Chương trình hỗ trợ người lao động là một chương trình tự nguyện cung cấp miễn phí những đánh giá mang tính bảo mật, các tư vấn ngắn hạn, giới thiệu và hỗ trợ cho người lao động khi họ gặp các vấn đề cá nhân liên quan đến công việc.
Chương trình hỗ trợ người lao động giải quyết một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần (lạm dụng rượu và các chất gây nghiện) và cảm xúc (căng thẳng, đau buồn), các vấn đề gia đình và rối loạn tâm lý. Các cố vấn của Chương trình hỗ trợ người lao động làm việc trong vai trò tham vấn cho các nhà quản lý và những người giám sát để giải quyết các thách thức và nhu cầu của người lao động và tổ chức.
Chương trình hỗ trợ người lao động xuất hiện từ cuối những năm 1930 và được hình thành từ các chương trình đối phó với chứng nghiện rượu trong làm việc. Có một thời gian uống rượu trong khi công việc được xem như thói quen của người lao động, các nhà quản lý bắt đầu nhận thấy ảnh hưởng của uống rượu trong giờ làm việc tới hiệu suất công việc và năng suất của người lao động. Điều này đã trở thành một vấn đề lớn đối với các công việc phải làm theo dây chuyền. Đến năm 1939, phong trào Người nghiện rượu Ẩn danh (AA) đã bắt đầu lan rộng khắp vùng Trung Tây và Đông Bắc Hoa Kỳ. Những người trong giai đoạn “phục hồi” bắt đầu háo hức chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người lao động khác. Đây được xem là bước khởi đầu cho phong trào xây dựng Chương trình hỗ trợ người lao động. Các doanh nghiệp cũng bắt đầu nhận thấy hiệu quả của các chương trình này thông qua việc phục hồi sức lao động của công nhân và tăng hiệu suất làm việc. Điều này đã dẫn đến việc xây dựng và phát triển các Chương trình hỗ trợ người lao động, cung cấp hỗ trợ và nguồn lực cho những nhân viên đang gặp khó khăn. Nhiều Chương trình hỗ trợ người lao động đang hoạt động tích cực trong việc giúp các tổ chức phòng ngừa và đối phó với bạo lực tại nơi làm việc, chấn thương và các tình huống ứng phó khẩn cấp khác.
Chương trình hỗ trợ người lao động là chương trình phúc lợi duy nhất dành cho người lao động vì nó hoạt động như một chương trình can thiệp. Chương trình xây dựng nhằm xác định và giúp nhân viên giải quyết các vấn đề mà họ có thể gặp phải trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống: Nghề nghiệp; Tài chính; Pháp lý; Tình cảm; Các vấn đề về hôn nhân hoặc gia đình; Vấn đề lạm dụng chất gây nghiện; Các vấn đề cá nhân khác.
Nội dung của Chương trình hỗ trợ người lao động luôn được thay đổi để phù hợp với vai trò của chương trình hỗ trợ tại nơi làm việc. Chương trình hỗ trợ người lao động có hai loại chính: dịch vụ hỗ trợ nội bộ và dịch vụ hỗ trợ bên ngoài. Các chương trình nội bộ thuộc sở hữu của công ty do người sử dụng lao động tài trợ và nhân viên của chương trình cũng chính nhân viên của công ty. Các Chương trình hỗ trợ người lao động nội bộ có thể được đặt ngay tại địa điểm làm việc và thường có các văn phòng riêng biệt để tăng cường tính bảo mật và độc lập với ban quản lý công ty. Chương trình hỗ trợ người lao động bên ngoài là các công ty riêng biệt mà chủ lao động ký hợp đồng để cung cấp dịch vụ chương trình này. Cả chương trình bên trong và bên ngoài đều cung cấp những đánh giá và giới thiệu công ty và người lao động, nhưng với Chương trình hỗ trợ người lao động nội bộ có nhiều khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn trực tiếp hơn.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Roman, P. M., & Blum, T. C., The core technology of employee assistance programs, The Almacan, 15 (3), 1985, 8 - 9.
- Dubuc, D., Employee assistance program a win-win situation, Michigan hospitals, 23 (4), 1987, 35 - 37.
- Bureau of National Affairs, Employee assistance programs: Benefits, problems, and prospects, Bureau of National Affairs, 1987.
- Bickerton, R., Employee assistance: A history in progress, EAP Digest, 11 (1), 1990, 34 - 42.
- Masi, D. A., Definition and History of Employee Assistance Programs, 2011.