Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chùa Khmer
Kiến trúc chùa Khmer
Kiến trúc chùa Khmer
Chùa Âng.jpg
Chùa Âng

Chùa Khmer là một thiết chế tôn giáo của người Khmer. Chùa trong tiếng Khmer đọc là Wat. Trong phạm vi phum, sóc của cộng đồng Khmer đều có chùa để người dân thực hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo và là nơi tu hành của các vị sư. Vùng Tây Nam Bộ của Việt Nam có nhiều chùa của người Khmer, được xây dựng khá lâu đời và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. chùa Khmer thờ Phật, thuộc hệ phái Nam tông (Tiểu thừa). Đạo Phật từ Ấn Độ được truyền bá đến vùng người Khmer khu vực sông Cửu Long khá sớm. Một số tượng Phật (bằng đá, đồng, gỗ) được phát hiện trên vùng đất Nam Bộ cho thấy đạo Phật phát triển mạnh trong cộng đồng cư dân qua nhiều thời kỳ.

Chùa có vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và cộng đồng Khmer. Ngôi chùa thường được xây dựng trên một khu đất rộng, cao, xung quanh cho nhiều cây cổ thụ (sao, dầu). Trước khi xây chùa, cộng đồng Khmer chọn giờ ngày tốt, cúng vị thần của làng (Neak Tà) rồi khởi công. Tùy thuộc vào điều kiện của cộng đồng tại các địa phương, chùa được xây dựng với quy mô khác nhau.

Kiến trúc[sửa]

Về kiến trúc truyền thống, chùa Khmer gồm các thành tố: cổng, tường bao, cột cờ, chánh điện, giảng đường, tăng phòng, bảo tháp, lò hỏa thiêu, miếu thờ Neak Tà… và một số cơ sở dùng làm nơi dạy học, nhà bếp, nhà để ghe Ngo… Ngôi chánh điện là trung tâm thực hiện các lễ nghi của chùa.

Cổng[sửa]

Cổng (Kh’loông-th’via) có một hoặc hai cổng (chính và phụ). Cổng hướng ra đường và lối dẫn vào chùa. Cổng có 3 cửa thì lối giữa rộng, lớn hơn hai lối bên đối xứng. Cổng chùa là kiến trúc trực diện, thể hiện tính nghệ thuật, tín niệm nhân sinh, tín ngưỡng, tôn giáo của người Khmer qua các mô típ, hoa văn, tượng trang trí. Trên cột cổng trang trí hoa văn hoặc hình ảnh chư thiên chắp tay. Số lượng các ngọn tháp trên cổng tùy thuộc vào mỗi chùa (1 tháp, 3 tháp, 5 tháp), với kiểu dáng búp sen hoặc chuông/ bát úp cách điệu. Tháp ở giữa lớn và các tháp hai bên đối xứng nhau. Đỉnh tháp có chiếc cột cao gắn 3 hoặc 5 chiếc đĩa tròn. Những hình ảnh, hoa văn, phù điêu trên cổng như đầu rồng, lá bồ đề, ngọn lửa, búp sen, khay đựng kinh sách, bánh xe, Riahu nhả mặt trăng, tượng Chằn… mang ý nghĩa linh thiêng, gắn với Phật giáo Nam tông và truyền thống đạo Bà Là Môn.

Tường bao[sửa]

Tường bao (Rô-boong) vừa có tính năng bảo vệ và ranh giới phân biệt phần khuôn viên của chùa với bên ngoài, được xem là cương giới lớn của chốn tôn nghiêm với bên ngoài. Tường xây nối tiếp, sơn màu và các mảng được trang trí hoa văn, khắc họa nhân vật trong truyền thuyết Ream-kê, tượng Chằn, Apsara hoặc Đức Phật. Các đầu cột trang trí mô hình ngôi nhà, tượng thần Bốn mặt hay búp sen. Bờ dải của tường sử dụng các chuỗi trang trí mô típ hoa văn hình ốc sên, vây lưng rồng hoặc cách điệu thân rồng.

