Chống phong toả đường biển là tổng thể các hoạt động tác chiến và biện pháp được tiến hành nhằm duy trì các hoạt động lưu thông của cảng (vùng duyên hải, bán đảo, đảo, căn cứ hải quân...) với bên ngoài bằng đường biển.
Thực tiễn chiến tranh trên biển đã diễn ra nhiều chiến dịch phong toả đường biển và Chống phong toả đường biển. Điển hình như hoạt động phong toả đường biển và Chống phong toả đường biển quy mô lớn giữa Anh, Đức cùng đồng minh trên Đại Tây Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất và chiến tranh thế giới lần thứ Hai; các chiến dịch phong toả đường biển và Chống phong toả đường biển giữ Hoa Kì và Nhật Bản trên Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất; chiến dịch chống phong toả đường biển do quân và dân ta tiến hành (1972-73) đã đánh bại hành động phong toả đường biển của Mĩ đối với miền Bắc trong kháng chiến chống Mĩ. Chống phong toả đường biển thường mang tính thụ động nhất định, phụ thuộc vào hành động phong toả (quy mô, đặc điểm, tính chất, thủ đoạn...) của đối phương.
Phân loại Chống phong toả đường biển: theo khu vực hoạt động, có Chống phong toả đường biển: xa bờ, gần (ven) bờ, trong khu vực cửa sông, hồ lớn ven biển....; theo phương thức phong toả của địch có chống phong tỏa đường biển bằng: binh lực và binh khí; theo tính chất hoạt động thường bao gồm chống binh lực (máy bay, tàu chiến...) trực tiếp thực hành phong toả, chống các hành động phong toả (kiểm soát không gian tác chiến, tuần tiễu cảnh giới trên tuyến hoặc khu vực phong toả, thả thuỷ lôi, bom từ trường và chướng ngại khác...), khắc phục phong toả bằng binh khí (thuỷ lôi, bom từ trường...), chống lực lượng bảo đảm tác chiến (dẫn đường trên biển, trinh sát, tác chiến điện tử...), bảo đảm vật chất hậu cần - kĩ thuật cho lực lượng trực tiếp thực hành phong toả (tàu bảo đảm kĩ thuật, tàu vận tải tiếp tế, tuyến giao thông trên biển...).
Theo phương thức chống lực lượng trực tiếp phong toả bao gồm: quan sát phát hiện, đánh trả máy bay, tàu chiến địch hoạt động, kiểm soát hoặc tiến công mục tiêu trên tuyến phong toả hoặc trong khu vực phong toả; vòng tránh hoặc tìm đường (luồng) bí mật qua khu vực bị phong toả; tổ chức hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, sử dụng phương tiện nhỏ, với diện tích phản xạ hiệu dụng nhỏ, hoạt động không theo quy luật... Theo phương thức chống các hành động phong toả bao gồm: quan sát, phát hiện và đánh trả máy bay, tàu chiến địch thực hành kiểm soát không gian tác chiến, tuần tiễu phát hiện lực lượng ta để chỉ thị mục tiêu cho lực lượng trực tiếp phong toả ngăn chặn, kiểm tra hoặc tiêu diệt; quan sát, phát hiện và đánh trả máy bay, tàu chiến địch thực hành thả thuỷ lôi, bom từ trường hoặc chướng ngại khác... Theo phương thức khắc phục phong toả bằng binh khí có: quan sát, đánh dấu vị trí và xác định qui cách các chướng ngại thuỷ lôi; tìm đường (luồng) vòng tránh thuỷ lôi; rà quét chướng ngại để mở đường (luồng); dẫn đường cho tàu thuyền đột phá qua chướng ngại bằng tàu rà quét thuỷ lôi... Theo phương thức chống lực lượng bảo đảm bao gồm: chống tác chiến điện tử của địch, gây nhiễu các phương tiện dẫn đường của địch, đánh phá tàu thuyền tiếp tế và tuyến giao thông trên biển...
