Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chậm phát triển tâm lý

Chậm phát triển tâm lý là trẻ không đạt được các mức phát triển tâm lý so với chuẩn ở một độ tuổi nhất định. Chậm phát triển tâm lý biểu hiện ở sự thiếu hụt về kiến thức chung, giảm sút chú ý và trí nhớ, suy nghĩ non nớt, các vận động và hành động không đủ tự động hóa, chú ý thiếu tập trung, tự điều chỉnh yếu, nhanh mệt mỏi trong hoạt động trí tuệ và kém phát triển trí tuệ cảm xúc. Không có khả năng sống một cuộc sống bình thường do những thách thức trong giao tiếp, chăm sóc bản thân hoặc tương tác với những người khác. Có vấn đề về hành vi sau đây: hiếu chiến; phụ thuộc; xa lánh các hoạt động xã hội; hành vi gây sự chú ý; trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên; thiếu kiểm soát xung động; thụ động; khuynh hướng tự gây thương tích; bướng bỉnh; tự trọng thấp; dễ dàng chấp nhận thất bại; rối loạn tâm lý; khó khăn trong việc tập trung chú ý. Trẻ chậm phát triển có những hạn chế trong cả hai lĩnh vực chức năng tâm lý: chức năng trí tuệ là khả năng học hỏi, suy luận, đưa ra quyết định, giải quyết vấn đề và hành vi thích nghi như khả năng giao tiếp hiệu quả, tương tác với những người khác và tự chăm sóc bản thân.

Những đặc điểm của trẻ chậm phát triển tâm lý[sửa]

  1. Đặc điểm cảm giác và tri giác - trẻ chậm phát triển tri giác các đối tượng chậm hơn, khối lượng quan sát được ít hơn so với trẻ bình thường. Nhiều trẻ gặp khó khăn khi phân biệt màu sắc, hình dáng, độ lớn, nhất là những vật gần giống nhau như hình vuông và hình chữ nhật. Trẻ cũng rất khó có thể phân biệt hoặc bắt chước các âm thanh. Trẻ không thể chú ý, không thể tập trung vào việc gì đó trong vài phút;
  2. Đặc điểm phát triển tư duy - tư duy mang tính cụ thể trực quan, yếu về khái quát hóa. Thiếu tính liên tục trong tư duy, khi bắt đầu giải quyết nhiệm vụ thường đưa ra kết quả đúng, nhưng sau một thời gian ngắn thì sai sót càng ngày càng nhiều; trẻ ít chú ý đến công việc, chóng mệt mỏi. Có một số em tỏ ra chăm chỉ, cố gắng học tập, nhưng hiệu quả không cao. Yếu trong điều chỉnh tư duy, thể hiện ở chỗ khi giao nhiệm vụ thì trẻ làm ngay không có sự suy nghĩ;
  3. Đặc điểm phát triển ngôn ngữ - Ngôn ngữ trẻ em chậm phát triển tâm lý chậm hơn trẻ bình thường cùng độ tuổi, khi đến tuổi đi học có vốn từ ít. Trẻ chậm phát triển ít dùng những câu phức tạp, ít dùng liên từ, rất khó khăn khi cần tìm những từ diễn tả ý nghĩ của mình và thường trả lời cộc lốc. Trẻ chậm phát triển thường không hiểu được những từ ngữ có tính chất trừu tượng, rất khó nắm bắt những khái niệm về các sự vật và hiện tượng xung quanh;
  4. Sự phát triển trí nhớ - Khó khăn trong ghi nhớ tài liệu học tập. Trẻ chậm phát triển ghi nhớ máy móc tốt hơn ghi nhớ có ý nghĩa. Trí nhớ hình ảnh, trí nhớ ngôn ngữ của trẻ cũng rất hạn chế;
  5. Đặc điểm phát triển tình cảm - Ở trẻ chậm phát triển tâm lý xuất hiện nhiều loại phản ứng mang tính xúc cảm khác nhau như tự vệ - công kích, tự vệ - thụ động “quá trẻ con”. Ở một số trẻ là sự hung dữ, hành động không nhất quán, những hành vi thiếu suy nghĩ, còn ở một số trẻ khác là sự nhút nhát, hay khóc nhè, thiếu tự tin, đa nghi, thiếu sáng tạo và niềm đam mê, có xu hướng nảy sinh bệnh hay xúc động.

Phân loại chậm phát triển tâm lý[sửa]

Căn cứ vào đánh giá lâm sàng và chỉ số IQ, Tổ chức Y tế thế giới chia chậm phát triển tâm lý ở trẻ ra làm 4 mức độ như sau: chậm phát triển trí tuệ trầm trọng có chỉ số IQ < 20; nặng: IQ từ 20 - 34; vừa: IQ từ 35 - 49; nhẹ: IQ từ 50 - 69. Chỉ số IQ từ 70 - 85 được coi là mức độ ranh giới giữa trí tuệ bình thường và chậm phát triển trí tuệ nhẹ.

Về mặt lâm sàng, chậm phát triển trí tuệ trầm trọng và nặng có những biểu hiện sau: tư duy hầu như chưa có hoặc chỉ là tư duy cụ thể thô sơ. Hầu như không có ngôn ngữ hay chỉ phát ra những âm, từ mà bản thân bệnh nhân không hiểu. Phản ứng không thích hợp với xung quanh, thường phủ định, chống đối; chưa có ý thức về bản thân hoặc chỉ có một cách lờ mờ; chậm phát triển cảm xúc; có những cơn giận dữ phá phách không duyên cớ; chậm phát triển về hành vi, chỉ có những hành vi tự động theo bản năng hay những phản ứng thô sơ với kích thích bên ngoài. Có trẻ thường nằm im, có trẻ luôn có những động tác đơn điệu như lắc, vặn thân mình, đong đưa cơ thể... Đôi khi có những cơn la hét, kích động vô cớ xuất hiện từng chu kỳ. Rối loạn bản năng ăn uống, ăn nhiều dẫn đến BP, không biết các mùi vị nên ăn cả các thứ bẩn, ôi thiu, thủ dâm liên tục và công khai. Các dị dạng cơ thể khá thường gặp ở nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể như thần kinh, da, giác quan, hệ thống xương (nhất là hộp sọ và cột sống), mắt tai răng, ngón tay chân...