Cột cờ[sửa]

Cột cờ (Bong-kol-tông) được xây dựng trước chánh điện, hướng Đông trong khuôn viên chùa. Nơi đây treo cờ Phật (5 màu: xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam) và cờ lễ. Một số nơi xây cột cờ bề thế, trên các bệ nhiều hoa văn hay tượng sư tử chầu. Phần trụ có hình đầu rắn Naga ôm lấy và trên cột có hình tượng chim Hoong, họa tiết áng mây.

Chính điện[sửa]

Chánh điện (Vi-hia) là trung tâm chính, nơi diễn ra các lễ nghi quan trọng của chùa. Vị trí chánh điện thường ở trung tâm khuôn viên, trên nền cao, hướng Đông - Tây, mặt quay hướng Đông. Chu vi chánh điện theo hình chữ nhật. Khi xây dựng chánh điện phải tuân thủ theo quy cách: kích thước bắt buộc chiều dài bằng hai lần chiều rộng, chiều cao bằng chiều dài, mái và thân là hai phần bằng nhau và có hành lang bao quanh điện. Bố cục mặt bằng chánh điện bố trí theo hệ số lẻ (rộng ba gian, dài 5–7 gian, hoặc rộng 5 gian dài 9 gian). Bốn cửa chính ở hai hướng Đông và Tây cùng nhiều cửa sổ ở hướng Nam và Bắc. Phía trong chánh điện có cột cao, nâng mái vòm tạo không gian rộng. Điện thờ Phật được tôn cao hơn so với nền, có tam cấp. Gian thờ bài trí ngai/ bệ tượng có nhiều tầng (3,5 hoặc 7 tầng) và trên cùng là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tư thế toạ ngự tòa sen. Phía dưới bệ thờ Phật, bài trí một số tượng Phật (đắc đạo, thiền định, đản sinh). Bệ thờ hình tòa sen được trang trí nhiều hoa văn ở các tầng. Phía sau tượng là tranh cội bồ đề hay rắn thần Naga che chở Đức Phật… Tường trong và vòm chánh điện co nhiều bức tranh tô màu, liên quan đến sinh thời của Đức Phật từ tuổi thơ cho đến khi đắc đạo, những điển tích của Phật giáo (các đại đệ tử của Đức Phật, cuộc giao đấu giữa Chằn và các Tiên nữ, Tiên nữ làm lễ, dâng hoa…). Các hàng cột, khung, diềm các cửa được đắp, khắc, vẽ trang trí hoa văn (rồng, Reahu, tượng bán thân của nữ thần Tê-vô-đa chắp tay, khay đựng kinh sách, cánh sen, trứng cá, cánh bèo, hoa dây…). Tường ngoài, các cột được đắp, chạm những tượng tròn tượng Reahu (Hổ phù), tiên nữ, chim thần Kâyno, Chằn (Yeak)... Đặc biệt, trên đầu cột gốc được gắn mô típ tượng Krud dang tay đỡ mái nhà, các cột còn lại gắn tượng chim thần Ken-no (mặt người, mình chim). Các bậc tam cấp của cửa vào chánh điện thường có hình rồng chầu dọc theo lan can. Tùy thuộc vào mỗi chùa mà có hành lang bốn bên hoặc hai bên đối xứng. Nhìn từ bên ngoài, chánh điện nổi bật với bộ mái dốc nhiều cấp (ba cấp), lợp ngói. Nóc mái hình tam giác. Mái chùa phân ra nhiều cấp, mỗi cấp chia thành ba nếp (nếp giữa lớn, cao so với hai nếp thấp, đối xứng nhau). Một số chùa có bốn mái, giữa có tháp nóc (ảnh hưởng kiến trúc chùa Khmer ở Campuchia). Kết thúc mỗi lớp mái là bờ dải tạo phần viền 4 cạnh bao quanh, hoa văn kết hợp với diềm mái từng lớp đắp các tượng rồng/rắn. Đầu rồng/rắn ở dạng kép nằm ở các góc đao, thân rồng xoãi theo bờ dải với vây lưng uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Góc bờ đao các lớp mái tạo hình cong vút đuôi rồng hay một dạng chim cõi trời.Toàn bộ đầu, thân và đuôi rồng trên trên bờ dải tạo hình ảnh chiếc ghe Ngo. Khoảng trống ở hai đầu hồi làm kín (bằng gỗ, xây tường) hình tam giác, chạm hoa văn và tượng Phật toạ thiền, Bồ tát tọa cầm hoa sen, thần Pres cưỡi bạch tượng ba đầu, đài sen và sách kinh Phật…).

