Mục từ này cần được bình duyệt
Chủ nghĩa đa phương

Chủ nghĩa đa phương (tiếng Anh multilateralism) là khuynh hướng ngày càng có ảnh hưởng trong nền ngoại giao thế giới, cùng với các khuynh hướng truyền thống như chủ nghĩa đơn phương (unilateralism) và chủ nghĩa song phương (bilateralism). Chủ nghĩa đa phương tên gốc tiếng Anh là “multilateralism” và một số tên gọi liên quan như ngoại giao đa phương (multilateral diplomacy) và đối ngoại đa phương.

Robert Keohane (học giả nổi tiếng, người Mỹ) định nghĩa chủ nghĩa đa phương là: (i) hoạt động phối hợp chính sách quốc gia của một nhóm ba hay nhiều nước với nhau thông qua những dàn xếp mang tính thời vụ hoặc các công cụ mang tính thể chế; (ii) hành động tập thể được thể chế hóa do một nhóm các quốc gia độc lập cùng tiến hành; và (iii) những luật lệ mang tính bền vững, chặt chẽ, có thể chính thức hoặc không chính thức, kiểm soát hoạt động, định hướng kỳ vọng và quy định vai trò của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Tựu chung lại, đa phương là hoạt động phối hợp chính sách quốc gia của một nhóm ba hay nhiều nước với nhau thông qua các công cụ thể chế để đạt tới các mục tiêu chung.

Từ định nghĩa này có thể thấy quan niệm về chủ nghĩa đa phương có liên quan đến khía cạnh hợp tác quốc tế. Theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa đa phương là mối quan hệ phối hợp giữa ba hay nhiều quốc gia nhưng phải theo các nguyên tắc nhất định điều phối cách thức quan hệ hợp tác giữa họ, trong đó nổi lên các thành tố chính như sau: (i) Chủ thể: ba nước trở lên (phân biệt với song phương - hai nước, và đơn phương - một nước); (ii) Hành vi: phối hợp chính sách quốc gia; (iii) Môi trường hoạt động: thể chế quốc tế. Chủ nghĩa đa phương hàm ý chỉ những dàn xếp mang tính thể chế có vai trò xác định và bình ổn quyền sở hữu/chủ quyền của các quốc gia, kiểm soát và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình phối hợp; (iv) Phương thức: phối hợp hoạt động giữa các chủ thể.

Trong khi định nghĩa của Keohane được xem là thuộc dạng thức “chủ nghĩa đa phương tối thiểu” cả ở phương diện định lượng (nhóm 3 nước trở lên) lẫn định tính (các thể chế đa phương được xác định đơn giản là “các dàn xếp đa phương theo những tập hợp quy tắc nhất định”), John Ruggie lại nhấn mạnh hơn đến nội dung và chất lượng của các thể chế đa phương. Miles Kahler trong khi đó cho rằng chủ nghĩa đa phương là việc “số nhiều” tham gia vào công việc quản trị quốc tế với nguyên tắc cơ bản là nhằm chống lại những dàn xếp song phương mang tính chất phân biệt đối xử, vốn được xem là công cụ tăng cường quyền lực của nước mạnh đối với nước yếu và là nguyên nhân làm gia tăng xung đột quốc tế. Theo đó, chủ nghĩa đa phương là nhằm thúc đẩy dân chủ và công bằng trong quan hệ quốc tế, theo đó các nước có thể bị ràng buộc bởi đa phương và các nước nhỏ có thể lợi dụng nguồn lực của thể chế đa phương để cải thiện thế và lực của mình.

Tóm lại, chủ nghĩa đa phương, hiểu một cách chung nhất, là một hay nhiều bộ nguyên tắc, luật lệ và các dàn xếp mang tính thể chế được thỏa thuận để điều chỉnh và định hướng hành vi của các quốc gia và các thực thể quốc tế khác trong quá trình tạo dựng luật chơi và đàm phán các giải pháp có sự tham gia của ba bên trở lên để phối hợp xử lý các vấn đề toàn cầu, khu vực và của từng quốc gia.

