Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chầu văn

Chầu văn là một loại hình âm nhạc cổ truyền có kết hợp với diễn xướng (múa, lên đồng), phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, có khởi nguồn chức năng chính của nó là chầu thánh, phục vụ các nghi lễ trong tôn giáo tín ngưỡng ở những đền, miếu, phủ thờ Mẫu. Vì thế, chầu văn ban đầu được xem là loại hình âm nhạc nghi lễ, âm nhạc tín ngưỡng.

Nguồn gốc[sửa]

Lien2.jpeg

Rất khó để truy nguyên nguồn gốc lịch sử của một loại hình nghệ thuật cổ truyền nói chung và chầu văn nói riêng. Các nhà nghiên cứu chầu văn từ góc độ âm nhạc, dân tộc học, văn hoá học , văn học…đề xuất rằng việc tìm hiểu nguồn gốc, sự hình thành của chầu văn nên được xem xét bằng cách kết hợp nhiều phương pháp và sử dụng các tư liệu khác nhau bao gồm những tư liệu từ văn bia, sách vở, nội dung của các bài văn chầu, các truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian và qua lời kể của các nghệ nhân hát chầu văn. Những ghi chép về chầu văn trong sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn kể rằng thời Trần có lối hát trước mặt các đế vương gọi là hát chầu. Tuy nhiên, ghi chép này không đủ căn cứ để khẳng định về việc chầu văn ra đời cụ thể là từ thời kỳ nhà Trần hay trước đó. Giả thuyết từ những câu chuyện dân gian về nguồn gốc của chầu văn thì có nhiều, trong đó có 6 giả thuyết chính như: chầu văn ra đời từ việc thờ Đức Thánh Trần; từ khi có tục thờ Liễu Hạnh công chúa; từ lối hát của nhà chùa mà ra; từ những điệu hát của Thượng ngàn công chúa; từ những khúc hát làm đẹp lòng Mẫu Thoải và từ cách thưởng thức, giải trí ca nhạc của các vương tôn, công tử con vua chúa và các quan. Thời điểm ra đời của chầu văn có sự dịch chuyển theo mỗi giả thuyết. Chẳng hạn, từ giả thuyết cho rằng người xưa đã soạn ra một lối hát chầu trước bàn thờ Trần Hưng Đạo để hầu bóng Ngài, nhìn vào thời điểm sinh tử của nhân vật lịch sử hoá thánh này có thể suy luận chầu văn ra đời sau thời điểm thế kỉ XIII. Đáng chú ý, có nhiều giả thuyết cho thấy sự tương đồng trong việc chỉ ra thời điểm ra đời của chầu văn là từ thời kỳ hậu Lê (tức từ thế kỉ XV trở đi). Ví dụ, giả thuyết cho rằng hát chầu văn ra đời từ sinh hoạt ca nhạc của các vương tôn công tử, con cháu các vua chúa và quan lại xưa kia cho thấy lịch sử ra đời của chầu văn là từ thời kỳ nhà Lê, nhất là từ thời Lê Thánh Tông trở đi. Việc cho rằng, chầu văn là những bài hát chầu nói lên uy danh của Mẫu Liễu Hạnh và thỉnh Người về phù hộ cho con nhang đệ tử cũng cho thấy thời điểm ra đời của chầu văn là thế kỉ XVI-XVII trùng với thời điểm sinh hoá của “Mẫu nghi thiên hạ” và sự hưng thịnh của tục thờ nhân vật này. Giả thuyết chầu văn là lối hát từ nhà chùa mà ra cũng cung cấp thông tin các thầy cúng kiêm nghề cung văn đã vận dụng lối hát của nhà chùa, cải biên nhạc điệu và đặt lời cho phù hợp với việc chầu các ông hoàng bà chúa là từ thời Hậu Lê. Ngoài ra, nhìn từ góc độ văn học, các bài văn chầu cổ truyền được làm chủ yếu là thể lục bát, lục bát biến thể và song thất lục bát, những thể loại này được xác định ra đời vào đầu thời kỳ hậu Lê, khoảng thế kỉ XV. Như vậy, đến nay, dù chưa có sự thống nhất về nguồn gốc ra đời của chầu văn, nhưng dấu tích Hậu Lê trong loại hình âm nhạc truyền thống này là khá sâu đậm. Hậu Lê cũng là thời kỳ xuất hiện và hưng thịnh của nhiều hình thức diễn xướng dân gian.

