Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ nghĩa máy móc

Chủ nghĩa máy móc là khuynh hướng suy nghĩ và hành động thiếu linh hoạt, sáng tạo, chỉ biết theo đúng khuôn mẫu đã có sẵn, đã quy định. Suy nghĩ và hành động theo một khuôn mẫu đã có sẵn cũng có thể được gọi là rập khuôn máy móc. Những người có khuynh hướng này thường có cách nghĩ, cách hành động lặp lại theo một khuôn mẫu đã định sẵn. Những người có khuynh hướng suy nghĩ và hành động máy móc có cái lý riêng của họ. Ở họ đã hình thành một cách nghĩ, cách hành động mà họ cho là đúng, là phù hợp và không nghĩ đến việc phải thay đổi. Tự họ tạo ra một khuôn mẫu về cách nghĩ, cách hành động hoặc họ được hướng dẫn, sau đó lặp đi lặp lại cách suy nghĩ và cách hành động đó. Lâu ngày, cách nghĩ và cách hành động đó ăn sâu vào tiềm thức, trở thành cách suy nghĩ, cách hành động quen thuộc, tạo thành một khuôn mẫu của họ. Nếu gặp tình huống tương tự thì cứ thế mà làm. Những người theo chủ nghĩa máy móc thường bảo thủ với cách nghĩ và cách hành động của mình ngay cả khi có người khác nhắc nhở, uốn nắn họ hoặc tự họ va vấp với sự thay đổi của hoàn cảnh.

Sự máy móc có thể là suy nghĩ, còn được gọi là tư duy máy móc, hành động theo một khuôn mẫu có sẵn còn được gọi là hành động máy móc. Tư duy máy móc chính là cách suy nghĩ được sao chép, lặp đi lặp lại nhiều lần theo một khuôn mẫu nên trở thành lối mòn hay còn gọi là lối mòn tư duy. Tư duy máy móc được hình thành do nhiều yếu tố: có thể do chủ quan mỗi người và có thể do yếu tố khách quan. Về chủ quan, nhiều người ngại tìm kiếm cái mới hoặc bản thân có những hạn chế nào đó, sợ sai lầm nên cứ theo lối mòn cho yên tâm, không có sáng tạo gì nhưng không sai. Về phía khách quan, có thể do yêu cầu từ bên ngoài buộc những người trong cuộc không được sáng tạo, phải làm theo đúng hướng dẫn, đúng quy định. Người trong cuộc chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu đó nên tạo nên sự máy móc. Cũng có thể đa số có cùng một cách suy nghĩ máy móc, tạo áp lực lên những người còn lại, những người còn lại không dám có cách nghĩ khác.

Từ tư duy máy móc sẽ dẫn đến cách hành động máy móc, đúng khuôn mẫu, hay còn gọi là rập khuôn. Nghĩa là phải hành động đúng theo một khuôn mẫu đã được quy định, không được làm khác. Sự máy móc rập khuôn sẽ kìm hãm sự sáng tạo, kìm hãm sự phát triển của con người. Tư duy và hành động máy móc tạo nên một giới hạn làm cho cách nghĩ, cách hành động quanh quẩn trong một khuôn khổ, không thể vượt ra ngoài giới hạn đó. Nếu con người không chịu thay đổi tư duy, có cách tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ đó thì không có sự phát triển. Do đó, tư duy máy móc theo một khuôn mẫu cũng còn được gọi là tư duy bảo thủ, trì trệ.

Suy nghĩ và hành động theo một khuôn mẫu có mặt tích cực và mặt tiêu cực, không hoàn toàn chỉ có tiêu cực. Cách suy nghĩ và hành động theo một khuôn mẫu có sẵn làm cho con người không cần phải sáng tạo mà vẫn đạt kết quả, lại khó bị mắc sai lầm. Hoặc nếu có sai lầm thì cũng dễ biện minh, đổ lỗi cho các quy định có sẵn để lý giải cho những sai lầm đó. Suy nghĩ và hành động theo khuôn mẫu sẽ tạo nên thói quen trong suy nghĩ và hành động nên con người sẽ tiết kiệm được công sức, đỡ mất công tìm tòi cách thức mới, cứ theo cách đã có, cách đã được quy định mà làm.