Giảng đường[sửa]

Giảng đường (Sala) ở về hướng Bắc trong khuôn viên và mặt quay về hướng Nam, có chức năng cho tín hữu học tập Phật pháp, sinh hoạt lễ nghi và tiếp khách, bàn ăn hoặc bố trí nơi nghỉ của chư tăng. Trên nóc Sala có mái cong, tháp ở giữa. Trước đây, Sala có dạng nhà sàn gỗ, sau nay xây bằng vật liệu kiên cố hoặc nhà tầng. Không gian bên trong Sala bài trí bàn thờ Phật ở vách phía Tây. Các cấu kiện của Sala trang trí nhiều loại hoa văn, các cột hiên gắn hình tượng chim thần (Ken-no) và bức tranh về Đức Phật trong không gian chung.

Tăng phòng[sửa]

Tăng phòng/Tăng xá (Kod) xây dựng riêng hoặc dãy làm nơi nghỉ ngơi, tu học của các vị sư. Trước đây, có kiến trúc kiểu nhà sàn (chất liệu gỗ, vách ván, cao trên 1m so với mặt đất, nhiều hàng cột) nhưng nay không còn nhiều. Trong Tăng phòng có bài trí bàn thờ Phật.

Bảo tháp[sửa]

Bảo tháp (Pro-chét-đây) lưu giữ hài cốt người chết sau hỏa thiêu. Số lượng, kích cỡ tháp mỗi chùa khác nhau nhưng kiến trúc có những tương đồng như chân đế vuông, thân nhiều tầng, hình trụ tròn nhỏ dần về phía trên, có khoảng trống để đưa cốt vào. Đỉnh có đầu tượng thần Bốn mặt (Maha Prum) và có hàng rào bảo vệ.

Lò hoả táng[sửa]

Lò hỏa táng (Ti-pach-chha) nơi thực hiện nghi thức thiêu xác người chết, cách xa trung tâm chính của chùa. Chu vi nền hình vuông, bên trong để lọt quan tài, bốn bốn hướng có cửa, ống khói nhô cao. Mái lò nhiều tầng chồng lên nhau, trên đầu góc các mái trang trí hình rồng.

Các lễ hội diễn ra tại chùa[sửa]

Chùa Khmer là trung tâm tôn giáo, văn hóa gắn với sinh hoạt của cộng đồng Khmer tại một địa bàn cụ thể (phum, sóc). Hằng năm, tại chùa tổ chức nhiều lễ nghi gắn với văn hóa Khmer, có sự tham dự đông đảo của cộng đồng. Các lễ tại chùa gắn với cộng đồng, cá nhân (đi tu, xuất tu, cầu an…) và những hoạt động liên quan đến tổ chức của chùa (kết giới, tấn phong chức sắc, kỷ luật…). Các lễ hội mang tính cộng đồng diễn ra ở chùa Khmer bao gồm: lễ Chol Chnam Thmay/tết năm mới, (ngày 13, 14, 15 tháng 4 dương lịch); lễ Phật Đản/kỷ niệm Đức Phật ra đời (ngày Rằm tháng Năm âm lịch); lễ Chol Vossa/Nhập hạ, các nhà sư “an cư kiết hạ” 3 tháng (từ ngày Rằm tháng Sáu âm lịch); lễ Sên Đôn ta/Pchum Bân/cúng ông bà tổ tiên (ngày 16 đến ngày 30 của tháng Tám âm lịch và nghi thức chính vào 3 ngày cuối tháng Tám và ngày đầu tháng Chín âm lịch); lễ Kathan Nah Tean/ Dâng y (trong 1 tháng từ thời gian “xuất hạ” ngày 16 tháng Chín đến 15 tháng Mười âm lịch; phật tử chọn 1 ngày để “dâng y” (áo cà sa) cho nhà sư; lễ Oc om booc/Thvai Pres khe, Sâm peak Preach khe/cúng Trăng, đút cốm dẹp (ngày Rằm tháng Mười âm lịch). Trong lễ cúng Oc om booc, ngoài các nghi thức cúng, diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống của người Khmer (hát múa Dù kê, Rô băm); đua ghe Ngo (Un Túk). Ngoài những lễ gắn với thời gian được quy định, có những lễ không định kỳ tổ chức tại chùa (hoàn thành, khánh thành một công việc liên quan đến chùa, thỉnh và an vị các tượng dâng cúng …). Tùy thuộc vào tính chất, ý nghĩa của từng lễ nhà chùa tổ chức với sự tham gia người Khmer. Một số lễ nghi (như các lễ nghi vòng đời người hay sự kiện của gia chủ) được tổ chức tại nhà nhưng sau đó các gia đình người Khmer vẫn đem lễ vật đến chùa dâng cúng, cầu kinh tạ ơn.

