Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ nghĩa hoàn hảo ở trẻ vị thành niên có năng khiếu

Chủ nghĩa hoàn hảo ở trẻ vị thành niên có năng khiếu Phẩm chất nhân cách đặc trưng của trẻ, thể hiện mong muốn, nỗ lực bằng mọi cách để đạt được những kết quả học tập, rèn luyện tốt nhất, theo đúng các tiêu chuẩn, định mức rất cao do mình tự đặt ra.

Thuật ngữ “Chủ nghĩa hoàn hảo ở trẻ vị thành niên có năng khiếu” được sử dụng để chỉ cả việc trẻ nỗ lực theo đuổi sự hoàn hảo một cách lành mạnh, đạt được thành tích cao nhất trong học tập, rèn luyện (chủ nghĩa hoàn hảo tích cực, thích ứng) và việc chúng theo đuổi sự hoàn hảo một cách lệch lạc, để mong đạt được những điều “lý tưởng”, không thực tế (chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực, không thích ứng).

Những trẻ vị thành niên có năng khiếu theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo tích cực, thích ứng có nhân cách phát triển bình thường, thể hiện được tố chất của người đứng đầu về học tập, rèn luyện ở lớp học, giao tiếp tốt với mọi người, có kết quả học tập, rèn luyện rất cao, hoàn thành được những mục tiêu do chính mình đề ra; tự đánh giá bản thân đúng đắn, mức kỳ vọng phù hợp; trong học tập, rèn luyện luôn cảm thấy hứng thú và phấn khởi, tin tưởng vào bản thân; tập trung cao độ vào những năng lực của mình, nỗ lực tìm tòi những cách thức để đạt được các mục tiêu đề ra. Còn những trẻ vị thành niên có năng khiếu theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực, không thích ứng thường đặt ra các mục tiêu và tiêu chuẩn phấn đấu quá sức của mình, thực tế không thể đạt được. Động lực thúc đẩy chúng hoạt động không phải vì hứng thú hay kỳ vọng vươn tới mà vì sợ thất bại, sợ bị ghét bỏ. Trong quá trình học tập, những học sinh này quá chú ý vào các thiếu sót, nhược điểm của bản thân, luôn lo lắng về một sai lầm, thất bại nào đó có thể xảy ra với mình, kể cả những sai lầm nhỏ nhất. Họ luôn không hài lòng với những gì mình đã làm, ngay cả khi công việc đó được thực hiện hoàn hảo. Sự lo lắng thái quá khiến người cầu toàn kiểu tiêu cực luôn sợ thất bại và sợ làm người khác thất vọng. Chúng lãng phí rất nhiều năng lượng để đạt được thành tích, giữ bản thân “trên đỉnh sóng”, với nỗi sợ hãi đánh mất những gì đã đạt được. Không hài lòng với bản thân, thường xuyên lo lắng và căng thẳng, xấu hổ, cảm giác tội lỗi, động cơ học tập suy giảm. Không sớm thì muộn những học sinh này đều rơi vào mệt mỏi, lo lắng, tuyệt vọng, rất có thể dẫn đến loạn thần kinh, trầm cảm.

Những dấu hiệu đặc trưng của một trẻ vị thành niên có năng khiếu theo chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực, không thích ứng: Chỉ một sai lầm nhỏ đã xem là dấu hiệu xuất hiện sự không hoàn hảo của bản thân. Những học sinh này sống theo nguyên tắc chủ nghĩa tối đa (hoặc là hoàn hảo hoặc là không có ý nghĩa gì); thiếu tự tin vào bản thân và vào những khả năng của mình; có lòng tự trọng thấp, thiếu quyết đoán và nghi ngờ về tính đúng đắn của các hành động mình làm; có quan điểm cho rằng mọi thứ xung quanh phải luôn hoàn hảo; là người rất sợ bị cha mẹ, giáo viên hoặc những bạn cùng lớp phê bình, chỉ trích hoặc không ủng hộ; thường xuyên cảm thấy lo lắng và bất an về những sai lầm có thể xảy ra trong tương lai; trì hoãn làm bất kỳ một công việc học tập nào do sợ có thể xảy ra thất bại; không biết nghỉ ngơi, thư giãn cũng như chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với bạn bè; không biết cách thể hiện vui mừng trước những chiến thắng và thành tích của mình; sợ thất bại, coi thất bại đối với bản thân là một thảm họa, không thích thua ai.

Là một phẩm chất nhân cách đặc trưng ở trẻ vị thành niên có năng khiếu, chủ nghĩa hoàn hảo có thể bộc lộ ra ở những phương diện chủ yếu sau: 1. Chủ nghĩa hoàn hảo hướng vào “cái tôi” hay tự định hướng (liên tục tự kiểm duyệt bản thân và nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện); 2. Chủ nghĩa hoàn hảo hướng đến người khác (luôn đòi hỏi quá mức ở người khác); 3. Chủ nghĩa hoàn hảo hướng đến môi trường bên ngoài (luôn cho rằng mọi thứ trên đời phải đúng, hoàn thiện) và 4. Chủ nghĩa hoàn hảo do xã hội quy định (nhu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn và mong đợi của người khác).

