Mục từ này cần được bình duyệt
Chùa Phật tích

Chùa Phật Tích (cg. chùa Tiên Du, Vạn Phúc, Trùng Quang, Tiên Tích...) di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật, tên chữ Hán: Vạn Phúc tự, tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Theo sử sách, năm 1071, vua Lý du ngoạn đến Phật Tích đã viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước (5m), sai khắc vào đá để ở chùa trên núi Tiên Du. Năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành rất nhiều bảo tháp đất nung, được đặt ở các nơi trong cả nước. Theo dân gian, riêng ở Phật Tích đặt 8 vạn tháp, vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên Bát Vạn sơn.

Đến triều Trần, cùng với việc xây dựng cung Bảo Hoa, vua Trần Nhân Tông lập một thư viện trên núi Lạn Kha do chính Ông làm “viện trưởng”. Đến thời Lê Trịnh, chùa được đệ nhất cung tần của chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, bà Trần Ngọc Am, trùng tu. Bà đã về tu ở chùa Phật Tích, trùng tu chùa và cùng dân 13 xóm dựng đình.


Ảnh 1. Hàng Linh thú trước Tam bảo. Ảnh: Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hó Ảnh 2. Lối lên tam quan chùa Phật Tích (Ảnh: Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Phật Tích không chỉ là một trung tâm Phật giáo mà còn lưu giữ kho tàng truyền thuyết, sinh hoạt văn hóa – văn nghệ dân gian, tiêu biểu là những chuyện kể về bà Tồ Cô, về các cuộc chiến tranh giữa An Dương Vương và Triệu Đà, những huyền thoại về chàng tiều phu Vương Chất, Từ Thức gặp tiên, Cao Biền xây tháp yểm bùa, bà chúa Chè, Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo và nổi tiếng là hội xem hoa mẫu đơn ở CPT vào ngày mồng 4 tháng Giêng… Những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc đó cho thấy Phật Tích không chỉ có lịch sử lâu đời mà còn là một trung tâm tín ngưỡng và văn hóa, nơi du nhập nhiều luồng tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ngoài rồi hội nhập với sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa bản địa làm phong phú và đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ.

Không gian của chùa có 3 cấp nền, bó vỉa nền bằng đá khối kết hợp với đá vôi, mỗi khối nặng từ vài tạ đến cả tấn tồn tại suốt gần 1.000 năm. Trên con đường đi lên từ cấp nền 1 đến cấp nền 2 có một thiên tỉnh (giếng trời). Các nhà nghiên cứu dân tộc học mỹ thuật đã tìm thấy mạch nước biểu tượng, đó là một rồng cuộn lớn, có thể coi là con rồng lớn nhất trong nghệ thuật thời Lý, nằm tại đáy giếng (đầu rồng đã không còn).

Từ cổng ngoài theo trục trung tâm có con đường lát đá rộng 4m đi 30 bậc lên đến cấp nền 2 tới Gác chuông 3 gian 2 tầng, rộng 8,20m, dài 10,40m, cao 4,10m, phía trên treo một quả chuông đồng và một khánh đồng, nằm ở trục giữa phía trước. Nằm đối xứng qua hai bậc cửa lên chùa và ngay rìa mép của tầng này có hai dãy linh thú bằng đá, mỗi bên năm con, gồm: sử tử, ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử. Các linh thú đều cao gần 2m, nằm trên bệ sen, được tạc nguyên khối. Sát đường lên là đôi lân/sử tử, đầu chầu vào giữa mang tính chất kiểm soát tâm hồn của kẻ hành hương.

Lớp nền thứ hai, bề sâu tới 33m và mép sân bên trong mở rộng ra tới 66m. Toàn bộ những kiến trúc trọng yếu đều được xây dựng ở tầng này.

Tòa Tam Bảo hiện được làm lại dựa trên quy mô, hình thức kiến trúc của tòa Tam Bảo đã được Bezacier ghi lại vào những năm 30 của thế kỷ XX. Chính giữa là ngôi chùa kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc, có tổng diện tích là 1.064m2, với 11 gian Tiền đường, 3 gian Thiêu hương, 3 gian 2 chái Thượng điện, 11 gian nhà Hậu. Hai bên có hai dẫy hành lang, mỗi dãy 7 gian.

Tại gian Thiêu Hương, phía dưới là chân tháp thời Lý, phía trên được bài trí pho tượng Phật thời Lý. Tượng được tạo tác bằng đá xanh, kích thước hiện tại cả bệ cao 2m77 thể hiện Đức Phật ngồi tọa thiền trên tòa sen theo lối Kiết Già toàn phần, dáng thanh thản tự tại. Các chi tiết trên pho tượng mềm mại, nếp áo chảy mượt. Tượng có đầu và đài sen được làm lại vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVII.

Tại tầng nền thứ ba, nằm chen vào đá núi là 35 ngọn tháp lớn nhỏ. Có 27 tháp được xây bằng gạch chỉ nung già, miết mạch vôi vữa, không trát phía ngoài. 8 tháp đá gồm những viên đá lớn xếp chồng lên nhau, hầu như không thấy ghép mạch. Phần lớn các tháp đều được đặt tên và ghi năm dựng như: tháp Phổ Quang (1664), tháp Viên Dung (1679), tháp Hiểu Quang (1680), tháp Viên Quang (1684), tháp Viên Minh, tháp Báo Nghiêm (1692) nơi an trí nhục thân sư tổ Chuyết Chuyết (nay đặt thờ trong nhà Tổ của chùa),…

CPT trở thành một trong những trung tâm tín ngưỡng thờ Phật. Cùng với Phật giáo, CPT còn là trung tâm Nho giáo vào thời Trần, từng tồn tại một thư viện lớn và tổ chức cuộc thi Thái học sinh tại đây. CPT còn lưu giữ những cổ vật quý giá, trong đó pho tượng Phật, một kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc truyền thống được công nhận Bảo vật quốc gia.

CPT có kiến trúc hoà nhập với môi trường thiên nhiên xung quanh, bố cục gọn gàng, rất sinh động. Kiến trúc tổng thể ngôi chùa là sự kết hợp hài hoà của các chất liệu gạch, gỗ và đá. Các đơn nguyên kiến trúc được bố trí cân xứng, tôn vinh khu vực trung tâm. CPT có một hệ thống trang trí phong phú, các hiện vật khai quật được cho thấy sự uy nghi tráng lệ của ngôi chùa thời Lý, hệ thống tượng linh thú đặc sắc khó có thể tìm thấy ở một ngôi chùa cùng thời nào khác, pho tượng Phật được xem là một khuôn mẫu của tượng Phật giáo có niên đại sớm và đẹp ở nước ta.

CPT được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2014, hiện đặt dưới sự quản lý của Ban Quản lý di tích, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh.

Tài liệu tham khảo:[sửa]

  1. L.Bezacier, Nghệ thuật An Nam, Paris 1954, tái bản có sửa chữa và bổ sung cuốn Những tiểu luận về nghệ thuật An Nam, Hà Nội, 1944.
  2. Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí – Dư địa chí, Tập 1. Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr.86.
  3. Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1992.
  4. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, Các di tích tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh, Tập 1. Bắc Ninh. 2009.
  5. Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Nghiên cứu Phật học – Trường ĐH Mỹ thuật VN, Phật Tích trong tiến trình khoa học, Kỷ yếu Hội thảo khoa học.