Chỉ số thông minh là một phép đo trí thông minh dựa trên tiêu chuẩn hóa điểm kiểm tra.
Định nghĩa và đo lường sự thông minh một cách khoa học là một tiến trình dài và chưa hoàn tất. Cách dùng chỉ số thông minh có thể có tác dụng tích cực, nhưng có thể có những tác động tiêu cực. Mặc dù các bài kiểm tra chỉ số thông minh (IQ) vẫn được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ, nhưng ngày càng tăng sự lên tiếng nghi ngờ về khả năng đo lường những năng lực quyết định sự thành công trong cuộc sống của con người. Kiểm tra IQ cũng đã bị chỉ trích vì có thành kiến đối với chủng tộc và giới tính.
Một trong những nhà khoa học đầu tiên đo lường thông minh là nhà khoa học người Anh Francis Galton (1883). Ông muốn ủng hộ thuyết của tiến hoá của Charles Darwin, anh em họ của ông, bằng cách chứng minh là không phải chỉ thân xác mà cả tâm trí cũng được di truyền (Hamsher, 1998). Có lẽ ông dựa vào triết học của Aristotle, cho rằng kiến thức đến từ các giác quan. Vì thế, ông đo lường một loạt các cảm giác, vận động, thời gian phản ứng (sensory, motor, reaction time), mà không dựa trên ngôn ngữ và đưa đến một số đo có độ tin cậy (reliability) cao, nhưng thiếu hiệu lực (validity) trong việc đo lường thông minh (Kaufman & Kaufman, 2003).
Một nhà khoa học khác là Alfred Binet cũng tìm cách đo lường trí thông minh (Binet & Henri, 1985). Ông là luật sư và là nhà khoa học tự nhiên, rồi tự học thêm tâm lý. Năm 1905, ông được Bộ Giáo dục Pháp nhờ phát triển một dụng cụ đo lường, để nhận ra trẻ em chậm phát triển nhằm giúp đỡ những đứa trẻ. Ông hợp tác với sinh viên của mình là Theodore Simon, tạo nên thang đo Binet-Simon, sau này sửa đổi thành thang Simon - Binet. Khác với Galton, ông dùng ngôn ngữ để đo trí nhớ, phán đoán, suy luận và nhận xét xã hội (memory, judgement, reasoning, social comprehension), rồi tổng hợp thành một chỉ số chung “g”. Ông phát minh ra khái niệm tuổi trí khôn (mental age) từ 3 đến 13 tuổi và cách tính chỉ số thông minh bằng chia tuổi trí khôn cho tuổi đời rồi nhân lên 100. Như vậy, một em 5 tuổỉ mà có khả năng như các em 6 tuổi sẽ có chỉ số thông minh 120 = (6/5) x 100. Lewis Terman của Đại học Stanford dịch và ứng dụng thang đo này, làm nên thang đo Stanford - Binet (Terman, 1916). Thang đo mới nhất là Binet V, phát hành năm 2003, với 100 câu hỏi, trả lời trong 24 phút. Thang đo có 5 phần (fluid reasoning, knowledge, quantitative reasoning, visual-spatial processing, working memory), rồi cũng cộng lại thành 2 phần là ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, rồi cộng lại thành một chỉ số thông minh chung.
Cùng lúc với thang đo Stanford-Binet, Mỹ cần đo các quân nhân khi Mỹ tham dự vào Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1917 và làm nên thang đo Army Alpha, cũng như thang đo Army Beta cho người mới di dân không biết tiếng Anh, David Wechsler đã đo hàng ngàn binh sĩ bằng thang đo Army Alpha, cũng như Stanford-Binet và các thang đo khác trước và sau khi nhập ngũ. Từ đó, ông sáng chế ra một bộ thang đo Wechsler phổ thông nhất bây giờ. Ông tổng hợp cả bên thang đo dùng ngôn ngữ của Binet và Army Alpha, lẫn thang đo dùng phi ngôn ngữ của Galton và Army Beta. Chỉ số trung bình là 100 và các chỉ số khác phân phối theo dạng chuông tự nhiên (bell distribution), với quãng 95% có điểm từ 70 đến 130. Quãng 2,27% dưới 70 được coi là chậm phát triển và 2,27% trên 130 là năng khiếu cao.