Cấu trúc tâm lý của chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực ở trẻ vị thành niên năng khiếu gồm các thành tố sau: 1. Tiêu chuẩn đề ra cho mình cao hơn so với năng lực hiện có; 2. Đòi hỏi quá mức đối với người khác; 3. Cho rằng nhận thức và kỳ vọng của người khác về mình rất cao; 4. Liên tục so sánh bản thân với những người khác; 5. Đánh giá kết quả hoạt động theo kiểu “tất cả hoặc không có gì” và 6. Luôn nhạy cảm với những thông tin về những thất bại và sai lầm của bản thân.

Chủ nghĩa hoàn hảo của trẻ vị thành niên có năng khiếu được hình thành, phát triển dưới tác động của các yếu tố chủ yếu sau: 1) Do có những tố chất, khả năng bẩm sinh về trí tuệ, tư duy, nhận thức. Từ đó nảy sinh những mong muốn trở thành người hoàn hảo; 2) Do giáo dục của cha mẹ và gia đình, nhất là khi bản thân cha mẹ cũng là những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Nhiều gia đình, cha mẹ chỉ muốn con mình là xuất sắc, thiên tài, nhưng chỉ chăm chú vào thành tích học tập cao của con mà không chú ý đến việc hướng dẫn con học tập như thế nào để đạt được kết quả cao; 3) Do ảnh hưởng của môi trường giáo dục xã hội lệch lạc. Đó là nền giáo dục nhồi nhét, vị thành tích, dạy học quá tải, theo chủ nghĩa phong trào, thích thi đua giữa các lớp, các trường với nhau. Ngoài ra, còn do trẻ sống trong môi trường nhiễu loạn thông tin bởi hệ thống truyền thông, mạng xã hội đề cao quá mức những siêu nhân, mẫu người hoàn hảo, mẫu người lý tưởng và 4) Thầy, cô giáo là những người thích thành tích nên xây dựng chương trình giảng dạy quá nặng, quá cao, phương pháp dạy học không phù hợp với tâm lý của trẻ. Nhà trường chưa đề ra chiến lược dạy học phù hợp cho trẻ năng khiếu, chưa chú trọng việc tổ chức tốt hoạt động dạy học và rèn luyện cho học sinh năng khiếu. Chưa có hướng dẫn cho chúng kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức hoạt động cá nhân, thiếu những ưu tiên về thời gian cũng như các điều kiện dạy học khác cho học sinh năng khiếu. Để phát triển chủ nghĩa hoàn hảo tích cực ở trẻ vị thành niên có năng khiếu cần có những biện pháp giáo dục giúp khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực. Nhà trường cần dạy chúng cách tận hưởng những thành quả học tập của mình cũng như cách vượt qua những thất bại; hướng dẫn chúng phát triển chủ nghĩa hoàn hảo tích cực, tránh rơi vào tâm lý thất bại tiêu cực, không bị động chạy theo đánh giá của người khác; cần có cách đánh giá cẩn trọng và khoan dung đối với những trẻ năng khiếu theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực. Thầy, cô và cha mẹ cần thận trọng khi đưa ra những đánh giá về chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực ở trẻ. Nên có tâm thế sẵn sàng hỗ trợ chúng trong giải quyết những khó khăn gặp phải trong học tập, rèn luyện.

Đối với bản thân những trẻ vị thành niên có năng khiếu theo chủ nghĩa hoàn hảo tiêu cực nên thường xuyên học cách phân biệt các mục tiêu phấn đấu theo tầm quan trọng của chúng, sắp xếp thứ tự ưu tiên và phân bổ nỗ lực làm việc một cách tốt nhất. Để duy trì sức khỏe thể chất và cảm xúc, hãy học cách thư giãn, biết xen kẽ giữa căng thẳng và thư giãn. Không so sánh bản thân với người khác, biết nhận ra và đánh giá đúng sự độc đáo của mình và sự độc đáo của người khác. Biết vui mừng trước thành công của bản thân và của cả người khác. Không trách mắng bản thân về những thất bại, nhưng coi chúng như một điều bình thường của cuộc sống. Biết khen ngợi bản thân, học cách nhìn nhận ở bản thân không chỉ có nhược điểm mà còn cả những ưu điểm, thành tích và thành công. Cần học cách tha thứ hơn cho những thiếu sót của chính mình, thường xuyên nhắc nhở bản thân về những thành tựu của mình. Học cách tận hưởng cuộc sống, tạo một sở thích để làm cho tâm hồn thư thái vì niềm vui, chứ không phải chỉ vì đạt được kết quả.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Feldhusen J.F., Kroll M.D., Parent Perceptions of Gifted Children’s Educational Needs// Roeper Review, V. 7, 1985.
  3. Dixon F.A., Lapsley D.K., Hanchon T.A., An Empirical Typology of Perfectionism in Gifted Adolescents//Gifted Child Quarterly, V. 48, 2004.
  4. Lundh L.G. Perfectionism and Acceptance//Journal of Rational-Emotive & Cognitive Behavior Therapy, V. 22. №. 4, 2004.
  5. Kornblum M., Ainley M., Perfectionism and the Gifted: A Study of an Australian School Sample//International Education Journal, 2005.
  6. Chan D.W., Perfectionism among Chinese gifted students in Hong Kong: Relationships to coping strategies and teacher ratings//Gifted Education International, V. 23, 2007, pp. 289 - 300.
  7. Mendaglio S., Should perfectionism be a characteristic of giftedness?//Gifted Education International, V. 23, 2007, pp. 221 - 232.