Như vậy, chủ nghĩa đa phương là những hành động mang tính hợp tác tập thể giữa các quốc gia - cùng với các chủ thể phi nhà nước, trong trường hợp cần thiết, nhằm ứng phó với những thách thức và vấn đề chung khi việc ứng phó tập thể ở cấp độ quốc tế giúp kiểm soát những thách thức và vấn đề này một cách tốt nhất. Trong khi đó, thuật ngữ ngoại giao đa phương có thể hiểu là việc đàm phán để đạt được thỏa thuận và triển khai các hoạt động hợp tác tập thể giữa các chủ thể nhà nước và phi nhà nước trong các khuôn khổ đa phương. Ngoại giao đa phương do đó còn được định nghĩa là hoạt động bởi nhiều hơn hai bên hoặc hai quốc gia trong quá trình tìm và đạt giải pháp ngoại giao trong các thể chế đa phương nhằm giải quyết các vấn đề chung giữa các quốc gia/chủ thể đó.

Việt Nam[sửa]

Trong bối cảnh hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại Việt Nam, đối ngoại đa phương theo nghĩa hẹp là các hoạt động tại các cơ chế, diễn đàn đa phương; theo nghĩa rộng thì bao hàm tất cả các hoạt động liên quan đến cơ chế, diễn đàn đa phương. Hiểu một cách chung nhất, đối ngoại đa phương là một bộ phận quan trọng của công tác đối ngoại, bao gồm các hoạt động liên quan tới hai hay nhiều đối tác nước ngoài, chủ yếu được triển khai bởi các chủ thể nhà nước và tại các cơ chế đa phương nhằm thực hiện, tham gia xây dựng các quy tắc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực trong quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, thúc đẩy phát triển và đảm bảo an ninh của đất nước.

Định nghĩa trên đã khái quát tiến trình đổi mới tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác đối ngoại đa phương, định hình và định hướng cho việc hoạch định và triển khai công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam. Cho đến nay, đối ngoại đa phương Việt nam đã trở thành một bộ phận quan trọng trong công tác đối ngoại của đất nước, với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Lịch sử[sửa]

Nguồn gốc và lịch sử phát triển. Các nghiên cứu về chủ nghĩa đa phương đến nay đều thống nhất ở quan điểm rằng cội nguồn của chủ nghĩa đa phương gắn liền với sự hình thành hệ thống quốc gia-dân tộc sau Hiệp ước Westphalia năm 1648. Các hình thức sơ khởi của ngoại giao đa phương bắt nguồn từ quan hệ quốc tế ở châu Âu thế kỷ XVII, XVIII. Tuy nhiên không có tổ chức quốc tế nào được thành lập trong suốt hai thế kỷ này. Chỉ khi xã hội loài người bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thắng thế, chủ nghĩa đa phương mới phát triển trên nhiều lĩnh vực. Theo Mác và Ăng-ghen, đại công nghiệp sẽ tạo ra những tiền đề chín muồi cho tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất và theo đó là quá trình quốc tế hóa và toàn cầu hóa, thể hiện qua sự hình thành các tổ chức sở hữu - sản xuất xuyên biên giới và các nhóm lợi ích - giai cấp xuyên quốc gia. Kế thừa di sản trên, Lê nin đã đưa ra những luận giải quan trọng về sự phát triển của các hình thức sản xuất đa quốc gia cũng như những mối liên hệ đa phương trong quá trình chủ nghĩa tư bản phát triển thành chủ nghĩa đế quốc và trong vận động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Đến cuối thế kỷ XIX, sự tăng cường kết nối giữa các khu vực địa lý và quá trình mở rộng buôn bán thương mại quốc tế cùng với việc xuất hiện các vấn đề xuyên quốc gia khó có thể được giải quyết trong nội bộ hoặc cơ chế song phương đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa đa phương. Các cơ chế đa phương do đó đã hình thành như là một hình thức hợp tác giữa các quốc gia để thể chế hóa hợp tác quốc tế và thay thế cho tình trạng vô chính phủ, thể hiện rõ nhất là thông qua việc thành lập một loạt các tổ chức quốc tế liên chính phủ (IGOs) và phi chính phủ (NGOs) quốc tế trong thế kỷ XIX.

