Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chụp X-quang khớp

Chụp X-quang khớp là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh trong đó hình ảnh của một khớp thu lại được sau khi tiêm thuốc cản quang để giúp xác định các cấu trúc của khớp, như gân, dây chằng, cơ, sụn và nạng khớp. Một dạng chụp X quang đặc biệt, gọi là chụp huỳnh quang (fluoroscopy), được sử dụng để chụp khớp có cản quang.

Mục đích[sửa]

Thông thường, chụp X quang khớp có cản quang được sử dụng để tìm hiểu nguyên nhân của đau khớp liên tục, không giải thích được hoặc các vấn đề liên quan đến chức năng khớp. Khi chụp huỳnh quang có thể hiển thị hoạt động bên trong của các khớp và mô tả cấu trúc phần mềm cạnh khớp. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cũng có thể được tiến hành để xác định các vấn đề liên quan đến dây chằng, sụn, gân hoặc bao khớp của khớp hông, khớp vai, khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, hoặc các khớp khác. Chụp X quang khớp có cản quang có thể xác định vị trí nang trong khớp, đánh giá các vấn đề liên quan cấu trúc và chức năng của khớp. Khớp gối và khớp vai là hai khớp được khảo sát nhiều nhất.

Mô tả[sửa]

Bề mặt khớp sẽ được vô khuẩn bằng xà phòng và thuốc sát trùng. Gây tê cục bộ được sử dụng để làm tê da và mô trong khớp. Tiếp theo, dịch khớp có thể được hút ra để có thể đưa thêm chất cản quang vào khớp. Dịch khớp sau đó được gửi đến phòng xét nghiệm để được quan sát dưới kính hiển vi. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp X quang được sử dụng để quan sát khớp gối trong khi kim được đưa vào khớp khi tiến hành tiêm thuốc cản quang. Mục đích của thuốc cản quang trong khi chụp X-quang là để giúp làm rõ các cấu trúc trong khớp bằng cách phân định ranh giới giữa các mô có đậm độ tia giống nhau. Thuốc dùng trong chụp khớp thường là các chất tan trong nước và thường có chứa iot. Không khí và iot có thể được sử dụng kết hợp hoặc độc lập khi chụp X quang khớp. Sau khi chất cản quang được tiêm vào, vị trí tiêm sẽ được băng lại, và bệnh nhân có thể được yêu cầu gấp và duỗi khớp để lan rộng chất cản quang trong khớp.

Trước khi chất cản quang có thể được hấp thụ bởi mô tổ chức tại khớp, kĩ thuật viên sẽ nhanh chóng chụp một số phim X quang. Bệnh nhân cần giữ yên nhất có thể khi chụp X quang trừ khi bác sĩ yêu cầu di chuyển khớp qua toàn bộ phạm vi hoạt động của nó. Đôi khi, bệnh nhân sẽ cảm thấy ngứa hoặc khó chịu khi thuốc cản quang được đưa vào, điều này là bình thường vì do tác dụng phụ của chất cản quang. Sau khi theo dõi chất cản quang bằng sử dụng tia X huỳnh quang, chụp X quang chuẩn có thể thực hiện. Toàn bộ quá trình chụp khớp thông thường kéo dài khoảng một giờ.

Trước khi chụp[sửa]

Bác sĩ cần hỏi bệnh nhân xem bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc tê hoặc iot trước khi thực hiện kĩ thuật chụp. Bên cạnh đó, bác sĩ nên giải thích quy trình và những rủi ro đi kèm khi tiêm thuốc cản quang và yêu cầu bệnh nhân ký bản cam kết. Nếu sử dụng chất cản quang có chứa iot thì bệnh nhân sẽ được hướng dẫn không ăn hoặc không uống trong khoảng vài giờ trước khi chụp. Bệnh nhân nên nhịn ăn có thể chỉ từ tối hôm trước khi chụp. Ngoài ra, bệnh nhân không cần chuẩn bị nào khác.

Sau khi chụp[sửa]

Khớp gối nên được nghỉ ngơi trong khoảng 12 giờ sau khi chụp. Khớp gối có thể được quấn bằng băng thun, bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc và thay băng. Tiếng lạo xạo khớp được cho là bình thường trong một vài ngày sau khi chụp khớp. Những tiếng lạo xạo này là do của chất lỏng trong các khớp. Trong trường hợp khớp sưng, có thể được điều trị bằng cách chườm đá hoặc chườm lạnh. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau loại nhẹ vài ngày đầu. Tuy nhiên, nếu triệu chứng nào kéo dài hơn vài ngày, bệnh nhân nên tái khám.

Rủi ro của chụp X quang khớp[sửa]

Ở một số bệnh nhân, iot có thể gây ra các phản ứng dị ứng từ buồn nôn nhẹ đến biến chứng tim mạch nặng hoặc biến chứng hệ thần kinh. Vì chất cản quang tiêm vào khớp, khác với tiêm vào tĩnh mạch, phản ứng dị ứng hiếm khi xảy ra. Cơ sở được cấp phép để thực hiện chụp X quang có cản quang cần phải đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị, và đào tạo nhân viên để xử lý các tình huống nghiêm trọng có thể xảy ra. Khớp bị nhiễm trùng có thể là một biến chứng của chụp khớp, mặc dù không thường xuyên xảy ra.

Kết quả[sửa]

Chụp X quang khớp cản quang thông thường sẽ cho thấy vị trí của thuốc cản quang hoặc chất cản quang ở khắp các cấu trúc khớp, khoang khớp, sụn, và dây chằng. Vị trí bất thường của chất cản quang có thể cho thấy đó là các tổn thương như viêm khớp dạng thấp, nang, sai khớp, rách dây chằng... Chụp khớp cản quang có thể được sử dụng để đánh giá tổn thương trong sai khớp vai tái phát. Người bệnh thay khớp háng có thể được chụp khớp cản quang để đánh giá vị trí hoặc chức năng khớp giả.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Canale, S. T., ed. Campbell’s Operative Orthopaedics. 12th ed. St. Louis, MO: Mosby, 2012.
  2. Nguyễn Duy Huề, Chẩn đoán hình ảnh, Nhà xuất bản giáo dục, 2010.
  3. French, Timothy H., Nicholas Russell, and Anand Pillai.
  4. ‘‘The Diagnostic Accuracy of Radionuclide Arthrography for Prosthetic Loosening in Hip and Knee Arthroplasty.’’ BioMed Research International, art. ID 693436 (2013) http://dx.doi.org/10.1155/2013/693436 (accessed October 6, 2013).
  5. Stoppino, L. P., et al. ‘‘Lesions of the Rotator Cuff Footprint: Diagnostic Performance of MR Arthrography Compared with Arthroscopy.’’ Musculoskeletal Surgery 97, no. 2 supp. (August 2013): 197–202. http://dx.doi.org/10.1007/s12306-013-0289-5 (accessed October 6, 2013).
  6. Radiological Society of North America & American College of Radiology. ‘‘Arthrography.’’ RadiologyInfo.org. http://www.radiologyinfo.org/en/info.cfm?pg=arthrog (accessed September 20, 2013).