Chậm ngôn ngữ là một dạng rối loạn giao tiếp do năng lực ngôn ngữ của trẻ đạt được thấp hơn so với mức quy định chung cho từng lứa tuổi.
Chậm ngôn ngữ là khái niệm dùng để mô tả mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ theo các giai đoạn lứa tuổi, diễn ra chủ yếu từ 2 đến 7 tuổi, đôi khi kéo dài đến 17 - 18 tuổi. Khi bị chậm ngôn ngữ trẻ thường xuyên không nhớ tên gọi của những vật dụng xung quanh và dùng những từ thay thế như “cái đó” hay “cái ấy”; lẫn lộn những từ có liên quan với nhau. Ví dụ: như gọi “cái bàn” là “ghế”, gọi “thịt bò” là “thịt gà”; vô thức đảo các âm trong một từ, ví dụ “mèo con” thì đọc thành “mòn ceo”; thường xuyên quên từ và phải tự chế một từ khác để thay thế; nói những câu tối nghĩa hay sắp xếp từ ngữ trong câu sai thứ tự; dùng sai hoặc nói sai thành ngữ, tục ngữ; luôn hiểu mọi thứ theo đúng nghĩa đen nên không hiểu được những câu đùa ẩn ý; không thể tập trung khi nghe người khác nói, đặc biệt là khi có những tiếng ồn như tiếng ti vi, tiếng nhạc; không hứng thú khi nói chuyện, ngay cả khi nói chuyện với người nhà hay bạn bè thân thiết; không nhớ thông tin trong cuộc đối thoại vừa xảy ra. Ở hầu hết trẻ em bình thường, có mức phát triển ngôn ngữ bằng nhau trong cùng một nền văn hóa. Tuy nhiên, ở từng tiêu chí cụ thể, mức phát triển ngôn ngữ đạt được từ khi biết bập bẹ những từ đầu tiên, đến khi nói được những câu đầu tiên là khá khác nhau giữa các đứa trẻ. Về phong cách nói của chúng cũng khác nhau. Có đứa trẻ nói theo kiểu “cổ điển”, bắt đầu nói câu một từ, chẳng hạn như “xe tải”, sau đó tiến lên câu hai từ “ngã xe tải”, rồi đến câu ba từ “ngã xe tải của tôi”. Nhưng có đứa trẻ khác lại nói những câu bập bẹ, dài, khó hiểu, kiểu bắt chước âm điệu và nhịp điệu lời nói của người lớn. Kiểu đầu tiên được gọi là kiểu tham chiếu, vì nó liên quan tới sự chú ý đến tên của các đối tượng và mô tả sự kiện của đứa trẻ. Kiểu thứ hai được gọi là kiểu nói biểu cảm để mô tả, biểu lộ cảm xúc mà trẻ muốn thể hiện. Một đứa trẻ lớn lên với hai ngôn ngữ hoặc nhiều hơn thường chậm nói hơn một đứa trẻ nói một ngôn ngữ. CNN được phát hiện bằng cách so sánh sự phát triển ngôn ngữ của trẻ em với các mức phát triển được thống nhất quy định trong khoa học, từ sơ sinh đến 5 tuổi như sau: trẻ sơ sinh chưa có kỹ năng ngôn ngữ nào được phát triển, giao tiếp thông qua các hành động và âm thanh như nhăn mặt, khóc... Khoảng 2 tháng, trẻ sơ sinh có thể tạo ra những âm thanh ríu rít, lảnh lót hay bi bô. Khoảng 4 tháng, bé có thể đáp lại giọng nói. Khoảng 6 tháng, bé bắt đầu bập bẹ. Khoảng 9 tháng, trẻ bắt đầu nói được tiếng “mẹ” hoặc “bà”, có thể bắt chước từng từ một. Khoảng 12 tháng, trẻ mới biết đi, có thể nói một hoặc nhiều từ và có thể tạo ra hai từ có nghĩa. Khoảng 15 tháng trẻ bắt đầu tạo ra biệt ngữ. Khoảng 18 tháng, trẻ có thể tạo ra 10 từ và làm theo các lệnh đơn giản. Khoảng 24 tháng, trẻ bắt đầu sử dụng các từ “tôi”, “tôi” và “bạn”, biểu thị sự sở hữu. Khoảng 3 năm, trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ bằng số. Chậm ngôn ngữ thường được phát hiện rõ nhất khi trẻ đạt 18 tháng tuổi và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau, diễn ra đồng thời hoặc do bị ảnh hưởng bởi các dạng chậm phát triển khác.
Các triệu chứng chậm ngôn ngữ chung[sửa]
Sự phát triển ngôn ngữ của đứa trẻ chậm hơn những bạn khác cùng tuổi ít nhất một năm; không có khả năng làm theo hướng dẫn của người khác; khó khăn nghiêm trọng với cú pháp (đặt các từ trong một câu theo đúng thứ tự); khó khăn nghiêm trọng với việc phát âm, bao gồm cả việc thay thế, bỏ qua hoặc biến đổi một số âm thanh. Không quay đầu về phía âm thanh lúc 4 tháng tuổi. Không chỉ được ngón tay vào vật lúc 15 tháng tuổi. Không thể tạo ra khoảng 10 từ lúc 18 tháng tuổi. Bị câm. Không có khả năng hiểu, xử lý hoặc hiểu ngôn ngữ được nói cho trẻ lúc 3 tuổi.
Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ diễn đạt: bỏ mất chữ khi nói; nói sai thứ tự từ trong câu; khả năng dựng câu bị hạn chế; lặp lại câu hỏi khi suy nghĩ câu trả lời; giảm khả năng xây dựng một cuộc đối thoại; vốn từ vựng ít hơn so với những trẻ cùng trang lứa; giảm khả năng sử dụng từ ngữ và kết nối các câu để giải thích hoặc mô tả một cái gì đó; không xác định đúng thời gian xảy ra các hành động trong câu nói (ví dụ như “đang ăn” nói thành “đã ăn”).
Triệu chứng rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận: bé 18 tháng tuổi không thể làm theo những hướng dẫn đơn giản như “nhặt đồ chơi lên”, “ngồi xuống” hay “đi vào phòng”. Bé trên 30 tháng tuổi không trả lời những câu hỏi của người khác bằng lời nói hoặc bằng cách gật hay lắc đầu cũng là một dấu hiệu của rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận.
Các triệu chứng chậm ngôn ngữ liên quan tới các rối loạn tâm lý: Một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ với chỉ số IQ (chỉ số trí thông minh) thấp hơn 80 thường bị chậm ngôn ngữ. Chậm phát triển trí tuệ cũng có thể ảnh hưởng đến việc trẻ em học nói. Những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ thường không thể làm những việc sau: ghép các từ lại với nhau; nói thành câu hoàn chỉnh. Chúng có số lượng từ vựng ít, đơn điệu, chậm phát triển về mặt ngữ pháp. Trong cuộc trò chuyện hay nói lặp đi lặp lại, nói theo thói quen, ít thể hiện sự sáng tạo. Mức độ nghiêm trọng của chậm ngôn ngữ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chậm phát triển trí tuệ, cụ thể: chậm phát triển nhẹ (chỉ số IQ từ 52 - 68); chậm phát triển trung bình (chỉ số IQ từ 36 - 51); chậm phát triển nặng (chỉ số IQ từ 20 - 35); chậm phát triển sâu (chỉ số IQ nhỏ hơn 20). Chậm ngôn ngữ ở trẻ chậm phát triển trí tuệ khác nhau rất nhiều. Một số trẻ em bị suy giảm tâm lý nặng do mắc chứng não úng thủy hoặc hội chứng Williams có thể có được các kỹ năng ngôn ngữ đàm thoại đặc biệt. Một số trẻ em (được gọi là savants) được coi là chậm phát triển trí tuệ nhưng lại học ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như ngoại ngữ rất dễ dàng. Với hội chứng Down và một số rối loạn khác, chậm phát triển ngôn ngữ nặng hơn các chứng suy giảm trí tuệ khác. Yếu tố này có thể là do các đặc trưng trên khuôn mặt và lưỡi tương đối lớn của trẻ mắc hội chứng Down. Trẻ em mắc hội chứng Down cũng có nguy cơ cao bị suy giảm thính lực và nhiễm trùng tai gây mất thính lực.
Ở trẻ khiếm thính các triệu chứng chậm ngôn ngữ thường là nói bập bẹ ở độ tuổi lớn hơn bình thường; những từ đầu tiên xuất hiện khi đã hai tuổi trở lên; một đứa trẻ bị điếc nặng ở độ tuổi bốn hoặc năm chỉ nói được những câu có hai từ. Trẻ mắc chứng khó đọc gặp khó khăn trong việc tách các phần của từ và các từ đơn lẻ trong một nhóm từ. Các triệu chứng của chứng khó đọc có thể bao gồm phát âm kém, khó khăn trong việc xác định âm trong từ, trộn âm hoặc ghép vần, khó đặt âm thanh theo đúng thứ tự, do dự trong việc lựa chọn từ ngữ. Một đứa trẻ bị khuyết tật về khả năng học tập thường có biểu hiện phát triển ngôn ngữ không đồng đều. Ngoài ra, khoảng 50% trẻ tự kỷ không bao giờ biết nói, số trẻ nói được thường bị chậm phát triển ngôn ngữ nghiêm trọng; có thể sử dụng từ theo những cách khác thường; hiếm khi tham gia vào các cuộc đối thoại tương tác và thường nói với một nhịp điệu hoặc cao độ bất thường. Diễn ngôn của một số trẻ tự kỷ có chất lượng giọng kém.
