại của nó (trong tâm hồn) và nghiên cứu (trong khuôn khổ các khái niệm khác nhau);
  5. Nguyên tắc tính hệ thống - ngữ cảnh là một hệ thống với tất cả các thuộc tính tiêu biểu của nó. Tức là, bao gồm một siêu hệ thống ngữ cảnh, trong đó có các ngữ cảnh là các hệ thống con; các mối liên kết giữa các bộ phận của chúng; tính toàn vẹn và tính tự chủ tương đối của ngữ cảnh, mô hình cấu trúc và chức năng của ngữ cảnh v.v.
  6. Nguyên tắc bổ sung của các ngữ cảnh: sự hiểu biết đầy đủ nhất về hiện tượng chỉ có thể thực hiện được với sự kết hợp của thông tin thu được từ các ngữ cảnh khác nhau liên tục được bổ sung.

Các phương pháp nghiên cứu ngữ cảnh[sửa]

  1. Phương pháp phân tích ngữ cảnh - là một tập hợp các nguyên tắc, kỹ thuật và các thủ tục nhằm vào việc lựa chọn và mô tả một cách có hệ thống các ngữ cảnh của hiện tượng được nghiên cứu;
  2. Phương pháp so sánh là sự mô tả một ngữ cảnh thông qua sự so sánh có hệ thống của nó với các ngữ cảnh khác để làm rõ tính cụ thể của nó
  3. Phương pháp so sánh ngữ cảnh xuyên văn hóa giữa các nền văn hóa khác nhau để nhận biết về tác động của chúng lên phát triển tâm lý người, nhất là đối với phát triển tâm lý trẻ em.

Tiếp cận ngữ cảnh trong tâm lý học đã mang lại một bước đột phá thực sự trong khoa học tâm lý với vai trò là lý luận, phương pháp luận cho nghiên cứu mô hình hóa và giải thích các hiện tượng, cấu trúc tâm lý khác nhau; tạo cơ hội cho việc xem xét, thống nhất lại các khái niệm tâm lý học và các số liệu nghiên cứu tâm lý thực nghiệm; làm phong phú và mở rộng kiến thức tâm lý học.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Lipman, M., Thinking in education, New York: Cambridge University Press, 1991.
  3. Johnson, E. B., Contextual teaching and learning: what it is and why it’s here to stay, Thousand, Oaks, CA: Corwin Press, Inc, 2002.
  4. Каргин, М. И., Влияние контекста на усвоение студентами учебного материала как средства регуляции профессиональной деятельности, Москва, 1998.
  5. Калашников, В. Г., Контекстный подход к выработке критериев качества образовательных систем, Вестник МГГУ, 2001.
  6. Жукова, Н. В., Личная культура обучающегося как результат влияния кросс-культурных контекстов, М., 2005.
  7. Калашников В. Г., Система психологических контекстов как методологическая основа контекстного подхода, М.: МГГУ, 2011.