Chức năng[sửa]

Chức năng cơ bản của chầu văn cổ truyền là phục vụ nghi lễ tín ngưỡng. Bản thân khái niệm “chầu văn” đã nói lên chức năng và mục đích sử dụng của nó, về việc nó được hát trước bàn thờ/ban thờ để chầu thánh, cụ thể là các thánh trong hệ thống tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ của người Việt. Đối tượng “chầu” trong các giá văn cổ truyền không phải là một thần, càng không phải chỉ là thần linh có gốc gác người Việt mà là một hệ thống phong phú, đa dạng về dân tộc và vùng miền bao gồm các vị nữ thần trong tín ngưỡng được dân gian cho là cai quản các vùng miền trong trời đất; các nhân vật lịch sử đã được hoá thánh; những người có công đối với đất nước như các Thánh Mẫu (Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa), các tứ phủ chầu bà (từ chầu đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ…cho đến chầu bé), ngũ vị tôn ông (quan đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ và đệ ngũ), mười ông Hoàng, các Cô, các Cậu; và đặc biệt là các văn chầu Đức Thánh Trần và Liễu Hạnh công chúa. Những vị thánh được chầu này phần lớn được sắc phong vào thời kỳ Hậu Lê. Nói cách khác, chầu văn cổ truyền là một loại nhạc nghi lễ. Để thực hiện chức năng phục vụ nghi lễ, chầu văn không phải là một thực thể riêng lẻ, bản thân nó được kết hợp với diễn xướng hầu đồng- một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị thánh Tam Tứ phủ vào thân xác các ông bà đồng nhằm phán truyền, chữa bệnh và ban phúc lộc cho con người có một cuộc sống hiện sinh yên ấm. Trong tổng thể diễn xướng dân gian đó, chầu văn thực hiện chức năng của mình là thỉnh mời thánh nhập vào người hầu đồng; ngợi ca, tán thán sắc đẹp, công lao, sự uy linh của các thánh; và tiễn thánh hồi cung. Trong quan niệm của các tín đồ thờ Mẫu, chầu văn còn thực hiện nhiều hơn những chức năng đó, chầu văn như một phương thức hữu hiệu thúc đẩy sự thăng hoa cho việc giao tiếp giữa người hầu đồng với các vị thánh tối linh của họ. chầu văn với các giai điệu và lời ca đầy sức truyền cảm hứng còn có khả năng to lớn trong việc kết nối và tạo nên sự cộng cảm giữa những người cùng thực hành nghi lễ. Có thể nói, các chức năng này đã chi phối và làm cho chầu văn có đặc điểm khác về nội dung, thể loại, làn điệu, không gian diễn xướng… so với các loại hình âm nhạc cổ truyền khác.

Nội dung[sửa]

Sinh ra trong môi trường tín ngưỡng nên nội dung của các bài chầu văn liên quan đến các vị thánh. chầu văn kể về sự tích, nguồn gốc xuất thân, hành trạng và công lao, sự hiển linh và uy quyền của các vị thánh, rất nhiều đoạn trong các bài chầu văn là sự miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên đất nước làm phông nền cho sự xuất hiện thiêng liêng vừa oai phong lại vừa hiền hậu và gần gũi của các Mẫu, các Chầu bà, các Cô, các Quan, các ông Hoàng, các Cậu... Người xưa đã dành tặng cho mỗi một vị thánh một bài chầu văn khác nhau với những nội dung ngợi ca khác nhau tương ứng với những tưởng tượng của họ về cuộc đời và những công lao của vị thánh đó đối với dân tộc. Tuy vậy, khi chầu văn được cất lên trước bàn thờ thánh để phục vụ nghi lễ hầu đồng, kết cấu dễ nhận thấy của mỗi bài chầu văn có sự tương đồng. Phần mở đầu bao giờ cũng là hát thỉnh mời thánh về nhập vào ông đồng bà đồng, khi thánh đã nhập, chầu văn được cất lên để kể về sự tích và công lao của vị thánh đó và kết thúc bài bao giờ cũng là “xe loan thánh giá hồi cung” khi thánh thăng, thoát ra khỏi “cái ghế”, “cái giá”- người hầu đồng.

