Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chụp X- quang lông ngực

Chụp X- quang lông ngực là một phương pháp được sử dụng để đánh giá các cơ quan và cấu trúc trong lồng ngực khi có các triệu chứng của bệnh. X-quang ngực là ảnh chụp phần ngực bằng tia X-quang bao gồm hình ảnh về phổi, tim, một phần nhỏ của đường tiêu hóa, tuyến giáp và xương thành ngực.

Mục đích[sửa]

X-quang ngực được chỉ định cho nhiều mục đích chẩn đoán hoặc so sánh với các hình ảnh trước đây, qua đó đánh giá tiển triển của bệnh. X-quang ngực thường được chỉ định nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên quan đến các cơ quan trong lồng ngực như: ho dai dẳng, chấn thương ngực, đau ngực, ho ra máu, khó thở, có dấu hiệu của bệnh tim phổi, dị vật thực quản...

Mô tả[sửa]

X-quang ngực thông thường bao gồm hai tư thế, tư thế thẳng (còn được gọi là trước – sau) và tư thế nghiêng. Bệnh nhân được ưu tiên chụp ở tư thế đứng, đặc biệt khi cần khảo sát dịch trong khoang màng phổi.

Trong quá trình chụp, kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bệnh nhân nín thở. Điều này rất quan trọng trong việc chụp X-quang ngực để đảm bảo có không có chuyển động nào có thể làm giảm chất lượng và độ sắc nét của hình ảnh. Quá trình chụp sẽ chỉ mất vài phút và thời gian bệnh nhân phải nín thở là một vài giây. Trong một số trường hợp, đặc biệt với bệnh nhân không thể ra khỏi giường, có thể chụp bằng máy chụp X-quang di động.

Chuẩn bị[sửa]

Không cần chuẩn bị trước khi chụp X-quang ngực. Bệnh nhân cởi bỏ trang phục ở phần trên cơ thể, cởi bỏ tất cả đồ trang sức, những vật bằng kim loại.

Phụ nữ nên báo với bác sĩ và kỹ thuật viên X-quang nếu họ nghi ngờ mình đang hoặc đã mang thai. Chụp X-quang ngực sẽ không được thực hiện khi đang mang thai để tránh tiếp xúc bức xạ tới thai nhi.

Đối với nhiều bệnh, hiệu quả hơn khi so sánh kết quả chụp X-quang ngực hiện tại với các kết quả trước đây. Do đó, bệnh nhân được khuyến cáo mang theo kết quả từ lần chụp trước đến các cơ sở chẩn đoán hình ảnh.

Chăm sóc sau khi chụp[sửa]

Bệnh nhân sau khi chụp X-quang ngực không cần sự chăm sóc đặc biệt nào.

Kết quả[sửa]

Một bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, hoặc bác sĩ được đào tạo kỹ thuật và phân tích phim X quang, đánh giá các kết quả. X-quang ngực bình thường cho thấy cấu trúc bình thường tương ứng với tuổi và tiền sử của bệnh nhân. Các phát hiện, cho dù bình thường hay bất thường, được gửi lại cho bác sĩ chỉ định dưới dạng một phiếu kết quả.

Nên nếu kết quả chụp X-quang ngực không bình thường hay không đủ thông tin, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các phương pháp chụp khác như chụp CT (chụp cắt lớp điện toán), siêu âm, siêu âm tim hay chụp cộng hưởng từ MRI.

Nguy cơ[sửa]

Nguy cơ duy nhất liên quan đến X-quang ngực là tiếp xúc tối thiểu với bức xạ, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Những bệnh nhân này nên sử dụng tạp dề chì để bảo vệ trong suốt quá trình chụp.

Từ khóa[sửa]

'X-quang ngực di động' – Một thủ thuật x-quang sử dụng các thiết bị có thể mang đến gần bệnh nhân. Hình ảnh X-quang di động có thể không có chất lượng cao như X-quang cố định, nhưng chúng cho phép kỹ thuật viên đến gần bệnh nhân.

Xương ức – cũng được đề cập đến như xương vú, là một xương dài mỏng nằm ở chính giữa lồng ngực.

Lồng ngực – là vùng ngực nằm giữa bụng và cổ, bao quanh bởi xương sườn.

Tia X – một dạng bức xạ điện từ có bước sóng ngắn hơn ánh sáng bình thường. Tia X có thể xuyên qua hầu hết các cấu trúc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Y tế, Quyết định số 25/QĐ-BYT Về việc ban hành tài liệu “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp” ngày 03 tháng 01 năm 2013.
  2. WHO, 2006, “The WHO manual of diagnostic imaging Radiographic Anatomy and Interpretation of the Chest and the Pulmonary System”.
  3. Nguyễn Duy Huề, Chẩn đoán hình ảnh, Nhà xuất bản giáo dục, 2010.