Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chương trình đào tạo xuyên văn hoá

Chương trình đào tạo xuyên văn hoá là chương trình đào tạo được thiết kế và tổ chức nhằm trợ giúp các cá nhân có thể sống và làm việc trong môi trường văn hóa khác biệt với môi trường văn hóa gốc của họ.

Các nghiên cứu và sự quan tâm nghiêm túc về chương trình đào tạo xuyên văn hóa được bắt đầu từ chiến tranh thế giới thứ II. Nguyên do là có sự chuyển dịch lớn hơn các sinh viên ra nước ngoài học tập, gia tăng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, sự phát triển của thị trường toàn cầu và các chương trình tương tác trực tiếp giữa những người thuộc các nền văn hóa khác nhau, gia tăng các quốc gia độc lập và số lượng các nhà ngoại giao… Các chương trình đào tạo này được xây dựng xuất phát từ quan điểm cho rằng trước khi cá nhân ra làm việc ở nước ngoài, việc đào tạo tốt sẽ giúp cá nhân có được sự chuẩn bị ứng phó tốt với căng thẳng trong công việc và thích ứng với nền văn hóa khác. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho cá nhân có thể sống trong một đất nước khác không phải quê hương mình, chương trình đào tạo xuyên văn hóa được thiết kế để giúp cá nhân làm việc hiệu quả với những cá nhân khác với sự khác biệt về văn hóa.

Chương trình đào tạo xuyên văn hóa thường được thiết kế với 4 mục tiêu:

  1. Giúp cá nhân thích ứng được với môi trường văn hóa nước ngoài. Khi chuyển sang sinh sống ở nước ngoài, cá nhân không phải chịu đựng sự ngắt quãng khó chịu trong cuộc sống của họ. Chương trình cần hướng dẫn về việc phát triển quan hệ liên cá nhân với các thành viên của dân tộc sở tại cả trong công việc và cuộc sống.
  2. Giúp các cá nhân nắm bắt được những điều cần chú ý ở đất nước mà họ sẽ đến.
  3. Cung cấp các hướng dẫn về việc tham gia chương trình đào tạo thế nào và đạt mục tiêu ra sao. Để thực hiện mục tiêu này, các nội dung chương trình cần cụ thể và sát với các đối tượng đào tạo: sinh viên, nhà ngoại giao, doanh nhân. Các chủ đề cũng cần phù hợp như: Làm việc với cơ quan hành chính, thương lượng, các yêu cầu về luật pháp.
  4. Ứng phó với căng thẳng. Giúp cá nhân có thể biết cách ứng phó với cú sốc văn hóa, tương tác trong gia đình hoặc các xúc cảm tiêu cực. Để đạt được mục tiêu này, chương trình cung cấp các phương pháp ứng phó: thư giãn, tái cấu trúc nhận thức, duy trì các hoạt động giải trí, tránh các hành vi ảnh hưởng sức khỏe, tập thể dục.

Chương trình đào tạo xuyên văn hóa có thể coi là sản phẩm ứng dụng của nhiều chuyên ngành tâm lý học, trong đó Tâm lý học xuyên văn hóa đóng vai trò chủ yếu. Tâm lý học xuyên văn hóa nghiên cứu các trải nghiệm và các hành vi của cá nhân nảy sinh trong các môi trường văn hóa khác nhau do sự tác động của các yếu tố văn hóa hoặc sự thay đổi trong nền văn hóa hiện tại. Các vấn đề được quan tâm nghiên cứu trong Tâm lý học xuyên văn hóa cung cấp cơ sở cho việc thiết kế các chương trình này: ảnh hưởng của văn hóa đến hành vi trong một nhóm văn hóa hoặc trong nhiều nhóm văn hóa. Văn hóa như là biến số tác động đến cá nhân hoặc văn hóa và tâm lý như là yếu tố “bao hàm lẫn nhau, tạo ra nhau”, văn hóa vừa là cái bên trong vừa là cái bên ngoài của cá nhân. Các chiều kích của biến số văn hóa được xác định là cơ sở của việc xây dựng nội dung của chương trình bao gồm: Tính phức tạp của văn hóa, sự chặt chẽ hay linh hoạt của các chuẩn mực hành vi, chủ nghĩa tập thể hay chủ nghĩa cá nhân ở nền văn hóa mà cá nhân sẽ gia nhập.

Chương trình đào tạo xuyên văn hóa cũng dựa trên các cơ sở và nội dung của thích ứng văn hóa. Tức là dựa trên sự thay đổi về tâm lý và văn hóa trong tương tác của nhóm văn hóa và thành viên của nhóm, đặc biệt đối với những người mới tiếp cận với nhóm văn hóa. Một trong các khía cạnh cơ bản của thích ứng văn hóa được tính đến khi thiết kế chương trình tập huấn xuyên văn hóa là: Thích ứng tâm lý (cảm nhận hài lòng, lòng tự tôn...); Thích ứng văn hóa xã hội (khả năng thực hiện chức năng sống trong cộng đồng mới) và chiều ngược lại - Căng thẳng trong thích ứng văn hóa (phản ứng tâm lý tiêu cực trong quá trình thích ứng như: lo hãi, trầm cảm…).

Chương trình này thường được thiết kế và thực hiện bởi các nhà chuyên môn có kinh nghiệm tương ứng, với ngân sách phù hợp và được tổ chức trong không khí học hỏi hiệu quả. Những người có kỹ năng thiết kế chương trình thường làm việc ở các trường cao đẳng, đại học, các bộ phân nhân sự của các công ty lớn, các dịch vụ chính phủ, hệ thống trường công, đại lý an sinh xã hội của nhà thờ, các trung tâm tham vấn và các công ty tư vấn tư nhân.

Một trong những cách đánh giá chương trình đào tạo xuyên văn hóa là đánh giá các mục tiêu (nêu trên) của chương trình đã đạt được và đánh giá hiệu quả của mục tiêu đó trong thực tiễn. Ví dụ, với mục tiêu 1 và 2, cá nhân được cử đi nước ngoài cần có khả năng liệt kê những người mà họ có thể làm việc cùng hiệu quả, những người có thể cùng giải trí và những người có thể tìm sự trợ giúp khi có việc cần thiết. Mặt khác, cần khảo sát những người được liệt kê trong danh sách xem thực sự thái độ của họ đối với người đã được đào tạo như thế nào. Bằng cách kiểm tra hai mục tiêu này, người huấn luyện có thể tránh được các sai lầm đưa ra các kết luận dựa trên báo cáo cá nhân về mối quan hệ tốt đẹp của người được đào tạo với nước sở tại. Trong một số trường hợp, cá nhân có thể đưa ra một danh sách bạn bè là người sở tại, nhưng những người sở tại trong danh sách này lại cho rằng người nước ngoài đó không nhạy cảm, không hòa đồng. Tức là báo cáo của cá nhân có sự sai lệch chủ quan.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Triandis, H., Brislin, R., & Hui, C. H., Cross-cultural training across the individualism collectivism divide, InternationalJournal of Intercultural Relations, 12, 1988, 269 - 289.
  3. Landis, D., & Bhagat, R. (eds.), Handbook of interculturaltraining (2nd ed.), Thousand Oaks, CA: Sage, 1996.
  4. Raymond J. Corsini, Braun, The Dictionary of Psychology, Brumfield, ML, 1999.
  5. Bonnie, R., Strickland, The GallEncyclopedia of Psychology, Executive editor, Gale group, 2001.
  6. Charler Spielbeger (editor - in chief), Encyclopedia of Aplieded Psychology, Elsvior Academic press, 2012.