Chống phong toả đường biển được xác định là tổng thể các hoạt động quân sự do các lực lượng vũ trang tiến hành với nhiều quy mô khác nhau trên chiến trường biển đảo, được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh ngoại giao, đấu tranh chính trị và tuyên truyền đặc biệt, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy tập trung và theo kế hoạch thống nhất của cấp chỉ đạo chiến lược. Phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, bằng các hoạt động tạo thế ta, phá thế địch, tập trung nỗ lực để hạn chế điểm mạnh và đánh vào chỗ yếu, tiêu hao sát thương bộ phận lực lượng địch, ngăn chặn và kìm hãm địch, dần dần buộc địch vào thế bị động, lúng túng và sa lầy, không thực hiện được ý định bao vây, cô lập ta trên hướng biển để đánh nhanh thắng nhanh; dần dần từng bước phá thế bao vây, chia cắt của địch, phòng thủ bảo vệ các đảo và quần đảo trọng yếu, giành và giữ quyền làm chủ trên các vùng biển chiến lược trọng điểm trong những thời điểm lựa chọn, giữ vững thế trận biển đảo và tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến của chiến trường trên bộ.
Tác chiến Chống phong toả đường biển do các lực lượng vũ trang tiến hành, trong đó lực lượng tham gia chủ yếu là hải quân và lực lượng vũ trang quân khu ven biển, kết hợp với một bộ phận các quân binh chủng khác và dân quân tự vệ biển. Tuỳ thuộc khu vực tác chiến mà vai trò nòng cốt và chỉ huy trực tiếp do hải quân hoặc quân khu ven biển đảm nhiệm. Tuy hải quân là nòng cốt trong tác chiến trên biển, nhưng tác chiến Chống phong toả đường biển lại có đặc thù riêng do nhiều nguyên nhân khác nhau: phạm vi tác chiến rộng và đa dạng, không gian tác chiến gồm trên mặt biển, không gian phía trên mặt biển và trong lòng biển, kéo dài từ các đảo, quần đảo xa bờ, qua các vùng biển trọng điểm đến các tuyến đảo ven bờ. Tác chiến không chỉ diễn ra trên biển, mà còn cả trên các đảo, quần đảo, trong đó nhiều khu vực ven bờ không thuộc phạm vi trách nhiệm của hải quân; chống phong tỏa đường biển là tác chiến thiên về phòng thủ, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân và sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng để phá thế địch, đánh thắng kẻ địch trên biển mạnh hơn ta về vũ khí trang bị; với đặc điểm biển đảo là tuyến tiền tiêu trên một trong những hướng tiến công chiến lược của địch, vì vậy hành động tác chiến có thể diễn ra sớm, khi các lực lượng khác trên bộ đang tiến hành chuẩn bị trực tiếp, và kéo dài trong suốt quá trình chiến tranh, cần đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ huy trực tiếp của cấp chỉ đạo chiến lược, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt có thể uỷ quyền cho người chỉ huy quân khu ven biển hoặc hải quân chỉ huy.
Để Chống phong toả đường biển có hiệu quả cần nghiên cứu đối phó với các loại hình phong toả đường biển như phong toả đường biển gần và xa, bằng binh khí và bằng binh lực, độc lập hay toàn diện (kết hợp phong toả đường không và cấm vận kinh tế); chuẩn bị đất nước từ thời bình (xây dựng nền kinh tế vận hành hiệu quả trong điều kiện bị địch phong toả), huấn luyện và chuẩn bị lực lượng vũ trang độc lập tác chiến dài ngày trong điều kiện bị phong toả quy mô khác nhau, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xung quanh để tạo môi trường quốc tế thuận lợi, phá thế phong toả đường biển của địch; chuẩn bị lực lượng vũ trang làm nòng cốt chống địch phong toả đường biển. Các hướng nghiên cứu cụ thể: chuẩn bị vòng tránh (dự báo khu vực, tìm đường vòng tránh (cả vùng biển của các quốc gia lân cận); tổ chức rà phá hoặc hộ tống qua các chướng ngại thuỷ lôi gần bờ khi cần; đánh địch phong toả gần bờ (máy bay địch kiểm soát trên không hay thả thuỷ lôi, tàu địch gần bờ, tuyến vận tải tiếp tế cho tàu địch phong toả gần bờ...); sử dụng thuỷ lôi phản phong toả ở cả gần bờ và xa bờ (hiệu quả cao trong đánh tàu địch phong toả, đánh tuyến vận tải tiếp tế hậu cần - kĩ thuật)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Học viện Quốc phòng, Phong tỏa đường biển, Hà Nội, 1996.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Hà Nội, 2004.
- Tác chiến phong tỏa và chống phong tỏa đường biển, Hải quân châu Á, Thái Bình Dương, 2015.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Liên Xô, 1986.