Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chống phong toả đường không

Chống phong toả đường không là tổng thể các hoạt động tác chiến và những biện pháp nhằm chống lại hoạt động phong tỏa đường không của đối phương.

Lịch sử hình thành và phát triển Chống phong toả đường không luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển hoạt động phong tỏa đường không. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, trong quá trình tiến công đánh chiếm thành phố Xta-lin-grát và vùng Cáp-ca-dơ của Liên Xô (từ tháng 7/1942 đến tháng 02/1943), lực lượng Không quân Đức tổ chức các hoạt động phong tỏa đường không nhằm hạn chế hoạt động của lực lượng Phòng không và Không quân Liên Xô. Để tránh thiệt hại, phá vỡ thế phong tỏa đường không của quân Đức, Liên Xô đã sử dụng các máy bay ném bom và Trung đoàn Pháo phòng không 1077 đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ thành phố trước đợt tập kích và phá thế phong tỏa đường không của quân Đức. Khi Liên Xô chuyển sang phản công, quân Đức đã sử dụng không quân để tiếp tế cho lực lượng bị bao vây; tuy nhiên, lực lượng Không quân Đức tiếp viện đã bị lực lượng phòng không và các máy bay tiêm kích của Liên Xô tổ chức chặn đánh, tiêu diệt gây tổn thất nặng. Năm 1999, trước khi tiến hành đánh Nam Tư, để giành quyền kiểm soát trên không (từ 24 đến 28/3/1999), lực lượng Không quân Mĩ và NATO đã tiến hành các hoạt động phong tỏa đường không kết hợp với tiến công hỏa lực đường không nhằm khống chế sân bay, chế áp và tiêu diệt lực lượng không quân, phòng không... Để đối phó với các biện pháp, thủ đoạn phong tỏa đường không của Mĩ - NATO, Nam Tư đã kết hợp chặt chẽ giữa phòng tránh sơ tán, cất giấu, phân tán và tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý, chủ động đánh trả. Các lực lượng Phòng không, Không quân Nam Tư đã vận dụng sáng tạo cách đánh khi thực hành đánh trả; sử dụng lực lượng phòng không với quy mô và thời cơ thích hợp để phục kích đón lõng bắn rơi một số máy bay; đặc biệt, đêm ngày 27/3, lực lượng tên lửa Nam Tư đã phục kích bắn rơi 1 máy bay tàng hình F-117A của Không quân Mĩ.

Ở Việt Nam, trong kháng chiến chống MĨ, quân và dân ta đã hai lần tiến hành thắng lợi Chống phong toả đường không ở miền Bắc (1965-68 và 1972-73). Các hoạt động mang tính chất phong tỏa đường không của địch được tiến hành ngay từ đầu và trong suốt cuộc chiến tranh, nhưng tập trung vào thời điểm tổ chức các đợt tiến công hỏa lực đường không quy mô lớn (cuối năm 1967 và tháng 12/1972), nhằm làm tê liệt hoạt động, hạn chế tối đa khả năng đánh trả của không quân ta. Khi phong tỏa đường không, địch tập trung đánh phá, khống chế sân bay, các trận địa phòng không; tiến hành gây nhiễu điện tử... ngăn cản mọi hoạt động của lực lượng phòng không, không quân ta; tạo điều kiện cho không quân địch tổ chức các đợt tiến công hỏa lực đường không, đánh phá các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn miền Bắc. Để Chống phong toả đường không của Mĩ, lực lượng phòng không trên chiến trường miền Bắc chủ yếu sử dụng pháo phòng không; lực lượng không quân sử dụng MiG-17 đánh chặn khu vực ở độ cao thấp, cơ động phục kích đánh máy bay địch; lực lượng MiG-21 đã phát huy ưu thế về tốc độ, độ cao, bằng lối đánh thọc sâu vào đội hình lớn của địch để tiêu diệt máy bay địch và tạo điều kiện cho các lực lượng đánh thắng địch.

Điều kiện Chống phong toả đường không: khi xuất hiện hoạt động phong tỏa đường không; bên bị phong tỏa có khả năng tác chiến và bảo đảm cho hoạt động tác chiến chống phong tỏa đường không.

Thời cơ Chống phong toả đường không: khi có triệu chứng của bên thực hiện phong tỏa đường không tiến công, đánh phá vào những mục tiêu phải bảo vệ, hoặc đang tiến hành các biện pháp nhằm khống chế, chế áp, ngăn cản mọi hoạt động của bên bị phong tỏa.