Những đứa trẻ bị mù từ khi sinh ra thường khó khăn trong phát triển ngôn ngữ. Trẻ em bị mù bẩm sinh chậm nói trung bình khoảng 8 tháng. Trẻ em mắc chứng mất ngôn ngữ diễn đạt không nói được ở độ tuổi bình thường mặc dù chúng có khả năng hiểu và phát âm được. Trẻ bị tổn thương ở vùng ngôn ngữ trên não bị chậm phát triển ngôn ngữ ban đầu nhưng chúng bắt kịp chuẩn phát triển ở độ tuổi hai hoặc ba mà không có sự thiếu hụt đáng kể. Trẻ bị bệnh Apraxia (mất điều khiển lời nói chủ ý) ảnh hưởng đến khả năng thiết lập trình tự và phát âm các âm thanh, âm tiết và từ. Ngoài chậm phát triển ngôn ngữ, apraxia thường gây ra các rối loạn ngôn ngữ diễn đạt khác.
Có nhiều nguyên nhân gây ra chậm ngôn ngữ ở trẻ, trước hết là các nguyên nhân thực thể như: thiểu năng trí tuệ, chậm trưởng thành, khiếm thính, chứng khó đọc, khuyết tật học tập, bại não, tự kỷ, rối loạn phát triển, mù bẩm sinh, tổn thương não, hội chứng Klinefelter, do suy dinh dưỡng, tổn thương não hoặc các yếu tố di truyền, chứng ngưng nói ở thời thơ ấu… Suy giảm thính lực là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây chậm phát triển ngôn ngữ. Những nguyên nhân môi trường: do đứa trẻ đang tập trung vào phát triển một số kỹ năng khác, chẳng hạn như đi bộ hơn là phát triển ngôn ngữ; đứa trẻ của cặp song sinh hoặc anh chị em trong độ tuổi sát nhau; đứa trẻ có những anh chị em nói tốt, nói nhiều đến mức đứa trẻ không có nhu cầu nói hoặc không có cơ hội nói; đứa trẻ ở trong tình trạng nhà trẻ với quá ít người lớn để có thể quan tâm đến phát triển ngôn ngữ của từng cá nhân; đứa trẻ được chăm sóc bởi một người không nói tiếng mẹ đẻ; đứa trẻ nói song ngữ hoặc đa ngôn ngữ, học hai hoặc nhiều ngôn ngữ đồng thời; những đứa trẻ bị thiếu môi trường tâm lý xã hội thuận lợi, nghèo đói, suy dinh dưỡng, nhà ở tồi tàn, bị bỏ rơi, không được khuyến khích nói, bị căng thẳng cảm xúc; bị bạo hành, cha mẹ ngược đãi, bỏ bê con cái và không thường xuyên giao tiếp với chúng bằng lời nói. Để chẩn đoán chậm ngôn ngữ trẻ cần phải được khám sức khỏe toàn diện và xem xét lịch sử phát triển kỹ lưỡng, đặc biệt chú ý đến các mốc phát triển ngôn ngữ. Phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ chậm ngôn ngữ có thể giúp ngăn ngừa nảy sinh các vấn đề xã hội, nhận thức và tình cảm. Việc điều trị chứng chậm ngôn ngữ được áp dụng cho từng trẻ với mục tiêu chính là dạy trẻ các chiến lược để hiểu ngôn ngữ nói và tạo ra hành vi ngôn ngữ hoặc giao tiếp phù hợp.
Một số biện pháp phòng ngừa chậm ngôn ngữ[sửa]
Hiện nay chưa có biện pháp ngăn chặn nào hữu hiệu cho tất cả các trường hợp chậm ngôn ngữ. Tuy nhiên, thực hiện chăm sóc trước khi sinh và dinh dưỡng tốt trong thời kỳ mang thai và thời thơ ấu có thể giúp ngăn ngừa một số chậm ngôn ngữ diễn đạt. Đối với những trẻ khiếm thính, nếu được sử dụng ngôn ngữ ký hiệu ở nhà có thể không bị chậm phát triển ngôn ngữ ký hiệu. Cha mẹ, người chăm sóc và giáo viên của trẻ chậm phát triển ngôn ngữ cần điều chỉnh lời nói của họ theo trình độ phát triển ngôn ngữ của trẻ; sử dụng ngôn ngữ nhất quán; sử dụng ngôn ngữ có ý nghĩa; lặp lại các từ, cụm từ, câu và câu chuyện; sử dụng phương pháp dạy nói theo nhóm nhỏ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Sabo, D. L.; Kurs-Lasky, M., Risk factors for speech delay of unknown origin in 3-year-old children (PDF), Child Development, 74 (2), 2002, pp. 346 - 357.
- McLaughlin, Maura R., Speech and Language Delay in Children, American Family Physician, 83 (10), 2011, pp. 1.183 - 1.188.
- Beitchman, J., & Brownlie, E. B., Language disorders in children and adolescents, Cambridge, MA: Hogrefe & Huber, 2014.
- Chang, Kate Wan-Chu; Yang, Lynda J.S.; Driver, Lynn; Nelson, Virginia S., High Prevalence of Early Language Delay Exists Among Toddlers With Neonatal Brachial Plexus Palsy, Pediatric Neurology, 51 (3), 2014.
- Akpan, N., Toddler's Screen Time Linked to Slower Speech Development, PBS. PBS. Retrieved 1 December 2018.