Sự đa dạng[sửa]

Các làn điệu chầu văn rất đa dạng, ít có một loại hình âm nhạc truyền thống nào có nhiều làn điệu đến thế. Các nhà nghiên cứu âm nhạc học đã chỉ ra 40 làn điệu chính và những làn điệu biến tấu có trong chầu văn như Bỉ, Miễu, Thổng, Phú (có nhiều loại Phú), Dọc, Cờn (có nhiều loại Cờn), Xá, Chèo đò, Bỏ bộ, Lưu thủy, Kim tiền…Mỗi một làn điệu có đặc điểm riêng về tiết tấu, giai điệu, trường độ, cao độ và sự hoà trộn giữa chúng cho phép chầu văn diễn tả một cách tinh tế những cung bậc cảm xúc và thể hiện tính cách cũng như tâm trạng của các vị thánh Tam tứ phủ một cách chân thực. Hát Dọc cởi mở, phóng túng, có cả vui lẫn buồn; Mưỡn giãi bày sự trang nghiêm, gan dạ, cả quyết nhưng có lúc lại tỉa tót, dịu dàng, nỉ non; Phú chênh nhắc nhở, nhớ nhung…Điều đặc biệt là, chầu văn đã tích hợp trong mình rất nhiều làn điệu của các thể loại âm nhạc truyền thống khác ở nhiều miền quê trên đất nước Việt Nam. Trong chầu văn có các làn điệu của dân ca đồng bằng Bắc Bộ (như làn điệu Sa mạc, cò lả, trống quân…); âm hưởng của âm nhạc thính phòng (như các điệu Hành vân, Ngũ đối, Kim tiền, Lưu thuỷ…), âm hưởng của tuồng, chèo, âm hưởng dân ca quan họ; dân ca Huế; dân ca Mường, Thái (như điệu Xá); thậm chí dân ca của Tây Nguyên (điệu Xê Đăng)…Sự tiếp thu trong mình rất nhiều làn điệu của các thể loại âm nhạc truyền thống khác đã khiến cho chầu văn có khả năng lan toả và ăn sâu bám rễ ở nhiều vùng miền của cả nước. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa chầu văn với các thể loại âm nhạc truyền thống khác như dân ca quan họ chủ yếu ở vùng Kinh Bắc, chèo là đặc sản của vùng châu thổ sông Hồng, tuồng có gốc xa xưa ở Nam Bộ sau này thịnh hành ở Trung Bộ. Vượt ra khỏi không gian địa lý, văn hoá được coi là “lãnh địa” của chúng, các làn điệu dân ca này có ít có đất để phát triển. Song, chầu văn đã theo chân người Việt và tín ngưỡng Tam phủ Tứ phủ, từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ vượt qua đèo Ngang vào Trung Bộ, Nam Bộ và cũng phát triển tương đối mạnh ở những vùng đất này.

Người biểu diễn[sửa]

Những người hát chầu văn được gọi là cung văn. Theo nghĩa đen của từ này, “cung văn” có nghĩa là lắng nghe một cách cung kính. Cung văn hầu hết là nam giới, trường hợp là nữ rất hiếm. Những người cung văn thường tập hợp thành một nhóm tập luyện chầu văn với nhau và phân công công việc khi phục vụ tại các buổi hầu đồng. Người cung văn vừa hát vừa chơi nhạc cụ. Có năm loại nhạc cụ cơ bản được sử dụng trong hát chầu văn là đàn nguyệt, cảnh, phách, trống và thanh la. Trong một buổi hầu đồng bình thường, một cặp cung văn gồm hai người (người đàn, người gõ) được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, ở các buổi hầu đồng có quy mô lớn hơn, số lượng cung văn cũng đông đảo hơn; nhiều nhạc cụ như sáo, thập lục, nhị, trống cái, trống con, chuông, mõ được đưa vào tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ của âm nhạc. Ở một số tỉnh phía Nam người ta còn đưa cả kèn bàn vào dàn nhạc hát chầu văn. Cung văn cũng có thể chỉ có một người, họ vừa đàn vừa hát hoặc vừa gõ vừa hát, nhưng trường hợp này rất hạn hữu. Để có thể phục vụ tốt cho buổi hầu đồng, cung văn không chỉ hát ngọt đàn hay, bản thân họ còn phải nắm vững các trình tự và lề lối của nghi lễ hầu đồng, phối hợp một cách nhịp nhàng với điệu múa, hành động diễn xướng, dâng cúng, phán truyền, phát lộc…của người hầu đồng. Nói chung, họ phải ứng tác một cách linh hoạt và tinh tế trong suốt buổi thực hành nghi lễ.