Thang đo WPPSI, mà phiên bản 3 là mới nhất (Wechsler, 2012) được dùng cho các em từ 3 tuổi đến 7 tuổi 3 tháng, cộng chỉ số ngôn ngữ với chỉ số phi ngôn ngữ thành một chỉ số chung. Thang đo WISC, đến nay đã có phiên bản 5 (Wechsler, 2014), dùng cho 6 tuổi đến 16 tuổi 11 tháng. Chỉ số ngôn ngữ được phân thành hai phần, lĩnh hội ngôn ngữ (verbal comprehension) và tập trung (freedom from distractability). Còn chỉ số phi ngôn ngữ có tổ chức tri giác (perceptual organization) và tốc độ nhận thức (processing speed). Thước WAIS cho người lớn, phiên bản 4 (Wechsler, 2008), có 3 phần giống WISC, còn phần trí nhớ ngắn hạn (working memory) thay cho phần tập trung.
Một thang đo được dùng nhiều trong các trường tại Mỹ là Woodcock-Johnson, bắt đầu từ 1977, mà phiên bản IV là mới nhất (Schrank et.al., 2014). Thang này khác hẳn với các công trình đo lường ở trên. Thang dựa trên lý thuyết của Raymond B. Catell là thông minh gồm 2 phần là uyển chuyển (fluid) và kết tinh (crystalized). Sinh viên của ông là John L. Horn phát triển thuyết đó, rồi sau nhập với thuyết của John B. Carroll, nên được viết tắt là thuyết CHC. Hiện nay, thang này có 18 phần, có thể đo lường 3 phần khác nhau nhưng tương quan với nhau (achievement, cognitive abilities, oral language).
Một trở ngại của các thang đo trên là tốn kém. Phải có bằng cấp thích hợp, tương đương với tiến sĩ tâm lý mới được mua và mỗi bộ thang đo Wechsler có giá khoảng 1.400 USD chưa kể thuế và cước phí. Sau đó, cần khoảng 2 giờ đồng hồ người làm trắc nghiệm để đo mỗi em. Woodcock-Johnson IV còn phức tạp hơn, nên còn cao giá hơn, khoảng 3.400 USD và cũng phải đo từng em một.
Từ thập niên 1980 trở về đây, một câu hỏi cơ bản được đặt ra là: thông minh là gì và các thước đo có đo đúng lý thuyết thông minh đó không? Nhiều giải pháp được đưa ra. Có thể nêu ra các lý thuyết của Sternberg, Gardner và Luria.
- Lý thuyết của Sternberg Một phê bình thông thường của các thang đo sự thông minh ở trên là chúng không đo lường mức sáng tạo (creativity). Roger Sternberg đề nghị một lý thuyết thông minh có 3 phần: phân tích mà các thang thông minh từng đo, sáng tạo và ứng dụng (practical). Ông nghĩ là lý thuyết của ông sẽ đúng trong mọi văn hóa, nhưng tới nay chỉ mới được nghiên cứu tại Mỹ thôi. Thang của ông và Gardner ít được dùng, một phần vì mất nhiều công.
- Lý thuyết của Howard Gardner Howard Gardner (1993) là nhà tâm lý học của Đại học Harvard đề ra lý thuyết đa thông minh (multiple intelligences) phức tạp hơn và rất nổi tiếng. Ông định nghĩa thông minh là giải quyết vấn đề hay sáng tạo sản phẩm mà có giá trị trong một nền văn hóa hay một cộng đồng. Mỗi loại thông minh đều cần những điều kiện sau đây:
- Có cơ sở sinh lý, nhất là có một phần riêng của não bộ cho khả năng này;
- Có sự hiện diện trong mọi văn hóa (universal);
- Có cách vận động rõ ràng (identifiable core operation);
- Có hệ thống ký hiệu để ghi.
Một thí dụ là âm nhạc: có một phần riêng trên não được kích thích khi người ta chơi nhạc; có trong mọi văn hóa; có cách chơi nhạc rõ ràng, dù khác biệt trong các văn hóa và có cách ký âm. Lúc đầu, ông đưa ra 7 loại thông minh, ngoài âm nhạc ra còn có vận động cơ thể (body-kinesthetic), lý luận toán (logical- mathematical), ngôn ngữ (linguistic), không gian (spacial), giao tiếp (interpersonal) và nội tâm (intrapersonal). Gần đây ông thêm loại thứ 8 là thiên nhiên (naturalist).
Gardner cho rằng muốn thành công cá nhân thường phải dùng vài loại thông minh với nhau. Chẳng hạn, một nhạc sĩ giỏi cũng cần vận động cơ thể giỏi, giao tiếp tốt với những người cộng tác và có lẽ cũng cần một nội tâm sâu nữa.