Ngoại giao đa phương đã trở thành một kênh ngoại giao chính thức của các quốc gia-dân tộc cùng với sự ra đời của Hội Quốc Liên năm 1919 và sau này là Liên Hiệp Quốc năm 1945. Hai cuộc chiến tranh thế giới đã gây ra những tổn thất to lớn cho toàn nhân loại và để ngăn chặn các cuộc chiến tranh mới, một số cơ chế đa phương cần phải được xây dựng. Sau sự thành lập Liên Hiệp Quốc và các thể chế Bretton Woods năm 1945, ngoại giao đa phương đã được phổ biến trên toàn cầu. Ngày nay, chủ nghĩa đa phương đã trở thành một hình thái kiến trúc không thể thiếu của nền Ngoại giao thế giới.

Tranh luận[sửa]

Mặc dù đã có một số định nghĩa như trên về khái niệm và nội hàm của chủ nghĩa đa phương, tuy nhiên cho đến nay giới học thuật quốc tế vẫn còn một số tranh luận. James Caporaso phàn nàn rằng chủ nghĩa đa phương đã được sử dụng để mô tả một loạt các hình thức hợp tác quốc tế khác nhau, nhưng vẫn chưa được khái niệm hoá một cách thỏa đáng. Một mặt, chủ nghĩa đa phương thường được dùng lẫn với các khái niệm liên quan như globalism (chủ nghĩa toàn cầu), và regionalism (chủ nghĩa khu vực). Các khái niệm này đều hàm ý về những hoạt động đối ngoại có sự tham gia của ba chủ thể trở lên trên các cấp độ địa lý khác nhau. Mặt khác, chủ nghĩa đa phương thường được dùng thay thế với ngoại giao đa phương và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, theo Caporaso, chủ nghĩa đa phương có phạm vi rộng hơn ngoại giao đa phương vốn gắn liền với các hoạt động của ngoại giao nhà nước ở cấp độ đa phương. Chủ nghĩa đa phương cũng không hoàn toàn đồng nhất với các tổ chức quốc tế ở chỗ chủ nghĩa đa phương không chỉ là các tổ chức cụ thể có trụ sở, nhân viên, ban thư kí… mà đó là khái niệm về cách thế giới được tổ chức như thế nào, hay rộng hơn là một lý tưởng để theo đuổi. Do đó việc xuất hiện nhiều tổ chức đa phương không đồng nghĩa với việc chủ nghĩa đa phương rất phát triển.

Ngoài ra, vẫn còn những tranh luận giữa các trường phái lý thuyết quan hệ quốc tế về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, thể hiện qua vai trò của các thể chế quốc tế. Các lý thuyết quan hệ quốc tế đều thống nhất ở chỗ cho rằng các thể chế quốc tế ban đầu đều là sản phẩm được lập ra bởi ý chí chủ quan của các quốc gia, dựa trên những tính toán lợi ích riêng và mong muốn đạt được những lợi ích riêng đó thông qua hợp tác đa phương trong khuôn khổ thể chế. Tuy nhiên, các lý thuyết lại có cách nhìn nhận khác nhau việc chủ nghĩa đa phương được sử dung như là phương tiện hay mục tiêu để thực hiện chính sách của các quốc gia. Thuyết hiện thực cho rằng thể chế đa phương là công cụ quyền lực của các nước lớn, nhất là để giữ vững bá quyền của nước bá chủ. Thể chế quốc tế, do đó, không có vai trò gì lớn và sẽ suy yếu hoặc giải thể nếu không có sự ủng hộ hoặc tham gia của các nước lớn. Thuyết Mác-xít cũng coi chủ nghĩa đa phương là công cụ chính sách nhưng cho rằng việc tham gia các tổ chức quốc tế sẽ đem lại quyền lực cho nước yếu nhằm chống lại sự chi phối của nước mạnh. Trong khi đó, thuyết tự do và thuyết kiến tạo lại cho rằng các thể chế quốc tế sau khi được thành lập và vận hành sẽ có sự tồn tại độc lập và ảnh hưởng nhất định đối với các nước thành viên. Chủ nghĩa đa phương, theo hai cách tiếp cận này, được xem như là một mục tiêu cần đạt được, dựa trên những tính toán về khả năng tác động và ảnh hưởng ngược lại của các thể chế đa phương đối với cách hành xử cũng như quan niệm về lợi ích và kỳ vọng giữa các quốc gia với nhau.