Ý nghĩa trong đời sống người dân[sửa]

Chùa Khmer là trung tâm văn hóa, xã hội gắn kết mật thiết đối với đời sống của người Khmer trong chu kỳ đời người và lễ tục cộng đồng. Ở đó, nhà sư thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo và truyền tải những thông điệp trong kinh sách hướng cộng đồng sống có đạo đức, làm những việc có ý nghĩa. Tại chùa, các nhà sư bảo lưu tốt những di sản văn hóa truyền thống của người Khmer: lưu giữ và truyền dạy chữ viết trên lá buông, dạy cho thế hệ trẻ về tri thức dân gian, nhạc cụ… cùng cộng đồng bảo tồn những phong tục trong đời sống. Thời gian tu học của những người con trai tại chùa theo tập quán giúp cho họ trưởng thành và có ý thức trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm cộng đồng. Việc dạy học ở chùa Khmer được cộng đồng tín nhiệm và có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí cho người dân địa phương thông qua các hình thức mở lớp và thực hiện chính sách ngôn ngữ Khmer của đất nước.

Chùa Khmer là công trình kiến trúc đặc sắc phản ánh văn hóa tộc người qua nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, hội họa. Từ kiến trúc tổng thể đến từng thành tố riêng biệt, từ hệ thống tượng thờ đến tượng trang trí, phù điêu, hoa văn là những là tập thành đa dạng, phong phú của những tác phẩm liên hoàn, độc lập những mang ý nghĩa thiết thực: Tượng Phật Thích Ca (đản sinh, khổ hạnh, thiền định, đắc đạo, cứu độ, nhập Niết bàn, chiến thắng Ma vương…) được tạo tác theo quy chuẩn. Hệ thống tượng Chư thiên (Tê-vô-đa, trợ thủ đắc lực của Đức Phật), Pres Prum (thần có 4 đầu), Thổ thần (Neang Kong heng pres-thô-r’ni), Apsara (vũ công thiên giới), Yeak (Chằn, hung thần), Rea-hu (Chằn/ Asura), linh thú (tượng Neal/rồng), Kruk (chim thần Garuda), Ken-no (nửa người, nửa chim), Hoong (Phượng hoàng), Reach chă sây (Lân sư)... cùng những phù điêu, hoa văn được sáng tạo công phu, tỉ mỉ và sinh động. Các tác phẩm vừa có tính chức năng trong cấu kết kiến trúc vừa có tính nghệ thuật, phản ánh tính giáo dục đạo đức của dân tộc, qua các điển tích, giáo lý đạo Phật, giúp cho con người ứng xử nhân văn trong cộng đồng, xã hội.

