Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế

Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế (tiếng Anh International Geoscience Progamme - IGCP) là những tổ chức hợp tác khoa học Địa chất Quốc tế thuộc “Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc” (UNESCO) và “Liên hiệp hội Quốc tế các Khoa học Địa chất”. Mục đích của Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế là tạo điều kiện hợp tác nghiên cứu xuyên biên giới giữa các nhà địa chất trên toàn thế giới, thông qua các nghiên cứu chung, các hội nghị và hội thảo.

Vai trò[sửa]

Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế đóng vai trò như là một trung tâm tri thức của UNESCO nhằm tạo điều kiện cho phát triển hợp tác quốc tế trong lĩnh vực các khoa học địa chất. Sứ mệnh của Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế nhằm thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy các sáng kiến mới liên quan đến đa dạng địa chất, di sản địa chất và giảm thiểu rủi ro địa tai biến. Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế thúc đẩy các dự án hợp tác, đặc biệt chú trọng đến lợi ích cho xã hội, nâng cao năng lực, thúc đẩy chia sẻ kiến thức giữa các nhà khoa học thế giới với trọng tâm là hợp tác bắc - nam và nam - nam. Từ 2011, Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế tập trung vào các vấn đề liên quan đến Tài nguyên Trái đất; Biến đổi đổi toàn cầu; tai biến Địa chất; Địa chất thủy văn; Địa động lực nhằm đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Thời gian ra đời[sửa]

Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế ra đời vào năm 1972, với tên gọi “Chương trình đối sánh Địa chất Quốc tế” (International Geological Correlation Programme - IGCP), sau đổi thành “Chương trình Địa chất Quốc tế”, đến năm 2015 mang tên “Chương trình Khoa học Địa chất và Công viên Địa chất Quốc tế” nhưng vẫn giữ tên viết tắt gốc Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế.

Mục đích[sửa]

Tôn chỉ của Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế là tập hợp các nhà khoa học trên thế giới, khuyến khích xây dựng các chương trình hợp tác nghiên cứu và công bố quốc tế bằng cách hỗ trợ khoản kinh phí khiêm tốn, mang tính khởi động để tiến hành các đề án nghiên cứu liên ngành trong khoa học Trái đất, có tính khu vực, toàn cầu. Mục đích khoa học của Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế bao gồm:

  1. nâng cao hiểu biết về tác động của các nhân tố thuộc lĩnh vực khoa học địa chất đối với môi trường toàn cầu nhằm cải thiện chất lượng và điều kiện sống của con người
  2. phát triển các phương pháp có hiệu quả để tìm kiếm và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, năng lượng, nước ngầm)
  3. nâng cao hiểu biết về các quá trình địa chất và các khái niệm quan trọng có tính toàn cầu, chú trọng các vấn đề liên quan đến xã hội
  4. cải tiến, hoàn thiện các tiêu chuẩn, phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu, chuyển giao tri thức và công nghệ địa chất giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước đang phát triển.

Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế[sửa]

Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế được điều hành bởi “Hội đồng Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế” bao gồm sáu thành viên thường trực có quyền biểu quyết, được tổng giám đốc UNESCO và chủ tịch IUGS bổ nhiệm. Tổng giám đốc UNESCO và tổng thư ký IUGS hoặc đại diện của họ cũng là thành viên của hội đồng nhưng không có quyền biểu quyết. Mỗi thành viên hội đồng sẽ phụ trách một mảng chuyên môn. Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế có ban khoa học do hội đồng Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế lựa chọn gồm 50-60 thành viên là các chuyên gia có nhiệm vụ điều hành các dự án khoa học do Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế tài trợ.

Từ 1972 đến nay, Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế đã tài trợ trên 700 đề án hợp tác liên ngành quốc gia và quốc tế với sự tham gia của hàng ngàn nhà khoa học địa chất từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng loạt kết quả công bố có chất lượng cao cả về lý luận và thực tiễn, làm phong phú hơn sự hiểu biết về khoa học Trái đất.

Ủy ban quốc gia Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 1981 (QĐ số 917/V10, ngày 18.03.1981), trụ sở tại Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Từ đó đến nay, Việt Nam đã tham gia trên 60 đề án, và có 5 nhà Địa chất Việt Nam được bầu làm đồng chủ nhiệm. Chương trình khoa học Địa chất Quốc tế Việt Nam đã tổ chức thành công 10 hội nghị và hội thảo quốc tế, tham quan thực địa, xuất bản các chuyên san bằng tiếng Anh với nhiều tài liệu khoa học có giá trị.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Địa chất Việt Nam, 60 năm xây dựng và phát triển, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội, 2005.
  2. 40 years of the International Geosciences Programme UNESCO- IUGS, Paris, 2012.
  3. https://en.unesco.org/international-geoscience-programme (truy cập ngày 24.8.2021).