Đặc điểm Chống phong toả đường không: có tính tổng hợp cao; không gian tác chiến rộng; tình huống diễn biến phức tạp, quyết liệt; tổ chức chỉ huy, hiệp đồng khó khăn.

Yêu cầu Chống phong toả đường không: nắm chắc tình hình mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu cao, không bị động, bất ngờ; chuẩn bị kế hoạch, phương án chống phong tỏa đường không sát thực tế, kịp thời; phát huy có hiệu quả mọi hoạt động của các lực lượng, khả năng của các thành phần tham gia chống phong tỏa đường không, tạo sức mạnh tổng hợp; vận dụng tổng hợp các biện pháp, kết hợp nhiều hình thức tác chiến, hình thức chiến thuật, phương pháp hoạt động chiến đấu để từng bước đánh bại các thủ đoạn hoạt động của bên phong tỏa; chỉ huy tập trung, thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm toàn diện, đồng bộ.

Nhiệm vụ trong Chống phong toả đường không: tổ chức hệ thống trinh sát phát hiện, thông báo, báo động kịp thời các hoạt động của bên phong tỏa cho các lực lượng chủ động chống phong tỏa đường không; tiến hành đồng bộ các biện pháp, cách thức, kết hợp chặt chẽ các hoạt động, lấy hoạt động quân sự là chủ yếu, từng bước đánh bại các biện pháp tác chiến, thủ đoạn hoạt động, làm thất bại mục đích, âm mưu của bên thực hiện phong tỏa; phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chống phong tỏa đường không, phá thế bao vây, phong tỏa đường không, bảo vệ an toàn các phương tiện bay vào, bay ra khu vực bị phong tỏa, bảo vệ mục tiêu chủ yếu và duy trì các hoạt động trên không; tổ chức phòng tránh, sẵn sàng đánh trả tiến công hỏa lực của bên thực hiện phong tỏa đường không.

Nội dung Chống phong toả đường không, gồm: trinh sát, quan sát phát hiện và chiến đấu tiêu diệt máy bay, khí cụ bay của đối phương; thông báo cho các lực lượng hoạt động trên sân bay, phòng tránh, sơ tán; bảo vệ khu vực sân bay, các khu vực, mục tiêu quan trọng; tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ; bảo đảm cho lực lượng phòng không, không quân hoạt động liên tục và an toàn.

Tham gia Chống phong toả đường không gồm nhiều lực lượng; trong đó, lực lượng vũ trang là chủ yếu, nòng cốt là lực lượng phòng không, không quân. Chống phong toả đường không có thể phân loại với các quy mô khác nhau: quy mô nhỏ, quy mô vừa và quy mô lớn.

Phương thức Chống phong toả đường không: trên cơ sở thế trận đã được chuẩn bị, tiến hành tổng thể các hoạt động tác chiến và bảo đảm, kết hợp với những hoạt động trên các lĩnh vực khác; vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp tác chiến, hình thức chiến thuật nhằm phá thế bao vây, phong tỏa của đối phương giành quyền làm chủ vùng trời; giữ vững lực lượng, thế trận; từng bước làm thất bại âm mưu, ý định chiến lược của bên thực hiện phong tỏa.

Biện pháp nâng cao hiệu quả Chống phong toả đường không: thường xuyên nghiên cứu nắm chắc tình hình và dự báo chính xác hoạt động của bên thực hiện phong tỏa; chủ động xây dựng thế trận, lực lượng và cơ sở hậu cần - kỹ thuật ngay từ chưa xảy ra phong tỏa đường không; tích cực hiện đại hóa lực lượng vũ trang; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị tinh thần cho mọi thành phần lực lượng tham gia Chống phong toả đường không. (1.380 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quân chủng Không quân, Lịch sử không quân nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, năm 1993.
  2. Quân chủng Phòng không, Lịch sử Quân chủng Phòng không, Tập II, Nxb Quân đội nhân dân, năm 1993.
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, năm 2004.
  4. Nguyễn Văn Giang, Nghiên cứu chống phong tỏa đường không của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đề tài cấp Bộ Quốc phòng, Hà Nội, năm 2017.
  5. Tổng cục II/ Bộ Quốc phòng, Bầu trời giông bão. Không quân trong các cuộc xung đột hiện đại, Hà Nội, năm 2019.