Mức chậm phát triển trí tuệ vừa có những biểu hiện sau: a) Tư duy - Có ngôn ngữ nói nhưng vốn từ không lớn, ngữ pháp giản đơn, phát âm sai. Rất khó hình thành ngôn ngữ viết. Có tư duy khái quát thô sơ, không thể có tư duy trừu tượng. Trí phán đoán nghèo nàn. Không có tính độc lập suy nghĩ; b) Cảm xúc - Không ổn định, khi thì bàng quan vô cảm, khi thì ngoan ngoãn hiền lành, khi thì vui vẻ dễ bị kích thích; c) Hành vi tác phong - có trẻ hung dữ, đánh bắt nạt các trẻ khác, có trẻ hiền lành dễ bảo. Đôi khi có hoạt động theo bản năng hoặc các cảm xúc mạnh, vì vậy dễ có những hành vi phạm pháp. Một số trường hợp có thể có triệu chứng loạn thần như kích động, trầm cảm... d) Trí nhớ máy móc bề ngoài có thể khá phát triển, nhưng trí nhớ logic thường kém, do vậy trẻ khó học, khó tiếp thu cái mới.

Mức chậm phát triển trí tuệ nhẹ: a) Tư duy: khó phân biệt với mức bình thường; ngôn ngữ khá phát triển, hiểu người khác nói và tự diễn đạt các suy nghĩ của mình; có thể hình thành ngôn ngữ viết. Có khả năng tính toán học tập nhưng kém hơn so với bạn cùng tuổi. Có thể học hết cấp tiểu học tuy với kết quả học tập thường là kém hoặc rất kém, tư duy theo nếp cũ, thiếu sáng kiến, khả năng phân tích tổng hợp kém; b) Cảm xúc: Cảm xúc cấp cao có phát triển, thiếu tự lập, bám vào bố mẹ dù đã lớn, không đủ năng lực để giải quyết những mối xung đột tình cảm trong nội tâm, đôi khi có những cơn bùng nổ về cảm xúc; c) Hành vi, tác phong: có thể làm tốt những nghề không phức tạp và thích nghi được với môi trường xã hội song kém hiệu quả so với người khác. Nếu giáo dục và huấn luyện tốt, bệnh nhân có thể làm được những nghề không phức tạp và thích nghi được với môi trường xã hội. Một số trường hợp trẻ dễ có những hành vi mang tính thiếu suy nghĩ, dễ bị ám thị dẫn đến các hành vi phạm pháp.

Nguyên nhân của chậm phát triển tâm lý[sửa]

Thường do các rối loạn bệnh lý di truyền bao gồm những bệnh như hội chứng Down và hội chứng suy yếu nhiễm sắc thể X; Các vấn đề xảy ra trong quá trình mang thai: những vấn đề có thể gây trở ngại cho sự phát triển não bộ của thai nhi bao gồm sử dụng rượu hoặc ma túy, suy dinh dưỡng bào thai, một số nhiễm trùng hoặc tiền sản giật; Các vấn đề xảy ra trong khi sinh: khuyết tật trí tuệ có thể xảy ra nếu bé bị thiếu oxy trong khi sinh hoặc sinh cực non; Bệnh tật hoặc chấn thương: các nhiễm trùng như viêm màng não, ho gà hoặc bệnh sởi có thể dẫn đến khuyết tật trí tuệ. Chấn thương nặng ở đầu, suýt chết đuối, suy dinh dưỡng cực nặng, nhiễm trùng trong não, tiếp xúc hoặc lạm dụng các chất độc hại như chì cũng có thể gây ra bệnh. Do những tổn thương từ người mẹ bị các bệnh như giang mai, nhiễm độc, chấn thương khi sinh nở; hoặc do trẻ bị vàng da sơ sinh, sinh non, mắc bệnh nặng hay bị chấn thương lúc nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Đồng thời cũng có thể do các nguyên nhân như trẻ nhỏ không được dạy dỗ, không có tình thương từ người thân trong gia đình, những đứa trẻ bị mồ côi, bỏ rơi thiếu sự chăm sóc nuôi dưỡng khi còn thơ ấu; thiếu cảm xúc, tình cảm yêu thương giữa bố mẹ với con cái, nhất là trong vòng 3 năm đầu khi mới sinh ra làm chậm phát triển tâm lý của trẻ. Do môi trường sống nghèo nàn, thiếu chăm sóc y tế, kém văn hóa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Loraas, O. Ivar., Teaching Individuals with Developmental Delays: Basics. Austin, TX: PRO-ED Inac, 2002.
  3. Tervo, Raymond, Identifying Patterns of Developmental Delays Can Help Diagnose Neuro development Disorders, A Pediatric Perspective, 12, 2003, pp. 1 - 5.
  4. Harms, Louise, Understanding Human Development: A Multidimensional Approach, Oxford, UK: Oxford University Press, 2004.
  5. Beirne-Smith, Mary R., et.al., Mental Retardation: An Introduction to Intellectual Disability, Paramus, NJ: Prentice-Hall, 2005.
  6. Kass, Corrine E., et al., A Human Development View of Learning Disabilities: From Theory to Practice, Springfield, IL: Charles C. Thomas Publisher, 2005.