- Lý thuyết của Alexander Romanovich Luria
Alexander Romanovich Luria cùng với nhà tâm lý học Xô Viết nổi tiếng Lev Semyonovich Vygotski của Nga là những tâm lý học thành công nhất của thế kỷ thứ XX và tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến Tâm lý học thế giới trong thế kỷ XXI. Trong khi Gardner chỉ nói tới não bộ, thì Luria nghiên cứu sâu về cách phần của não. Đồng thời, ông cũng chuyên sâu về một số đề quan trọng khác trong việc hiểu về trí thông minh như ngôn ngữ, đa văn hóa và thần kinh trẻ em. Dựa vào những nghiên cứu của Luria, một số tâm lý gia Mỹ trình ra lý thuyết 4 chức năng PASS (viết tắt của Planning, Attention, Simultaneous & Successive information processes) và chế tạo ra thang đo CAS (Cognitive Assessment System) (Naglieri & Das, 1997).
Trong số khá nhiều thang Thông minh có ba thang đo thông dụng hơn cả là Raven's Progressive Matrices và hai thang của Kaufman là thang đo cho trẻ em (Assessment Battery for Children, K-ABC) và thang đo cho người lớn (Kaufman Adolescent and Adult Intelligence Test (KAIT).
Khi dùng những chỉ số thông minh, ta cần để ý đến một số vấn đề sau:
Những yếu tố bên ngoài nào ảnh hưởng đến chỉ số thông minh? Các nghiên cứu đã nhận ra khá nhiều yếu tố ảnh hưởng như: người coi thi những trẻ làm trắc nghiệm, nơi thi và người thi (trẻ em) có mệt mỏi hay có quen cách thi không (Overton et. al., 2016). Nếu thầy cô có một ấn tượng là một em thông minh hay kém thông minh, thì điều đó có tác động đến kết quả thực tế làm bài trắc nghiệm không?
Một chỉ số thông minh sẽ có ảnh hưởng tốt xấu đến em đó như thế nào? Có một em đạt được trong quãng 69 đến 70 điểm. Nếu ghi là 69, em sẽ nhận được một số trợ cấp trong trường, nhưng đồng thời em cũng sẽ học chung với các em rất chậm nên tương lai em khó phát triển được. Còn nếu ghi là em có 70 điểm thì em vào lớp bình thường, có lẽ khó theo kịp. Nếu bạn là người chấm thi, bạn ghi là em 69 hay 70 điểm?
Sách hướng dẫn sử dụng trong nhiều thang Thông minh nhấn mạnh đến phẩm chất của người coi thi, những người thực hiện trắc nghiệm. Những phẩm chất nào là cần thiết nhất, không có không được?
Chỉ số có thể dự đoán hành vi nào trong tương lai? Ví dụ như đoán khá chuẩn về việc học trong trường, nhưng không chuẩn mấy về thành công sau khi ra trường? Thông minh là do thiên phú hay văn hóa? Luyện tập và gia cảnh (Calarco, 2018) có ảnh hưởng đến chỉ số thông minh của trẻ ở mức độ nào? Có những ứng dụng nào giúp nâng cao nhân bản và áp dụng nào là sai sót về đạo đức? Thí dụ như đã có xã hội muốn thành một siêu chủng bằng cách không cho người có chỉ số thông minh thấp sinh con.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hamsher, K., The Concept of Intelligence, Sciencedirect.com, https://www.science direct.com/ topics/social-sciences/concept-of-intelligence, 1998.
- Kaufman, J. C., & Kaufman, A. S., Intelligence Assessment (General), In R. Fernández-Ballesteros (Ed.), Encyclopedia of Psychological Assessment, Sage, http://dx.doi. org.proxy.seattleu.edu/ 10.4135/9780857025753, 2003.
- Sternberg, R. J., & Grigorenko, E. L. (eds.), Culture and competence: Contexts of life success, American Psychological Association, 10.1037/10681-000, 2004.
- Wechsler, D., Wechsler Adult Intelligence Scale, fourth edition (WAIS-IV), Pearson, 2008.
- Schrank, F. A., McGrew, K. S., Mather, N., & Woodcock, R. W., Woodcock-Johnson IV, Riverside Publishing, 2014.
- Calarco, J. M., Why Rich Kids Are So Good at the Marshmallow Test, The Atlantic, 2018.