Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhu cầu nước đã vượt cung ở một vài nơi trên thế giới, trong khi dân số thế giới vẫn đang tiếp tục tăng làm cho nhu cầu nước càng tăng. Người ta ước tính 8% lượng nước sử dụng trên toàn thế giới là cho mục đích sinh hoạt, bao gồm nước uống, tắm, nấu ăn, xả toilet, dọn dẹp, giặt giũ và làm vườn. Ước tính nhu cầu nước sinh hoạt cơ bản vào khoảng 50 lít mỗi người/ngày, không bao gồm nước tưới vườn. Ngày 22 tháng 3 hàng năm - Ngày nước sạch thế giới đã được Liên hiệp quốc chọn trong năm 1993 (Nghị quyết A/RES/47/193). Nước sạch và vệ sinh là yếu tố cốt lõi trong phát triển nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy năng suất lao động và mức tăng trưởng trong hiện tại và tương lai của Việt Nam. Với dân số gần 100 triệu người tại Việt Nam, tỷ lệ người dân tiếp cận với các nguồn nước đã cải thiện tăng từ 65% năm 2000 lên 95% năm 2017, trong khi tỷ lệ tiếp cận dịch vụ vệ sinh cơ bản tăng từ 52 lên 84% trong cùng kỳ.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao và vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy vậy, việc tiếp cận rộng rãi và bền vững với công trình nước sạch và vệ sinh tại những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn là một thách thức lớn. Cam kết đầu tư hướng đến khu vực nông thôn được thể hiện bởi Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 (NQ 26/NQ-TW ngày 5 tháng 8 năm 2008). Cùng với Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chính phủ cũng đặt ra ưu tiên cụ thể về phát triển nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn có Chương trình Mục tiêu Quốc gia 1 từ năm 2000 (QĐ số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000). Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2 (QĐ số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006) diễn ra từ 2006 đến 2010. Chương trình Mục tiêu Quốc gia 3 (QĐ 366/QĐ-TTg) diễn ra từ 2012 đến 2015, và cụ thể việc thực hiện Chương trình ở tám tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 là tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày, sử dụng hố xí hợp vệ sinh và thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, giữ sạch vệ sinh môi trường làng, xã. Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nêu 03 mục tiêu.
- Một là bảo đảm Chương trình phát triển bền vững gắn với Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo.
- Hai là ưu tiên cấp nước tập trung cho những vùng mật độ dân số cao; nâng cấp và mở rộng các công trình hiện có; tìm kiếm các nguồn nước ổn định cho các vùng đặc biệt khó khăn.
- Ba là Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được quản lý và điều hành theo quy định của pháp luật.
Một số giải pháp để đạt mục tiêu nêu trên tập trung vào đẩy mạnh xã hội hóa; phát triển thị trường nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đẩy mạnh truyền thông và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư; xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý đầu tư xây dựng, khai thác và bảo vệ công trình; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Quyết định về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000.
- Quyết định về việc phê duyệt CTMTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006.
- Ngân hàng thế giới, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Đánh giá hệ thống môi trường và xã hội, E3058, 2012.
- UNICEF, Tóm tắt chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường tại Việt Nam, 2020.