Phân loại[sửa]

Chầu văn có thể được chia thành nhiều thể loại dựa trên những tiêu chí khác nhau. Từ góc độ mục đích sử dụng, chầu văn được chia làm ba loại: hát thờ, hát thi và hát hầu bóng. Hát thờ là loại hát nghi lễ thường xuất hiện trước khi lên đồng, ngày tiệc, đầu rằm, mồng một, tất niên, đầu hạ, tán hạ…mở đầu cho hát văn thờ bao giờ cũng là hát văn Công Đồng- một điệu hát nhằm thỉnh các vị thánh tới chứng giám cho cuộc lễ và kết thúc là hát văn tạ còn gọi là hát chầu thủ đền nhằm tỏ lòng thành kính với các vị thánh. Hát văn thi thường được tổ chức vào tháng ba âm lịch (tiệc Mẫu ở Phủ Giày), tháng tám âm lịch (tiệc Trần Triều)…với mục đích vừa tạo nên không khí đua tài tưng bừng sôi nổi trong các ngày lễ lớn của tín ngưỡng Tứ phủ, vừa khẳng định tài năng nhiều mặt của các cung văn. Các bản văn Mẫu như Bóng trăng loan, Văn Mẫu Thoải, Văn Trần Hưng Đạo, Văn Vua Cha Bát Hải…chính là những bản chầu văn được sử dụng nhiều nhất trong các cuộc thi. Hát hầu bóng- tức hát chầu văn trong các buổi hầu đồng. Hình thức hát này xuất hiện gần như tất cả các làn điệu hát chầu văn hiện có và thông thường kéo dài từ vài chục phút đến năm, sáu tiếng. Từ góc độ vùng miền, có thể chia thành ba loại chầu văn: Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Ở mỗi vùng miền, chầu văn mang một sắc thái riêng về làn điệu, về nhạc cụ được sử dụng, chứa đựng trong nó những chất liệu của tín ngưỡng, phong tục, văn hoá và cả chất giọng của người dân địa phương. Ví dụ, nhịp điệu chầu văn miền Trung phong phú hơn chầu văn miền Bắc, bởi nó thu dụng cả những làn điệu hát của loại Yến nhạc trong cung đình, điệu Thượng (tức nhạc của Cao Nguyên), nó chuyển qua nhiều hệ thống ngũ cung. chầu văn ở miền Trung (đặc biệt ở Huế) thường có nhịp điệu nhanh, ít có những làn điệu khoan thai, đĩnh đạc như ở miền Bắc và mặc dù đàn nguyệt vẫn là nhạc cụ chủ yếu nhưng trong nhóm nhạc cụ bộ gõ, mõ xuất hiện và được sử dụng rất nhiều. chầu văn ở Nam Bộ (cụ thể ở thành phố Hồ Chí Minh) ảnh hưởng bởi các làn điệu cải lương và dân ca ở đây, kèn bầu- nhạc cụ bị kiêng trong chầu văn ở miền Bắc lại thấy xuất hiện trong chầu văn ở Nam Bộ. Chỉ riêng ở miền Bắc, chầu văn cũng có sự khác nhau giữa các tỉnh thành và được chia thành hai phong cách: chầu văn Nam Định và chầu văn Hà Nội, Hải Phòng. Theo các nhà âm nhạc học, chầu văn Nam Định thiên về chất giọng hoang sơ, thô mộc, dân giã, không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật nảy hạt trong thanh nhạc cổ truyền; trong khi đó chầu văn Hà Nội và Hải Phòng lại sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm, đó là một phong cách hát tập trung nơi phồn hoa đô hội.

Không gian diễn xướng[sửa]

Là thể loại âm nhạc nghi lễ, không gian diễn xướng chầu văn cổ truyền gắn liền với các thiết chế tín ngưỡng như đình, đền, phủ, miếu…-nơi ngự trị của các nữ thần, mẫu thần và các vị thần linh trong Tam Tứ phủ. Ở miền Bắc, chầu văn được diễn xướng nhiều ở các đền phủ như Phủ Giày (Nam Định), Đền Trần (Nam Định), lan toả ra khắp các các đền, phủ ở Lạng Sơn (đền Bắc Lệ), Hải Dương (đền Kiếp Bạc), Thanh Hoá (đền Sòng), đi dần vào các tỉnh phía Nam. Trong một số chùa, đặc biệt là các chùa có ban thờ/bàn thờ Mẫu, chầu văn cũng được thực hành bên cạnh hình thức diễn xướng ca hát của nhà chùa như “chèo nhà Phật”, hát kể hạnh, múa hát lục cúng…Đáng chú ý, ở Huế đặc biệt từ thời kỳ vua Đồng Khánh, không gian diễn xướng của chầu văn không chỉ trong các thiết chế sinh hoạt tín ngưỡng mà còn thâm nhập vào chốn cung đình, quyền quý để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức của vua chúa, quan lại, quý tộc. chầu văn cũng được diễn xướng rất phổ biến tại các điện thờ Mẫu tư nhân hiện nay.

