Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chương trình Head Start

Chương trình Head Start là một chương trình can thiệp toàn diện cho trẻ nhỏ và gia đình của những đứa trẻ sống trong cảnh nghèo đói. Đây là chương trình lớn nhất và dài nhất được thành lập ở Hoa Kỳ để chuẩn bị cho việc tham gia thành công vào các hoạt động giáo dục ở các trường mầm non.

Head Start là chương trình giáo dục mầm non. Nó đã mở rộng khả năng tiếp cận mầm non cho trẻ em đủ điều kiện trong các gia đình có thu nhập thấp. Head Start được thành lập vào năm 1965 trong khuôn khổ cuộc chiến chống đói nghèo của Tổng thống Lyndon Johnson. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy sự sẵn sàng đến trường thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, dinh dưỡng và xã hội.

Head Start được hình thành như một chiến dịch quốc gia để kích hoạt người nghèo cải thiện địa vị của họ thông qua tự lực và những cơ hội giáo dục. Head Start được hình dung như một chương trình để giúp trẻ mẫu giáo nghèo bắt đầu đi học bình đẳng với trẻ em của những gia đình giàu có hơn. Chiến lược gia chính của Tổng thống Lyndon Johnson trong chương trình là Sargent Shriver đã triệu tập một hội đồng gồm các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, công tác xã hội và phát triển tâm lý để thiết kế chương trình. Sự đa dạng của nhóm chuyên gia đã làm cho Head Start trở thành một chương trình giáo dục nghiêm túc và có tiêu điểm.

Chương trình dựa trên triết lý “Trẻ em cần được quan tâm toàn diện”. Chương trình bao gồm nhiều mục tiêu liên quan đến sự sẵn sàng đi học của trẻ. Trẻ em được tiêm chủng, khám sức khỏe và nha khoa, được theo dõi và điều trị nếu cần. Trẻ em sẽ ăn những bữa ăn nóng hổi và đồ ăn nhẹ bổ dưỡng, cha mẹ của trẻ sẽ được dạy để cung cấp chế độ ăn uống lành mạnh tại nhà. Chương trình giáo dục mầm non phù hợp với trẻ về mặt phát triển thể chất, tâm lý và văn hóa, bao gồm cả ngôn ngữ và các kỹ năng sống khác thông qua những trải nghiệm để thúc đẩy sự phát triển xã hội và tình cảm của trẻ. Cha mẹ của trẻ tình nguyện tham gia lớp học, tham dự các lớp của riêng mình và có vai trò trong quản lý chương trình.

Các nhu cầu và mục tiêu của gia đình được đánh giá và hỗ trợ thông qua các dịch vụ được chương trình cung cấp và các liên kết đến các cơ quan và cộng đồng. Head Start phát triển sự hợp tác của cộng đồng để tăng cường sự sẵn có và cung cấp nhân lực cho các dịch vụ. Chương trình là cần thiết đối với những can thiệp sớm của trẻ em.

Bắt đầu vào mùa hè năm 1965, Head Start mở cửa phục vụ hơn nửa triệu trẻ em và gia đình của họ. Năm 2001 có hơn 905.000 trẻ em tham dự Head Start với 48.500 phòng học trên toàn nước Mỹ. Đa số là những trẻ em 3 - 4 tuổi có cha mẹ với thu nhập dưới mức chuẩn nghèo của Liên Bang. Khoảng 13% là trẻ em khuyết tật. Ngân sách năm 2002 chi cho chương trình khoảng 6,5 tỷ đô la. Theo luật, những người thuộc diện tài trợ nhận được 80% tài trợ của họ từ Chính phủ Liên Bang và phần còn lại từ các tổ chức khác, thường là cộng đồng. Vào năm 2019, Quốc hội Mỹ đã chi hơn 10 tỷ đô la cho Head Start. Dựa trên dữ liệu gần đây nhất, hàng năm có 1 triệu trẻ em được hưởng từ Chương trình. Sự đầu tư đáng kể này vào trẻ em là một bằng chứng cho thấy các khoản đầu tư sớm cho con người, đặc biệt là đầu tư vào trường mầm non đã đem lại tác động tích cực cho sự phát triển cho trẻ.