Gần đây đã xuất hiện một số công trình về đa phương dựa trên sự phê phán các mạch lý luận được coi là quá thiên vào vai trò quyết định của các nước lớn và thế giới phương Tây (Eurocentric), do đó không phản ánh được sự phát triển của tiến trình ngoại giao đa phương ở một số khu vực khác với những đặc thù riêng biệt về ngoại giao đa phương. Điển hình là phân tích về tiến trình ngoại giao đa phương của các nước ASEAN. Theo nhận xét của Amitav Acharya, ASEAN hoạt động không theo hình thức bỏ phiếu theo đa số như ở các tổ chức đa phương khác mà dựa trên nguyên tắc “đồng thuận” và “phương cách ASEAN”. Xét rộng hơn, hợp tác đa phương ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mang hai đặc điểm chính là ‘thể chế mềm’ (soft institutionalism) và ‘chủ nghĩa khu vực mở’ (open regionalism) dựa trên các thể chế do ASEAN - một tập hợp của các nước vừa và nhỏ - điều phối, khác với sự thể chế hoá ở mức độ cao trong hợp tác đa phương của EU. Nói cách khác, Amitav Acharya (1997) cho rằng “có một phương cách của châu Á (Asian Way) về chủ nghĩa đa phương.” Đây là những công trình quan trọng, mở ra hướng nghiên cứu so sánh giữa các khu vực khác nhau về quá trình hợp tác đa phương, dựa trên các điều kiện không gian và thời gian đặc thù. Tuy mức độ khái quát hóa có thể giảm đi nhưng lý thuyết về đa phương cũng bớt trừu tượng và bất cập hơn trước sự vận động liên tục của quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, việc chủ nghĩa đa phương quy mô lớn (đàm phán WTO, các hội nghị COP của Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu…) gặp một số khó khăn, đình trệ từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã thúc đẩy sự phát triển của những hình thức đa phương mới như “tiểu đa phương” (minilateralism) chỉ gồm ít bên tham gia như khối BRICS (Brazil-Nga-Ấn Độ-Trung Quốc-Nam Phi) hay Bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc… và “đa phương hẹp” (plurilateralism) như nhóm G-20 nhằm đối phó nhanh chóng và hiệu quả hơn với các thách thức quản trị toàn cầu và khu vực.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1994.
  2. Đặng Đình Quý (chủ biên), Chủ nghĩa đa phương trên thế giới và đối ngoại đa phương của Việt Nam, NXB. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội: 2019.
  3. Andrew F. Cooper và cộng sự (chủ biên), The Oxford handbook of modern diplomacy, Oxford University Press, 2013.
  4. Amitav Acharya, "Ideas, identity, and institution building: From the ‘ASEAN way’ to the ‘Asia - Pacific way'?." The Pacific Review 10, no. 3 (1997): 319-346.
  5. James A. Caporaso, "International Relations Theory and Multilateralism: the search for Foundations." International Organization vol. 46, no. 3 (1992): 599-632.
  6. John Ruggie, “Multilateralism: The Anatomy of An Institution,” International Organization, Vol. 46, No. 3, Summer 1992, 573.
  7. Miles Kahler, “Multilateralism with Small and Large Numbers,” International Organization, Vol. 46, No. 3, Summer 1992, 681.
  8. Robert Keohane, “Multilateralism: An Agenda for Research,” International Journal, Vol. 25, Autumn 1990, 731-33.