Chủ nghĩa hậu hiện đại là tên gọi chung cho các hướng tâm lý học mới đã phê phán sự cạn kiệt của Tâm lý học hiện đại, từ đó trình bày một cách có hệ thống lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của Tâm lý học hậu hiện đại.
Chủ nghĩa hậu hiện đại là trào lưu mới nổi vào khoảng những năm 80, thế kỷ XX, chủ yếu ở châu Âu, Mỹ, Nga như là sự phủ định Tâm lý học hiện đại, các nhà Tâm lý học hậu hiện đại phê phán hầu như tất cả cơ sở lý luận, các phạm trù cơ bản của Tâm lý học hiện đại. Họ cho rằng Tâm lý học hiện đại sai lầm do xuất phát từ cách tiếp cận thực chứng; có cách nhìn quy giản về hiện tượng tâm lý, tin rằng có thể giải thích được tâm lý thông qua các trung giới như: “vô thức” của Phân tâm học, “hành vi” của Chủ nghĩa hành vi hay “hoạt động” của Tâm lý học hoạt động v.v. Trong tâm lý học hiện đại không có tâm lý con người mà là sự tồn tại của một thứ gì đó, tương tự một cái máy tính sinh học “sống”. Về đối tượng nghiên cứu, họ cho rằng Tâm lý học hiện đại đã sai lầm khi coi hiện tượng tâm lý tồn tại khách quan ở bên ngoài, độc lập với mọi suy nghĩ của chủ thể; rằng bộ óc con người có những hoạt động tâm lý để tạo ra tri thức phản ánh hiện thực khách quan v.v. Do thiếu hiểu biết về các hiện tượng siêu thức, Tâm lý học hiện đại không thể mô tả các quá trình tâm lý thực sự của con người mà chỉ nghiên cứu ý thức có nguồn gốc từ bên ngoài, không nghiên cứu được ý thức “ở bên trong cá nhân và đang diễn ra bây giờ”. Phương pháp nghiên cứu của Tâm lý học hiện đại là sao chép, vay mượn từ khoa học tự nhiên.
Dưới ảnh hưởng của các tư tưởng triết học đó, Tâm lý học hậu hiện đại cho rằng không có bất cứ một nền tảng nào cả, tất cả chỉ là một sự giải thích. Những hiện thực khách quan, những đối tượng nghiên cứu của tâm lý học hiện đại không thuộc về đối tượng của giải trình ngôn ngữ trong Tâm lý học hậu hiện đại. Tiếp theo, các nhà tâm lý hậu hiện đại cho rằng những gì ta gọi là tri thức chỉ là một mẩu chuyện đặc biệt, một dạng văn bản hay một giải trình ngôn ngữ (discourse); là sự sắp xếp các từ ngữ, hình ảnh hay ký hiệu, dáng điệu… theo một cách đặc biệt nhất định nào đó để phù hợp với những lợi ích của chủ thể đang sống trong một nền văn hóa cụ thể. Mỗi nền văn hóa có cách nhìn và những cơ chế hình thành tri thức khác nhau, hoạt động theo một nguyên tắc đặc thù, riêng biệt. Tâm lý học hậu hiện đại phủ nhận tính chất áp đặt của đại tự sự, cho rằng đại tự sự là những câu chuyện “có tính cách thần thoại” một nền văn hóa tự kể về niềm tin và hành động thực tiễn của nó. Tâm lý học hậu hiện đại cổ xúy cho những tiểu tự sự, những lý lẽ giải thích cho các hành động riêng lẻ, những biến cố có tính chất địa phương. Những tiểu tự sự trong Tâm lý học hậu hiện đại thường được nhìn dưới góc độ “ngữ cảnh” tạm thời, ngẫu nhiên, không tuyên xưng tính thống nhất toàn thể, tính ổn định, tính hợp lý, hay sự thật khách quan. Đối với Tâm lý học hậu hiện đại khái niệm giải trình ngôn ngữ (discourse) là tất cả những gì con người có thể làm để tạo ra “ý” và “nghĩa” cho bản thân về thế giới và quá trình đó diễn ra theo nguyên tắc liên văn bản (intertextuality). Tâm lý học hậu hiện đại hoàn toàn không đề cập đến các phạm trù bản chất, hiện tượng, vì hiện tượng chúng ta quan sát và tạo ra “ý”, “nghĩa” kéo dài đến bất tận, nên chúng ta không tài nào biết được đâu là nguồn gốc của “ý” và “nghĩa”, đâu là sự thật của “ý” và “nghĩa” đó. Tâm lý học hậu hiện đại cho rằng hiện tượng tâm lý là chủ quan, bên trong, thuộc về một chủ thể. Đó là những trải nghiệm, nhận biết hiện tượng diễn ra như là những “phân cảnh” của một “ngữ cảnh” khách quan mà chủ thể đang sống và hoạt động. Đối với Tâm lý học hậu hiện đại, mọi sự thật vĩnh hằng và trường cửu sẽ biến mất, thay vào đó là những biểu hiện bề mặt không cần có bản chất. Phê phán phương pháp siêu hình, tuyến tính, tự nhiên chủ nghĩa của Tâm lý học hiện đại các nhà tâm lý học hậu hiện đại cho rằng tâm lý học không có nhiệm vụ giải thích hay dự báo hiện tượng tâm lý mà trực tiếp làm ra tâm lý (working with the psyche). Nhà nghiên cứu tâm lý phải chuyển từ vị trí của một người “quan sát” sang vị trí của một người “quan tâm”, “diễn giải”, “kiểm tra thủ tục”, chuyển từ “phong cách nghiên cứu một chiều sang mô hình tương tác hai chiều”.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Danziger, K., The methodological imperative in psychology, Philosophy of the Social Sciences, 15, 1985, 1 - 13.
- Harvey, D., The condition of postmodernity: An enquiry into the origins of cultural change, Cambridge, MA: Blackwell, 1989.
- Gergen, K. J., Toward a postmodern psychology, Humanistic Psychologist, 18, 1990, 23 - 34.
- Best, S., & Kellner, D., Postmodern theory: Critical interrogations, New York: Guilford Press, 1991.
- D’Andrea, M., Postmodernism, constructivism,and multiculturalism: Three forces reshaping and expanding our thoughts about counseling, Journal of Mental Health Counseling, 22, 2000, 1 - 16.
- Fee, D. (Ed.), Pathology and the postmodern: Mental illness as discourse and experience, London: Sage, 2000.
- Bott, D., Comment - Carl Rogers and postmodernism: Continuing the conversation, Journal of Family Therapy, 24, 2002, 326 - 329.