Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chăm sóc sức khoẻ tâm thần có quản lý

Chăm sóc sức khoẻ tâm thần có quản lý là hệ thống nhiều loại cấu trúc tổ chức và tài chính, quy trình và chiến lược được thiết kế để theo dõi và tác động đến các quyết định điều trị nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo cách hiệu quả nhất về chi phí.

Ở nhiều quốc gia phát triển, dịch vụ y tế là một dịch vụ sinh lời. Trong nửa cuối thế kỷ XX, một chiến lược mới được đưa ra nhằm kìm hãm giá thành chăm sóc sức khỏe - Chăm sóc có quản lý (Managed care).

Khi tham gia vào chăm sóc có quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Nhiều thầy thuốc tâm thần lại xem chăm sóc có quản lý như là một sự đe dọa đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Mặc dù phải tham gia vào hệ thống chăm sóc có quản lý, song nhiều bác sĩ tâm thần vẫn cho rằng mình không muốn bị ràng buộc bởi kinh tế và đặc biệt, hệ thống quản lý sẽ làm giảm sự tự chủ trong hoạt động khám chữa bệnh của người thầy thuốc. Hệ thống chăm sóc có quản lý một mặt đòi hỏi nâng cao chất lượng chăm sóc về mặt y tế nhưng mặt khác lại từ chối những nguồn kinh phí cần thiết để đầu tư và nâng cấp các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó các thầy thuốc tâm thần không thể đủ khả năng để đương đầu với những bất bình đẳng, đặc biệt khi mà không chỉ trong xã hội mà còn cả trong lĩnh vực y tế vẫn còn sự kỳ thị đối với người bệnh tâm thần.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần có quản lý có thể giúp tăng cường và cải thiện chất lượng dịch vụ. Điều này có được là do sự kết nối, hợp tác của các công ty, các dịch vụ xã hội và với các cơ sở điều trị tâm thần. Trước đây, theo nhận xét của một số chuyên gia tâm thần, người bệnh tâm thần thường không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, chữa trị cần thiết, không có nhiều loại hình dịch vụ, điều trị chủ yếu là dùng thuốc. Nhiều người bệnh điều trị kéo dài dai dẳng, cả nội trú cũng như ngoại trú, trong khi đó lại không có sự liên tục giữa nội trú với ngoại trú hay phục hồi tâm thần.

Chăm sóc có quản lý đã góp phần mở rộng và tạo nên những cải thiện rất đáng kể một số lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em và thanh thiếu niên, can thiệp khủng hoảng, tư vấn sức khỏe tâm thần và một số lĩnh vực khác.

Góp phần tăng cường sự thống nhất trong lâm sàng tâm thần. Lấy DSM-IV và DSM-5 (Sách hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ) làm ví dụ. Mặc dù không phải là những cơ sở/tổ chức điều trị và chăm sóc người bệnh tâm thần nhưng chính các công ty bảo hiểm đóng vai trò rất đáng kể trong việc tài trợ biên soạn, đẩy nhanh việc cập nhật, phân loại và tiêu chuẩn chẩn đoán các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Hoa Kỳ. DSM-IV ra đời năm 1993, đến năm 2000, đã có bản chỉnh sửa DSM-IV-TR và vào 2013 đã có DSM-5. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho công bố ICD-10 (Phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10) vào năm 1992 và dự kiến mãi đến năm 2021 mới chính thức đưa vào sử dụng ICD-11. Cũng phải nói thêm rằng phạm vi sử dụng DSM-IV trước đây và DSM-5 hiện nay không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Ngành Tâm thần của nhiều nước, nhất là những nước phát triển đã lấy DSM làm tài liệu chính thức.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân cũng là công việc của các nhà tâm lý học, trước hết là tâm lý học lâm sàng. Do vậy, họ cũng phải tham gia vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần có quản lý. Khi tham gia vào hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, các nhà tâm lý lâm sàng cũng phải có những thay đổi nhất định. Thay đổi về đánh giá tâm lý lâm sàng: Khi tham gia vào chăm sóc có quản lý, đánh giá tâm lý lâm sàng phải được thực hiện theo khung đã được thống nhất chung với cả bên thứ ba, bên quản lý, chi trả phí/tiền công. Trước hết đó là khung về thời gian.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Patel V. (ND: Lã Thị Bưởi và cộng sự), Nơi không có bác sĩ tâm thần, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2012, tr. 210 - 217.
  2. Nguyễn Sinh Phúc (Chủ biên), Nguyễn Thị Hương, Đinh Hữu Uân, Giáo trình Đại cương chăm sóc sức khỏe tâm thần, Nxb Lao động - Xã hội, 2015, tr. 38.
  3. Kent A.J., Hersen M., A Psychologist's Proactive Guide to Managed Mental Health Care, Lawrence Erlbaum Associates, Inc, 2000.
  4. Christensen A.J., Martin R., Smyth J.M., Encyclopedia of health psychology, Kluwer Academic/Plenum Publishers, 2004, pp. 160 - 161.
  5. Fundukian L.J., Winson J., Gale Encyclopedia of mental health, 2nd Ed., Thomson Gale, Vol. 2, 2008, pp. 690 - 692.
  6. VandenBos G.R., (Editor in Chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 341.
  7. Mechanic D., Mental health and social policy: beyond managed care, 6th Ed., Pearson, 2014, pp. 192 - 213.