Chọc hút màng phổi là kỹ thuật nhằm giải phóng sự chèn ép của dịch hoặc khí màng phổi trong khoang màng phổi bằng cách chọc kim qua thành ngực người bệnh.
Mục đích[sửa]
Phổi chúng ta được bao bọc bởi màng mỏng gọi là màng phổi. Màng phổi có hai lá: Lá thành (lót bên trong thành ngực) và lá tạng (bao bọc chính lá phổi). Bình thường giữa hai lá này chỉ có một lớp dịch mỏng (khoảng 20ml) đủ giúp cho hai lá màng phổi dễ dàng trượt lên nhau trong quá trình hít thở. Dịch, máu v hoặc không khí có thể tích tụ trong khoang màng phổi do nhiều nguyên nhân. Trường hợp dịch máu xuất hiện nhiều hơn mức bình thường, gọi là tràn dịch màng phổi; trường hợp khí xuất hiện trong khoang màng phổi, gọi là tràn khí màng phổi.
Sự tích tụ của không khí hoặc chất lỏng trong khoang màng phổi làm gián đoạn quá trìnhhô hấp . Việc loại bỏ chất lỏng (dịch thấm, dịch tiết, máu) hoặc khí được thực hiện nhằm giảm áp khoang màng phổi. Ngày nay, việc dẫn lưu khoang màng phổi đã là một phương pháp hiệu quảvà an toàn hơn.
Mô tả kỹ thuật[sửa]
Trước khi thực hiện kỹ thuật, bác sĩ kiểm tra hồ sơ, xem lại chỉ định chọc hút màng phổi, giải thích về thủ thuật cho bệnh nhân, xác định vị trí chọc hút. Vị trí của dịch được xác định chính xác thông qua khám lâm sàng, X quang,siêu âm hoặc cắt lớp vi tính lồng ngực. Đối với tràn khí màng phổi, thường đặt kim ở vị trí khoang gian sường II, đối với tràn dịch khoang màng phổi, vị trí chọc hút thường ở khoang gian sườn 6,7 đường nách sau, là nơi thành ngực mỏng nhất, chọc ở bờ trên xương sườn dưới. Bác sĩ tiến hành sát trùng bằng cồn iode 1% và cồn 700, gây tê từng lớp, đưa kim cho đến khi thăm dò thấy dịch hoặc khí màng phổi, thay kim gây tê bằng kim luồn. Hút khí hoặc dịch cho đến khi đạt yêu cầu.
Tai biến[sửa]
Tràn dịch – tràn khí tái phát có thể xảy ra, cũng như sốc giảm thể tích (sốc do thiếu máu lưu thông) và nhiễm trùng. Bệnh nhân có nhiều nguy cơ chảy máu nếu có tiền sử sử dụng thuốc chống đông máu gần đây. Tràn khí màng phổi đôi khi có thể do thủ thuật chọc dò màng phổi. Thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm có thể làm giảm nguy cơ tràn khí màng phổi.
Chọc hút màng phổi cũng có thể dẫn đến tràn máu màng phổi, hoặc chảy máu trong lồng ngực. Ngoài ra, các cấu trúc bên trong như cơ hoành, lách hoặc gan, có thể bị tổn thương do kim đâm vào. Tiến hành thủ thuật nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ giảm protein máu.
Theo dõi sau thủ thuật[sửa]
Theo dõi toàn trạng, mức độ suy hô hấp của người bệnh trong quá trình làm thủ thuật và các tai biến liên quan có thể xảy ra khác.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Abeloff, Martin D., et al. Clinical Oncology. 4th ed. New York: Churchill Livingstone/Elsevier, 2008.
- Cedi, Russell L., Lee Goldman, and D. A. Audiello. Cecil Medicine. 23rd ed, Philadelphia: Saunders Elsevier, 2008.
- Bộ y tế, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa, chuyên ngành hô hấp, Ban hành kèm theo Quyết định số:1981/ QĐ-BYT ngày 05 tháng 6 năm 2014.