Cùng với sự hồi sinh của tín ngưỡng thờ Mẫu và hầu đồng, trong xã hội đương đại hiện nay, chầu văn có sự phát triển mạnh mẽ và bản thân nó cũng có nhiều biến đổi. Từ một loại hình âm nhạc nghi lễ với môi trường diễn xướng ở các thiết chế tâm linh, phục vụ cho việc thờ phụng các thánh, chầu văn được đưa lên sân khấu của đời sống hàng ngày, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật rất trần tục của con người. Năm 1962, lần đầu tiên một tiết mục chầu văn có tiêu đề “Nam Định quê tôi” do nhà văn Chu Văn sáng tác được đưa lên sân khấu tại rạp Hồng Hà ở thủ đô Hà Nội. Nhiều đoàn văn công ở các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình…đã xây dựng các tiết mục chầu văn cho các diễn viên độc tấu, song tấu hoặc các tốp ca trình diễn trên sân khấu đưa tới sự nổi danh của rất nhiều nghệ sĩ như nghệ sĩ ưu tú Kim Liên và nghệ sĩ ưu tú Thế Tuyền. Bởi thế, nội dung của các bài chầu văn cũng có sự thay đổi nhằm ca ngợi quê hương đất nước, sự anh dũng của con người và những chiến thắng của người Việt Nam trong sự nghiệp chống giặc cứu nước. Việc đặt lời mới cho các làn điệu chầu văn càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây mà nội dung chủ yếu của nó cập nhật những vấn đề có tính thời sự của đất nước, ca ngợi những con người mới, mừng đất nước Đổi mới, mừng những thành tựu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, chầu văn còn được trình diễn như một loại hình nghệ thuật thu hút khách du lịch. chầu văn cũng được đưa ra sân khấu nước ngoài như một trong những biểu tượng về bản sắc, góp phần giới thiệu những tinh tuý đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam mà sự kiện đánh dấu cho lần đầu tiên “xuất ngoại” của chầu văn là việc Đoàn nghệ thuật Việt Nam đem tiết mục Ba giá đồng đi biểu diễn ở nước ngoài năm 1996. Điều đặc biệt là, chầu văn gắn liền với nghi lễ lên đồng trong hệ thống toàn vẹn các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Unesco ghi danh vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại vào năm 2016. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chầu văn hiện nay đang có những biến tướng theo hướng thương mại hoá và hiện đại hoá, nhất là trong bối cảnh khi mà hát chầu văn phục vụ nghi lễ hầu đồng, phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch đã và đang trở thành một nghề kiếm tiền.

Ý nghĩa[sửa]

Với việc không chỉ thực hành trong môi trường diễn xướng là các đền, điện phủ thờ Mẫu mà còn bước lên sân khấu đời thực, độc lập với nghi lễ hầu đồng, chầu văn đang chứng tỏ sức sống và sự lan toả mạnh mẽ, chứng tỏ chức năng và giá trị ngày càng to lớn của nó. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong thực hành nghi lễ tín ngưỡng, chầu văn ngày nay còn đáp ứng nhu cầu giải trí của con người. chầu văn cũng là một loại hình di sản văn hoá thể hiện bản sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và có giá trị trong đời sống kinh tế, nhất là kinh tế du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Văn Ty, Bước đầu tìm hiểu âm nhạc chầu văn trong tín ngưỡng Mẫu Liễu, tạp chí Văn học, Số 5, tr63-65, 1992.
  2. Thanh Hà, Âm nhạc hát văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1996.
  3. Bùi Đình Thao, Nguyễn Quang Hải, Hát chầu văn, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1996.
  4. Barley Norton, Lên đồng Việt Nam: cấu tạo âm nhạc của thần thánh, in trong Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb KHXH, Hà Nội, tr310-335, 2004.
  5. Bùi Trọng Hiền, Nghệ thuật hát văn và tín ngưỡng Tứ phủ, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 2, tr41-54, 2007.
  6. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu (100 bài hát văn), Nxb KHXH, Hà Nội, 2007.
  7. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.
  8. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.
  9. Ngô Thị Hồng Dung, Âm nhạc hát chầu văn ở Hà Nội, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2017