Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chấn thương tâm lý

Chấn thương tâm lý những tổn thương về tinh thần và cảm xúc do một hoặc nhiều sự kiện gây ra căng thẳng quá mức vượt quá khả năng của con người để đối phó hoặc tích hợp các cảm xúc liên quan, cuối cùng dẫn đến hậu quả tiêu cực nghiêm trọng, lâu dài. Những người khác nhau có xu hướng phản ứng khác nhau với cùng một sự kiện đau buồn; một số người sống sót có thể bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD - Post-traumatic stress disorder), một số có thể có phản ứng stress có giới hạn thời gian và những người khác có thể không bị ảnh hưởng.

Dịch tễ học[sửa]

Các sang chấn tâm lý rất khác nhau về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong dân số nói chung, Bắc Mỹ có 50-90% người dân trải qua chấn thương tâm lý vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng chỉ 7-8% bị PTSD hoặc hội chứng phức tạp sau chấn thương (C-PTSD Complex-post-traumatic stress disorder); 15-25% phụ nữ ,5-15% nam giới bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu. Khoảng 25% số nam và nữ đến Iraq, Afghanistan và trong Chiến tranh vùng Vịnh đã hoặc vẫn đáp ứng các tiêu chí về ASD hoặc PTSD.

Sang chấn tâm lý có hoặc không liên quan đến chấn thương thể chất. Chấn thương thể chất gây tổn thương vĩnh viễn các giác quan hoặc các chức năng khác của cơ thể hoặc dẫn đến biến dạng (đặc biệt là ở mặt), có nhiều khả năng để lại di chứng tâm lý hơn những chấn thương hồi phục hoàn toàn.

Rối loạn stress sau sang chấn và rối loạn stress cấp[sửa]

Là hai trong số những rối loạn phổ biến hơn liên quan đến stress. Mặc dù các tình trạng bệnh khác nhau, chúng có chung một số triệu chứng tương tự, bao gồm:

  • Hồi tưởng hoặc những cơn ác mộng tái diễn về sự kiện đau buồn
  • Né tránh những người, địa điểm hoặc những thứ có thể khơi dậy ký ức về sự kiện
  • Một trạng thái kích thích liên tục, đặc biệt là tình trạng cáu kỉnh, lo lắng, mất ngủ, thiếu tập trung và hay giật mình
  • Tách biệt với mọi người hoặc môi trường xung quanh

Tuy nhiên cũng có môt số khác biệt giữa hai rối loạn này: Thời gian ASD xuất hiện sau chấn thương sớm hơn, lâm sàng nặng nề hơn, với trạng thái bất động hoặc kích động, kéo dài vài giờ đến vài tuần không quá 2 tháng, điều trị tốt sẽ khỏi hoàn toàn. Còn PTSD xuất hiện muộn hơn nhưng không muộn hơn 2 tháng và thường kéo dài dưới 6 tháng, nhiều trường hợp kéo dài trở thành mạn tính.

Rối loạn sự thích ứng[sửa]

Nổi bật là các rối loạn về khí sắc, bệnh nhân buồn rầu, lo lắng, cảm thấy không có khả năng đối phó hoàn cảnh, không thể thực hiện kế hoạch đã đề ra hoặc thực hiện công việc hiện tại. Rối loạn này thường không kéo dài quá 6 tháng.

Rối loạn phân ly[sửa]

Các rối loạn phân ly hay phát sinh ở tuổi trẻ, nữ nhiều hơn nam. Trong các điều kiện không thuận lợi về tinh thần cũng như thể chất, các rối loạn có thể phát thành "dịch" trong một tập thể. Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của các rối loạn phân ly rất đa dạng, có thể là các triệu chứng cơ thể, các triệu chứng về thần kinh, tâm thần, có thể giống rất nhiều loại bệnh khác nhau mà lại chẳng giống bệnh nào. Không có sự phù hợp giữa biểu hiện lâm sàng và (không có) các tổn thương cơ thể.