Nhiều chùa Khmer với lịch sử lâu đời, bảo lưu những giá trị văn hóa, kiến trúc, tôn giáo độc đáo đã được xếp hạng trong danh mục di tích lịch sử quốc gia, địa phương: chùa Cao Dân (Cà Mau), chùa Âng/Angkorajaborey, chùa Vàm Rây, chùa Kompông Chrây/chùa Hang, chùa Tà Rom/Satharamvan Tarom (Trà Vinh), chùa Kédol (Tây Ninh), chùa Tổng Quản/ Sarây-Sua Đây (Kiên Giang), chùa Dơi/Mahatúp, Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (Sóc Trăng)… Cùng với hàng trăm ngôi chùa Khmer khác ở Nam Bộ, chùa Khmer đã góp phần làm phong phú di sản văn hóa của đất nước nói chung, của sắc thái văn hóa Nam Bộ nói chung. Đồng thời, chùa Khmer ở Nam Bộ là nguồn tài nguyên độc đáo hiện nay nằm trong các tuyến điểm khai thác phát triển du lịch của các địa phương, thu hút du khách đến tham quan.

Chùa Khmer không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo gắn với văn hóa, từng cá nhân và cộng đồng Khmer mà còn là nơi diễn ra những hoạt động có tính văn hóa nghệ thuật với các loại hình múa, hát kịch… như hát Dù kê, múa Rô băm, múa trống Sa Dăm… Các loại hình này được biểu diễn khi chùa tổ chức lễ hội, thu hút nhiều người xem bởi nét độc đáo, vừa có tính chất giải trí và góp phần quảng bá, bảo tồn những di sản văn hóa cộng đồng. Những người am hiểu về vốn văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng (biểu diễn nhạc cụ Khmer, sản phẩm thủ công, nhạc công, múa hát dân gian…), đặc biệt các nhà sư góp phần giảng giải kinh sách, truyền dạy tri thức, chữ viết cho nhiều người tham dự. Một số các nhà sư Khmer với những đóng góp cho cộng đồng được nhà nước trao tặng các danh hiệu nghệ nhân trên những lĩnh vực di sản văn hóa. Vì vậy, chùa Khmer là một môi trường tốt cho việc truyền bá, bảo tồn các loại hình văn hóa cộng đồng Khmer.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Uỷ ban Khoa học xã hộ Việt Nam, 1984, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Nxb Khoa học xã hội.
  2. Huỳnh Ngọc Trảng, 1987, Người Khmer tỉnh Cửu Long, Nxb Văn hóa thông tin.
  3. Nguyễn Sĩ Lâm, 1988, Kiến trúc chùa Khmer ở Nam Bộ, Tạp chí Kiến trúc số 9 (125), 1988.
  4. Nhiều tác giả, 2000, Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.
  5. Trần Văn Bổn, 2002, Phong tục và nghi lễ vòng đời người Khmer Nam Bộ, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
  6. Sơn Phước Hoan chủ biên, Sơn Ngọc Sang, Danh Sên, 2002, Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ, Nxb Giáo dục.
  7. Viện Nghiên cứu văn hóa – nghệ thuật Việt Nam, Phân viện tại TP.Hồ Chí Minh, 2002, Sổ tay hành hương đất Phương Nam, Nxb TP.Hồ Chí Minh.
  8. Phan An, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb Chính trị quốc gia, 2009.
  9. Trần Văn Ánh, 2010, Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Nam Bộ và vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
  10. Danh Lung, 2014, Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ, [Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi], Nxb Đại học quốc gia TP.hát cướiM.
  11. Phạm Thị Tường Hạnh chủ biên và Lương Minh Hinh, Vũ Thống Nhất, Huỳnh Công Tín, Văn hóa Khmer Nam Bộ - nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2011.
  12. Hứa Sa Ni chủ biên và Lâm Nhân, Triệu Thế Hùng, Chu Phạm Minh Hằng, Nguyễn Thị Thạch Ngọc, Tôn Long Hạ, Nghệ thuật trang trí chùa Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, Đề tài cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 2011.
  13. Nhiều tác giả, 2014, Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, Đại học quốc gia TPhát cướiM, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Nxb Đại học quốc gia TP.hát cướiM.
  14. Nguyễn Thị Tâm Anh, Hình tượng Chằn (Yak) trong văn hóa Khmer Nam Bộ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015
  15. Tiền Văn Triệu, Lâm Quang Vinh, Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015
  16. Danh Lung, Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ, trang điện tử của giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Nam tông Khmer (nguồn http://phatgiaonamtongkhmer.org/ngày 04/12/2018 (truy cập ngày 12/12/2020)