Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chậm phát triển gia đình

Chậm phát triển gia đình là hình thức chậm phát triển trí tuệ nhẹ do ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, trong đó bao gồm cả các bất lợi về tâm lý xã hội như thiếu chăm sóc khi mang thai của bà mẹ, dinh dưỡng của trẻ em, hoàn cảnh nghèo khó, quy mô gia đình, khoảng cách giữa các lần sinh trong một gia đình, không được động viên học tập hơn là một lý do sinh lý hoặc thần kinh có thể xác định được.

Loại chậm phát triển này biểu hiện chủ yếu ra ở hai nhóm chức năng tâm lý: nhóm chức năng nhận thức, trí tuệ và nhóm chức năng thích ứng với đời sống xã hội. Loại chậm phát triển này thường không được phát hiện trước khi trẻ bắt đầu đi học. Phần lớn những trẻ chậm phát triển gia đình không có những tổn thương thực thể và được xếp vào nhóm bệnh nhẹ có chỉ số IQ từ 55 đến 69.

Lịch sử tên gọi[sửa]

Về lịch sử tên gọi, trước năm 1980, để nghiên cứu chậm phát triển tâm lý nói chung, các nhà nghiên cứu chủ yếu sử dụng cách tiếp cận theo chỉ số thông minh của người bệnh (đo chỉ số IQ). Những nghiên cứu sau này phát hiện ra có nhiều trẻ chậm phát triển tâm lý ở mức độ nhẹ, không có biểu hiện tổn thương thực thể mà do các nguyên nhân bên ngoài môi trường gây nên. Do đó, họ đề xuất cách tiếp cận nghiên cứu mới gọi là tiếp cận văn hóa - gia đình để nghiên cứu sâu về các nguyên nhân bên ngoài của chậm phát triển tâm lý ở trẻ em. Các nguyên nhân có thể kể đến như các tác động của điều kiện sống, yếu tố văn hóa xã hội, các yếu tố sinh thể gia đình của trẻ và tên gọi chậm phát triển gia đình có từ đó.

Đặc điểm tâm lý của trẻ có bệnh chậm phát triển gia đình[sửa]

Trẻ chậm phát triển gia đình bề ngoài nhìn không khác gì nhiều so với trẻ bình thường. Chúng có thể học tập và làm việc nhưng chủ yếu là chân tay chứ không phải trong lĩnh vực lý luận trừu tượng. Những trẻ bị chậm phát triển gia đình này thường không được phát hiện trong điều kiện gia đình, mà chỉ được phát hiện khi trẻ đến trường được thầy, cô giáo, nhà trường nhận ra do năng lực tập trung chú ý yếu, trí nhớ kém so với các bạn cùng lớp. Hạn chế trong hoạt động trí tuệ và hành vi thích ứng của trẻ biểu hiện rõ ở việc thiếu những kỹ năng, kỹ xảo thích ứng xã hội, sinh hoạt hằng ngày ở lớp học. Những dấu hiệu chính của chức năng nhận thức, trí tuệ thấp ở những trẻ em này là: khó khăn trong nhận thức lý thuyết, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, phán đoán, suy nghĩ trừu tượng, ra quyết định, học tập chủ yếu dựa trên kinh nghiệm. Thiếu hành vi thích ứng với đời sống xã hội của trẻ biểu hiện ở các ứng xử không phù hợp với những tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội và văn hóa, có vấn đề trong thực hiện trách nhiệm xã hội khi sống tập thể và cả trong khi sống độc lập một mình. Thiếu hiểu biết về công việc xã hội, không biết thể hiện cảm xúc, thiếu kinh nghiệm giao tiếp, kết bạn với người khác. Mọi hoạt động sống và sinh hoạt phụ thuộc nhiều vào cha, mẹ hoặc thầy, cô. Trước mỗi thay đổi nhỏ trong cuộc sống cũng tỏ ra sợ hãi, có hành vi tự kỷ, sống khép kín. Do không hòa đồng với mọi người nên trẻ bị bệnh rất ngại giao tiếp với người khác. Khả năng giao tiếp kém hoặc ngược lại đôi khi lôi kéo người khác bắt chuyện với mình một cách thái quá. Những đứa trẻ này biết nhược điểm tâm lý của mình và thường có những hành vi che dấu trước người khác. Bình thường, chúng có thể làm tốt các hoạt động vệ sinh cá nhân, công việc tạp vụ hằng ngày kể cả đối với người khác và với bản thân. Phần lớn những đứa trẻ bị bệnh chậm phát triển gia đình bộc lộ nhược điểm rõ trong học tập ở trường nhất là đọc và viết. Một đặc điểm nữa là trẻ chậm phát triển gia đình có thể tiếp thu tốt chương trình giáo dục phục hồi chức năng hoặc chỉnh trị tâm lý để đạt được mức phát triển bình thường như với các trẻ em khác. Căn bệnh này hình thành và phát triển cho đến 18 tuổi, nếu được giáo dục chăm sóc thường xuyên, liên tục, có chủ đích thì bệnh có thể giảm thiểu hoặc khỏi.