Có thể thấy, mặt tích cực của suy nghĩ và hành động máy móc thì không thật rõ mà mặt tiêu cực thì thể hiện rất rõ ràng. Vì vậy, cần phải thay đổi, tránh lối suy nghĩ và hành động máy móc, rập khuôn theo lối mòn. Trong thay đổi suy nghĩ và hành động thì thay đổi suy nghĩ là thay đổi cái gốc. Muốn thay đổi hành động, trước hết phải thay đổi suy nghĩ, tức là phải thay đổi tư duy.

Làm thế nào để thay đổi tư duy là một câu hỏi khó. Để trả lời câu hỏi này, con người cần phải đánh giá khách quan về bản thân mình, trả lời được câu hỏi: bản thân mình có phải là người có tư duy máy móc không. Nếu con người tự đánh giá và chấp nhận rằng mình có tư duy máy móc nghĩa là con người đã khẳng định được mình cần và có thể thay đổi tư duy máy móc.

Tư duy và hành động máy móc đối lập với tư duy và hành động sáng tạo. Vì vậy, bản chất của thay đổi tư duy là bỏ lối tư duy máy móc, rập khuôn, thay bằng tư duy sáng tạo.

Trước hết, con người cần vượt ra khỏi giới hạn của tư duy đã trở thành khuôn mẫu, thay đổi được thói quen mà từ trước đến nay con người vẫn nghĩ vẫn làm. Không được cho rằng khuôn mẫu của mình là tốt, là hợp lý, cách nghĩ, cách hành động của người khác là không hợp lý hoặc sai. Cần học cách chấp nhận những cái mới, cái bất thường ở những người xung quanh. Lúc đầu có thể con người thấy cái mới, cái bất thường đó phá vỡ các quy tắc, lối nghĩ quen thuộc. Nhưng con người nên chấp nhận điều mới mẻ đó, cố gắng tìm thấy sự hợp lý trong đó. Vì đó chính là khởi đầu của sự thay đổi. Tiếp đến, con người cần hình thành cho mình cách tư duy sáng tạo, độc lập. Nghĩa là không lặp lại nguyên xi cách tư duy của người khác, tránh xa lối tư duy cũ đã thành đường mòn. Cần tự mình tìm tòi, giải quyết vấn đề theo cách khác mặc dù lúc đầu có thể khó khăn. Để có tư duy sáng tạo, không bị giới hạn của khuôn mẫu bó buộc, cần bám sát thực tiễn và xu thế phát triển của vấn đề cần giải quyết để định hướng cho tư duy và hành động của mình. Phải khách quan trong nhìn nhận vấn đề, không để suy nghĩ chủ quan chi phối để tránh lặp lại cách giải quyết vấn đề có sẵn, không còn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh hiện tại.

Không khép kín cách suy nghĩ và hành động của mình trong một khuôn mẫu mà phải có định hướng mở trong tư duy. Phải luôn mở rộng hiểu biết, kế thừa có chọn lọc những cách làm hay, cách suy nghĩ sáng tạo của những người xung quanh. Như vậy, tư duy phải luôn linh hoạt, mềm dẻo trong điều chỉnh cách nghĩ, cách làm cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và xu thế phát triển chung.

Chú trọng thỏa đáng đến tính khác thường và nghịch lý trong của cách suy nghĩ và hành động mới. Đôi khi, cách suy nghĩ và hành động có thể trái ngược với những cách nghĩ, cách hành động đã được thừa nhận, đã quen thuộc. Có dám đương đầu với những điều khác thường, nghịch lý thì mới có sự sáng tạo trong tư duy và hành động. Tuy nhiên, để điều khác thường, nghịch lý thuyết phục được mọi người, chúng cần được kiểm chứng bằng thực nghiệm, bằng thực tiễn để chứng minh sự phù hợp của chúng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Từ điển tâm lý, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
  2. Lê Thị Huyền, Minh Trí, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Thanh niên, 2009.
  3. Nguyễn Văn Lũy, Lê Quang Sơn (đồng chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2009.
  4. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.