Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chất đồng đẳng

Chất đồng đẳng (tiếng Anh homologous compound) là những chất có tên tương tự, nối tiếp nhau theo một quy luật nhất định. Trong hóa học hữu cơ chất đồng đẳng là những chất cùng tuân theo một quy luật trong cấu trúc phân tử, phân biệt nhau qua một đơn vị cấu trúc đơn giản nhất định và có thể được biểu diễn bằng một công thức khái quát chung.

Ví dụ:

  • các hợp chất khác nhau trong dãy đồng đẳng alkan được biểu diễn bằng công thức CnH2n+2, các chất trong dãy này phân biệt nhau bởi một nhóm methylen (-CH2-) như methan (CH4), ethan (C2H6), propan (C3H8), v.v.
  • các alcohol bậc một, mạch thẳng no (1-alcanol), các acid carboxylic mạch thẳng, no (alcanoic acid).
  • các acid amin đồng đẳng, ví dụ: cystein, homocystein.
  • chất đồng đẳng vô cơ bao gồm các acid phosphoic, các acid silisic và các chất phospho nitrilic chlorid.

Có thể những nguyên tố đứng dưới nhau trong bảng hệ thống tuần hoàn có những tính chất rất giống nhau cũng được gọi là các nguyên tố đồng đẳng.

Trong một dãy đồng đẳng thì tính chất hóa học của các chất đồng đẳng cơ bản là tương tự nhau và tính chất vật lý thay đổi theo cách thức liên tục và có thể dự đoán được.

Quy luật[sửa]

I.G.Zakewvich đã đưa ra một phương trình hồi quy tuyến tính để có thể dự đoán các thông số của các chất đồng đẳng trong một dãy đồng đẳng hữu cơ như điểm sôi dưới áp suất khí quyển, nhiệt độ tới hạn, áp suất tới hạn, chỉ số khúc xạ, tỷ trọng tương đối, độ nhớt, sức căng bề mặt, áp suất hơi bão hòa, hằng số điện môi v.v. phương trình đó là:

A(n + 1) = a A(n) + b

Phương trình này nêu lên mối tương quan giữa tính chất hoặc thông số vật lý của bất kỳ chất nào trong một dãy đồng đẳng so với tính chất hoặc thông số vật lý tương ứng của chất đồng đẳng đứng trước nó. A là tính chất hoặc thông số vật lý nào đó của một chất trong một dãy đồng đẳng hữu cơ, A(n) là tính chất hoặc thông số đó của chất đồng đẳng đứng trước nó; a, b là hai hệ số được tính toán và thu nhận được theo phương pháp bình phương tối thiểu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Brockhaus ABC Chemie, VEB F. A. Brockhaus Verlag Leipzig 1966, 551.
  2. The New Encyclopedia Britannica, 1998, vol.6, P.29 (printed in USA).
  3. I.G.Zenkewich, General Relations Holding in Variation of Physical Properties of Orgnic Compounds within Homologous Series, Russian Journal of Organic Chemistry, 2006, Vol.42, No.1, pp 1-11.