Mỗi trung tâm Head Start phải tập trung vào ba hoạt động chính: 1) dịch vụ phát triển trẻ em (thể chất và sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng, giáo dục mầm non); 2) quan hệ đối tác gia đình và cộng đồng (bao gồm sự tham gia của cha mẹ và xã hội cho các dịch vụ hỗ trợ) và 3) thiết kế và quản lý chương trình (để nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình). Mặc dù các thành phần này phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia, song các trung tâm được khuyến khích để điều chỉnh dịch vụ theo các nhu cầu và nguồn lực địa phương. Ví dụ, một số hoạt động của chương trình cung cấp các dịch vụ tại nhà và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em để phù hợp với công việc của cha mẹ trẻ.

Head Start lúc đầu chỉ tập trung vào trẻ mầm non, sau đó đã chuyển sang cả học sinh tiểu học. Chương trình còn chú ý đến phòng ngừa và can thiệp cho trẻ trước những năm mầm non như trẻ sơ sinh đến 3 tuổi. Trong năm 2001, có 650 chương trình như vậy phục vụ hơn 55.000 trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Đánh giá ban đầu cho thấy có nhiều kết quả tích cực đối với cách tiếp cận này.

Kết quả của nghiên cứu của Head Start và các biện pháp can thiệp sớm khác đều đến cùng một kết luận: Điểm IQ tăng lên trong thời gian học mẫu giáo (sau này được tìm thấy là do có động lực tốt hơn và quen với các biện pháp thử nghiệm), nhưng sự phát triển này mất dần sau một vài năm học tiểu học.

Khi các nhà nghiên cứu xem xét kết quả rộng hơn, họ tìm thấy nhiều lợi ích lâu dài hơn từ chương trình. Chất lượng của chương trình mầm non đã nâng cao thành tích học tập, giảm số trẻ phải giáo dục đặc biệt và để giảm tình trạng phạm pháp của người chưa thành niên sau này. Các kết quả khảo sát cho thấy rằng những trẻ tốt nghiệp chương trình Head Start đã sẵn sàng vào mẫu giáo và có thể phát triển tốt hơn cho việc đi học sau này, trẻ em khỏe mạnh, có các kỹ năng xã hội và học tập mà các em cần.

Các nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ tham gia chương trình ít phạm tội hơn so với những trẻ không tham gia. Những người tham gia chương trình đã kết hôn ổn định hơn, con cái của họ ít có nguy cơ bị đình chỉ học và có nhiều khả năng tốt nghiệp trung học và được làm việc hơn (James Heckman và Ganesh Karapakula). Nghiên cứu tác động của Head Start cũng phát hiện ra rằng Head Start đã cải thiện kỹ năng nhận thức của trẻ. Head Start mang lại kết quả tốt hơn về sức khỏe, giáo dục cho trẻ và kinh tế cho gia đình trong dài hạn. Nghiên cứu của Lauren Bauer và Diane Schanzenbach cho thấy, Head Start đã tạo nên sự phát triển về xã hội, cảm xúc và hành vi trong các thước đo kiểm soát bản thân của trẻ, lòng tự trọng và thực hành nuôi dạy con cái tích cực ở tuổi trưởng thành. Nghiên cứu của Chloe Gibbs và Andrew Barr cho thấy, con cái của những người đã tiếp xúc với Head Start đã giảm thiểu tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và phạm tội và tăng trình độ học vấn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford University Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  2. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  3. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  4. Sally J. Styfco, Head start, W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff Editors The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, John Wiley & Sons, Inc. 2004.
  5. Lauren Bauer, Does Head Star work? The debate over the Head Star impact study, explained, 2019.
  6. Brown Center Chalkboard series, https://www.brookings.edu/blog/brown-center-chalkboard/ 2019/06/14/does-head-start-work-the-debate-over-the-head-start-imp, 2019.