Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Tập tin:Chụp cộng hưởng từ.jpg
Chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong thực hành y khoa từ đầu những năm 1980. MRI tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng điện từ. Do không sử dụng tia X nên phương pháp này không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Máy chụp MRI giống như một đường hầm tròn, dài khoảng 1,5m, được bao quanh bởi một nam châm lớn. Bệnh nhân được đặt nằm trên một bàn dài để đưa vào sâu bên trong.

Về nguyên lý, máy được hoạt động như sau: dưới tác động của một từ trường mạnh, các hạt proton của nguyên tử hydro (trong cơ thể con người có hàng triệu nguyên tử hydro vì theo như một số tài liệu, nước chiếm đến gần 60% trọng lượng cơ thể người) sẽ nằm theo cùng hướng song song với từ trường của máy. Khi máy phát ra chùm sóng điện từ, sóng va đập và đánh các hạt proton ra khỏi vị trí hiện có. Khi sóng điện từ ngừng phát, các hạt proton lại trở lại những vị trí ban đầu. Trong quá trình này chúng phát ra tín hiệu sóng. Các hạt proton thuộc những loại mô, cơ quan khác nhau sẽ trở lại vị trí cũ với những vận tốc khác nhau, nên các tín hiệu sóng cũng khác nhau. Các tín hiệu này được ăng ten thu nhận và chuyển đến máy tính, tạo dựng hình ảnh với các mặt cắt ngang của cơ thể. Những hình ảnh cũng có thể được xử lý để dựng ảnh 3D.

Trong lĩnh vực lâm sàng thần kinh, MRI giúp phát hiện một loạt các tình trạng bệnh lý như: các dị tật bẩm sinh, khối u, các bệnh lý mạch máu não, các BT về cấu trúc hoặc trong quá trình phát triển; các bệnh lý về tủy sống và cột sống.

Chống chỉ định chụp MRI với các trường hợp trong cơ thể có dị vật kim loại như máy điều hòa nhịp tim, van tim nhân tạo. Không nên cho chụp MRI với những người có ám ảnh sợ không gian khép kín (Claustrophobia).

Chụp cộng hưởng từ chức năng hoặc MRI chức năng (Functional Magnetic Resonance Imaging - FMRI) là một cách ghi hình để đo hoạt động của não bằng cách phát hiện những thay đổi liên quan đến lưu lượng máu. Kỹ thuật này dựa trên cơ sở là lưu lượng máu luôn có mối liên quan chặt chẽ với hoạt động của các nơ ron. Khi một khu vực nào đó của não đang hoạt động mạnh thì hàm lượng hemoglobin (Hb) giảm và lưu lượng máu đến đó cũng tăng lên. Những thay đổi này kéo theo thay đổi về từ và được máy ghi lại, thể hiện trên hình ảnh những vùng hoạt động mạnh hơn so với các vùng lân cận.

Dạng chính của FMRI được Ogawa S. phát hiện lần đầu vào năm 1990. Ngay sau đó nó đã được sử dụng rộng rãi trong việc lập bản đồ hoạt động thần kinh trong não hoặc tủy sống. Ưu thế của fMRI là ở chỗ người bệnh không cần phải tiêm hoặc uống các chất bức xạ ion hóa trước khi làm xét nghiệm. Do giá thành đắt nên các máy chụp FMRI mới được sử dụng trong các nghiên cứu thần kinh và tâm lý thần kinh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lê Xuân Trung và cộng sự, Bệnh học phẫu thuật thần kinh, Nxb. Y học, 2003, tr. 72 - 79.
  2. Tôn Thất Thiệu Ân, Trần Tố Lan, Sổ tay chuyên khoa Thần kinh, Nxb. Y học, 2007, tr. 27 - 28.
  3. Lê Quang Cường, Triệu chứng học thần kinh, Nxb. Y học, 2010, tr. 203 - 207.
  4. Strickland B. (Executive Editor), The Gale Encyclopedia of Psychology2nd Ed., Gale Group, 2001, pp. 671 - 675.
  5. Thackery E., Harris M., The Gale Encyclopedia of Mental Disorders, The Gale Group, Inc., 2003, pp. 579 - 583.
  6. Bradley W.G., Daroff R.B., Fenichel G.M., Jancovic J., Neurology in Clinical Practice, Elsevier, Inc., 2004, pp. 523 - 524.
  7. VandenBos G.R., (Editor in Chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 338 - 339.