Rối loạn dạng cơ thể[sửa]

Rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorder), là rối loạn tâm thần đa dạng, biểu hiện chủ yếu bằng các triệu chứng cơ thể, mặc dù không có cơ sở thực tổn nhưng bệnh nhân không thừa nhận các nguyên nhân tâm lý của chúng. Rối loạn này thư¬ờng bắt đầu ở những ng¬ười trẻ tuổi và ngư¬ời trưởng thành. Các triệu chứng khởi đầu có liên quan chặt chẽ với các chấn thương tâm lý. Lâm sàng là một hội chứng ổn định, đơn độc và thư¬ờng gặp ở nữ giới nhiều hơn. Tiên lư¬ợng và điều trị gặp rất nhiều khó khăn, thư¬ờng hay nhầm lẫn với các rối loạn phân ly và rối loạn nghi bệnh.

Chấn thương phức tạp (Complex trauma)[sửa]

Chấn thương phức tạp là một thuật ngữ có hai nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào việc nó được áp dụng cho trẻ em hay người lớn. Chấn thương phức tạp ở trẻ em có thể là liên tiếp hoặc đồng thời và có thể bao gồm ngược đãi về mặt tâm lý, bỏ bê, lạm dụng thể chất và tình dục, bạo lực gia đình. Loại stress này là mãn tính, bắt đầu từ thời thơ ấu và xảy ra trong hệ thống chăm sóc chính. Rối loạn chấn thương phát triển (DTD-developmental trauma disorder) dường như ngày càng được sử dụng nhiều hơn như một từ đồng nghĩa với chấn thương phức tạp ở trẻ em.

Chấn thương phức tạp đôi khi cũng được sử dụng để mô tả một tình trạng ở người lớn được gọi chính xác hơn là PTSD phức tạp hoặc C-PTSD. Tâm lý phân mảnh; mất cảm giác an toàn, tin cậy, giá trị bản thân và các hình thức gắn bó không an toàn hoặc vô tổ chức với người khác là các triệu chứng phân biệt rõ ràng nhất C-PTSD với PTSD.

Hội chứng chấn thương do hiếp dâm[sửa]

Hội chứng chấn thương do hiếp dâm (PTS - Rape trauma syndrome) là một thuật ngữ do Ann Burgess và Lynda Holmstrom đặt ra lần đầu tiên vào năm 1974 để mô tả một dạng chấn thương tâm lý phức tạp đối với nạn nhân bị hiếp dâm (nam hoặc nữ). Chấn thương này có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tâm thần và cuộc sống của nạn nhân.

Chấn thương gián tiếp[sửa]

Chấn thương gián tiếp hay streess đồng cảm có thể gặp ở người làm việc với nạn nhân. Triệu chứng của chấn thương gián tiếp tương tự như những người sống sót. Chấn thương gián tiếp cũng có thể liên quan đến ý tưởng tội lỗi vì đã không giải cứu mọi người khỏi tình trạng khó khăn, hoặc không thể làm giảm đau khổ của bệnh nhân một cách nhanh chóng.

Rối loạn chấn thương phát triển (DTD - Developmental trauma disorder)[sửa]

Có 5-10% trẻ em tiếp xúc với bạo lực giữa các cá nhân, bạo lực gia đình và các mối nguy hiểm tái diễn khác đáp ứng các tiêu chí về PTSD. Phân loại chẩn đoán " rối loạn chấn thương phát triển” sẽ cho phép các bác sĩ lâm sàng nhận biết và điều trị hiệu quả các triệu chứng cốt lõi ở những trẻ em này - suy giảm khả năng điều chỉnh hành vi và cảm xúc cũng như các khó khăn liên quan đến sự gắn bó.

Chẩn đoán[sửa]

DSM-IV (1994) và sửa đổi vào năm 2000, xác định ba rối loạn liên quan đến stress - PTSD, ASD và rối loạn sự thích ứng.

DSM-5, xuất bản năm 2013, có tiêu đề “Các rối loạn liên quan đến stress và chấn thương”, gồm ba rối loạn được xác định bởi DSM-IV cộng với năm rối loạn được phân loại mới:

  • Rối loạn phản ứng gắn bó (Reactive attachment disorder) của trẻ sơ sinh hoặc hoặc trẻ nhỏ.
  • Rối loạn ràng buộc xã hội thiếu kiềm chế hay rối loạn tương tác xã hội để giải tỏa (Disinhibited social engagement disorder-DSED).
  • Rối loạn stress sau sang chấn ở trẻ mầm non.
  • Rối loạn stress cấp tính (ASD).
  • Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
  • Các rối loạn sự thich ứng, bổ sung một loại phụ riêng biệt được gọi là “rối loạn liên quan đến cái chết của người thân-bereavment related disorder”
  • Rối loạn chấn thương hoặc PTSD được phân định nơi khác.
  • Rối loạn chấn thương hoặc PTSD không được phân định.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán dựa vào DSM-IV và DSM-5 của hội tâm thần học Mỹ.