Các nghiên cứu chậm phát triển gia đình tại Mỹ trong những năm 70 - 80 thế kỷ XX đã phát hiện ra rằng học sinh con em nhà nghèo hoặc trẻ em dân tộc thiểu số, con em dân tộc da màu có tỷ lệ chậm phát triển gia đình lớn hơn là trẻ em của các gia đình da trắng. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng, khi trẻ sống trong môi trường bị cô lập, không được giao tiếp ngôn ngữ và văn hóa thường có tỷ lệ mắc bệnh chậm phát triển gia đình cao hơn so với những đứa trẻ có môi trường sống hoạt động giao tiếp cởi mở tích cực. Một nghiên cứu khác ở bang Wisconsin, Mỹ, 1970 đã thực nghiệm cho nhóm trẻ của các bà mẹ có chỉ số IQ thấp hơn 75 được tạo điều kiện sống trong môi trường có giáo dục đặc biệt, có hướng dẫn các kỹ năng sống học tập, giao tiếp và được động viên, khích lệ học tập, đảm bảo cho hoạt động học tập có thành tích còn lớp đối chứng là con của các bà mẹ ở cùng khu vực, có IQ trên 100. Kết quả thu được là IQ của lớp thực nghiệm cao hơn lớp đối chứng 26 điểm.

Tỷ lệ trẻ người da đen bị bệnh chậm phát triển gia đình cao gấp 2,6 lần so với trẻ người da trắng. Trẻ em là con của mẹ ở tuổi vị thành niên có tỷ lệ bệnh chậm phát triển gia đình cao hơn so với các bà mẹ sinh ở tuổi bình thường. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em dân tộc thiểu số sống nghèo khổ có tỷ lệ mắc chứng bệnh chậm phát triển gia đình cao hơn các trẻ em sống ở môi trường khác. Từ đó cho thấy, vai trò to lớn của môi trường xã hội, những điều kiện hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển bệnh chậm phát triển gia đình ở trẻ nhỏ.

Các nguyên nhân của bệnh[sửa]

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên chậm phát triển gia đình, từ các bệnh di truyền trong gia đình, của bố, mẹ, đến các rối loạn gây ra bởi các yếu tố môi trường bên ngoài. Hiện nay, khi xem xét nguyên nhân của chậm phát triển gia đình, đa số các nhà nghiên cứu nhất trí coi đó là sự kết hợp của bốn loại yếu tố nguy cơ là: y sinh, xã hội, hành vi và giáo dục.

  1. Nguyên nhân trước khi sinh (trong quá trình phát triển thai nhi): a) Y sinh - có bất thường của nhiễm sắc thể, bất thường của Gen đơn, các hội chứng, bệnh của cha, mẹ hoặc tuổi của cha mẹ; b) Xã hội - suy dinh dưỡng của người mẹ, bạo lực trong gia đình, nghèo đói; c) Hành vi - thiếu chuẩn bị về nuôi dưỡng trẻ em một cách khoa học, thiếu chăm sóc y tế; d) Giáo dục - khiếm khuyết trong nhận thức của cha mẹ thiếu chăm sóc y tế.
  2. Nguyên nhân khi sinh: a. Y sinh - Sinh non, chấn thương khi sinh, rối loạn ở trẻ sơ sinh; b. Xã hội - Cha mẹ không chăm sóc trẻ sơ sinh đầy đủ; c. Hành vi - Cha mẹ bỏ rơi hoặc là không được chăm sóc chu đáo; d. Về giáo dục - Thiếu sự chăm sóc y tế ở bệnh viện nơi sinh.
  3. Nguyên nhân sau sinh: a) Y sinh - Chấn thương sọ não, dinh dưỡng kém, viêm màng não, rối loạn thần kinh và các bệnh thoái hóa; b) Xã hội - Quan hệ kém giữa cha và mẹ hoặc người chăm nuôi, thiếu sự nâng giấc, chiều chuộng ở nơi nuôi dưỡng, động viên từ phía gia đình. Mức sống của gia đình thuộc diện đói nghèo bệnh mãn tính trong gia đình; c) Hành vi - Bỏ rơi trẻ, bạo lực gia đình, các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ không phù hợp, bị sống cô lập hoặc bị ngược đãi; d) Về giáo dục - Thiếu giáo dục, chẩn đoán bệnh muộn, chăm sóc y tế kém, giáo dục người bệnh kém và thiếu hỗ trợ từ phía gia đình, xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Macmillan, A., Gresham, F., Conceptual and psychometric concerns about the 1992 AAMR Definition of mental retardation //American journal of mental retardation, № 100, 1989, pp. 87 - 97.
  3. Field, M. A., Sanchez, V. A., Equal Treatment for People with Mental retardation. Cambridge: Harvard University Press, 450, 1999.
  4. Edgerton, R. V., The hidden majority of individuals with mental retardation and intellectual disabilities, Baltimore: Brooks, 2001, pp. 3 - 21.