Điều tri[sửa]

Thuốc[sửa]

Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin; thuốc điều chỉnh khí sắc để điều trị các rối loạn do sang chấn và benzodiazepine điều trị rối loạn giấc ngủ (cần tránh lạm dụng).

Giải pháp thay thế[sửa]

Luyện tập thư giãn hay luyện tập kiểm soát lo lắng, bao gồm thở gắng sức và các kỹ thuật tương tự nhằm giúp bệnh nhân ngăn ngừa tăng thông khí và giảm căng cơ liên quan đến phản ứng chống lại hoặc bỏ chạy của lo âu. Yoga, aikido, thái cực quyền và các hình thức trị liệu vận động khác cũng giúp ích cho bệnh nhân. Các liệu pháp bổ sung khác làm giảm các triệu chứng của PTSD và các rối loạn liên quan đến stress bao gồm xoa bóp, liệu pháp ánh sáng, viết nhật ký và liệu pháp âm nhạc.

Trải nghiệm đau thương thường ảnh hưởng đến quan điểm và niềm tin tâm linh của mọi người nên việc hợp tác với một chuyên gia tâm lý hoặc tôn giáo đáng tin cậy có thể là một phần của kế hoạch điều trị.

Điều trị chấn thương hàng loạt[sửa]

Cần đưa các nạn nhân đến nơi an toàn, lấy thức ăn và nước uống, trợ giúp y tế nếu bị thương, liên lạc với những người thân và nhận thông tin chính xác về những gì đang được thực hiện để giúp đỡ. Một số người không tiến triển tốt sau thảm họa hàng loạt và có thể có trầm cảm hoặc PTSD trở nên xấu hơn theo thời gian. Có thể do sự phá hủy rộng rãi cơ sở hạ tầng của cộng đồng, liên quan đến mất việc làm, trường học và nhà ở, chăm sóc y tế khó khăn. Đang có một thử nghiệm là sử dụng liệu pháp tâm lý qua Internet và điện thoại để điều trị những người sống sót không được đánh giá ngay sau thảm họa.

Tiên lượng[sửa]

Chấn thương ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành của trẻ em và thanh thiếu niên theo nhiều cách khác nhau; các triệu chứng ở trẻ em và phụ nữ khác với ở người lớn. Các rối loạn có thể điều trị khỏi nhưng nhiều trường hợp diễn biến lâu dài.

Phòng ngừa[sửa]

Cần rèn luyện cho mọi người có khă năng thích nghi, chống đỡ với các chấn thương có thể xẩy ra, cần có biện pháp bảo vệ trẻ em, phụ nữ, người già và những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao dễ bị chấn thương.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cao Tiến Đức. Một số rối loạn tâm thần do chiến tranh, Nội khoa dã chiến. NXB QĐND, Hà Nội, 2014. 135-148.
  2. Cao Tiến Đức. Giáo trình bệnh học tâm thần. NXB QĐND, Hà Nội, 2016. 389-429
  3. Cao Tiến Đức. Các rối loạn tâm thần cấp cứu và điều trị. NXB Y học, Hà Nội, 2017. 252-265
  4. Ledray Linda, Ann Wolbert Burgess and Angelo P. Giar- dino. Medical Response to Adult Sexual Assault: A Resource for Clinicians and Related Professionals. St. Louis, 2011, MO: STM Learning.
  5. Cao Tiến Đức. Cấp cứu tâm thần những người trải qua thảm họa tự nhiên và khủng bố. Toàn văn báo cáo Hội nghị đào tạo và nghiên cứu Y học quân sự, 2019, 50-63.
  6. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. 4th ed. Washington, DC, 2000.
  7. American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. 5th ed. Washington, DC, 2013.
  8. Arnold Cheryl,and Ralph Fisch. The Impact of Complex Trauma on Development. Lanham, 2011, MD: Jason Aronson.