Chùa Keo Hành Thiện gồm Chùa Keo trong (cg. Thần Quang tự, chùa Thần Quang, chùa Nghiêm Quang, chùa Giao Thủy) và Chùa Keo ngoài (cg. Đĩnh Lan tự, chùa Đĩnh Lan), thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Do được xây dựng trên trên đất Giao Thủy xưa, mà “Giao” có âm nôm là “Keo” nên CKHT còn được gọi là chùa Keo.
Chùa Keo trong Khởi dựng năm Tân Sửu (1061), đời vua Lý Thánh Tông, với tên gọi ban đầu là chùa Nghiêm Quang, sau đổi thành chùa Thần Quang. Ngôi chùa hiện tại được xây dựng lại vào đầu thế kỷ VVII, sau khi ngôi chùa cổ bị nước lụt nhấn chìm. Từ đó đến nay, chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn bảo tồn được dáng vẻ kiến trúc và trang trí của thế kỷ XVII, XVIII.
CKT tọa lạc trên một khu đất rộng hơn 1ha, mặt quay hướng nam, gần sông Hồng, bố cục tổng thể theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, bao gồm gần 20 hạng mục kiến trúc khác nhau, tổng cộng 17 tòa nhà, 149 gian, trong đó đáng chú ý là: Tam quan nội kiêm gác chuông: dài 12m, rộng 6,55m, 3 gian 2 chái, 2 tầng tám mái theo kiểu chồng diêm. Kết cấu khung gồm 6 bộ vì kiểu chồng rường và cốn chồng rường, 4 hàng chân cột. Cột gỗ lim, kê chân cột là các phiến đá chạm hoa sen.
Chùa Phật: bố cục mặt bằng kiểu chữ “công”, gồm Tiền đường (3 gian 2 chái), Thiêu hương (3 gian) và Thượng điện (1 gian 2 chái). Khung kết cấu là các bộ vì kiểu vì kèo - cột chống - tay đòn ngang và kiểu cốn trồng rường, 4 hàng chân cột. Thượng điện có 2 tấm cửa ngăn với khu vực bên ngoài. Thiêu hương có hệ thống ván bưng mái. Bao che quanh chùa Phật là hệ thống đố lụa được làm trên các hàng cột quân.
Đền Thánh: bố cục mặt bằng kiểu chữ “công”, gồm Tiền đường (3 gian 2 chái), Trung đường (3 gian) và Hậu cung (1 gian 2 chái). Khung kết cấu là các bộ vì kiểu vì kèo - cột chống - tay đòn ngang và kiểu trồng rường, 4 hàng chân cột. Bao quanh đền Thánh là hệ thống đố lụa. Giữa các hạng mục kiến trúc có cửa ngăn cách chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo.
Hành lang: gồm hành lang tả và hữu, đăng đối qua trục thần đạo, đối xứng hai bên chùa Phật, đền Thánh, nhà Ký đồ, mỗi dãy có 38 gian, nối liền từ Tam quan nội chạy dọc theo sân tới khu nhà Tổ, nhà oản, nhà bếp. Mỗi dãy hành lang dài xấp xỉ 86 m, rộng hơn 3m.
Các mảng trang trí kiến trúc của CKT chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII, tập trung chủ yếu trên các cấu kiện gỗ, như: diềm mái, đầu dư, đầu bẩy, đầu kẻ, thân rường, xà nách, kẻ hiên…; đề tài trang trí phong phú, đa dạng: rồng, phượng, lân, rùa, hoa sen, hoa cúc, mặt trời, vân xoắn, đao mác…, trong đó, đáng chú trọng nhất là bộ cửa chạm rồng đền Thánh và một đôi lân đất nung đặt trên đầu kìm thượng điện chùa Phật. Đặc biệt, Tam quan nội được nhận định là một trong những tam quan kiêm gác chuông sớm, đẹp nhất ở Việt Nam. Chùa Keo ngoài
Khởi dựng vào năm Đinh Mùi (1778) - Chiêu Thống nguyên niên; năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) xây dựng gác chuông. Từ đó đến nay, chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo lớn nhỏ khác nhau.
CKN tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 3.500m2, mặt quay hướng đông bắc, bố cục tổng thể theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, gồm 10 hạng mục kiến trúc khác nhau, trong đó, hai công trình có giá trị nhất về mặt kiến trúc và nghệ thuật là chùa chính và gác chuông.
Chùa chính: bố cục mặt bằng kiểu chữ Công, gồm: Tiền đường (3 gian 2 chái), Thiêu hương (hình ống muối, dài 10m) và Thượng điện (1 gian 2 chái). Khung kết cấu là các bộ vì kiểu câu đầu, kẻ chuyền, kẻ ngồi, chồng rường, 4 hàng chân cột, kê tảng cổ bồng. Bao quanh công trình kiến trúc là hệ thống ván bưng, đố lụa bằng gỗ lim.
Gác chuông: dài 6,70 m, rộng 5m, khung kết cấu gỗ lim, gồm 2 cột cái và 10 cột quân, kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái; tầng 1 và tầng 2 ngăn cách bằng sàn gỗ; đỉnh treo quả chuông đồng cao 1m20, đường kính 0.65m, trên thân khắc 4 chữ Hán “Đĩnh Lan tự chung”.
Trang trí kiến trúc của CKN chủ yếu tập trung ở phần mái Tiền đường, Thượng điện và trang trí trên các khung đố lụa của vách thuận, khung vách cùng một số cấu kiện, như: ngưỡng địa, ngưỡng trung, ngưỡng bát, ván bưng và đố của hệ thống cửa phía ngoài nhà Tiền đường, với các đề tài mặt trời, rồng, đao mác. Các mảng trang trí này đều mang phong cách thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII).
CKHT thờ tự theo nghi thức “tiền Phật hậu Thánh”. Đức Thánh tổ được thờ trong chùa là Thiền sư Dương Không Lộ - người có nhiều công lao với đất nước và nhân dân, được triều đình nhà Lý tôn làm Quốc sư, đồng thời cũng chính là người cho xây dựng chùa Thần Quang. Ngoài ra, chùa còn thờ Đế Thích Đại vương, Đông Hải Đại vương, Nam Hải Đại vương, Nam Hải Quan Âm, Lão Tử, Độc Cước, Tôn Ngộ Không và thờ Hậu (những người có công lao tu bổ, tôn tạo nhà chùa).
CKHT còn bảo lưu được hệ thống tượng thờ phong phú, bao gồm cả tượng gỗ và tượng đồng, ở các thời kỳ lịch sử khác nhau, trong đó, phải kể đến một số tượng thờ tiêu biểu mang phong cách nghệ thuật tạo tác thế kỷ XVII, XVIII: tượng A-di-đà, tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng Quan Âm tọa sơn, tượng Quan Âm Nam Hải, tượng Đức Thánh tổ Dương Không Lộ, bộ tượng Huyền Đàn. Ngoài ra, CKHT còn khá nhiều di vật, cổ vật đặc sắc đều mang phong cách nghệ thuật tạo tác thế kỷ XVII, XVIII như: 01 nhang án chạm rồng; 01 khám thờ chạm hoa lá cách điệu bên trong đặt tượng Quan Âm Nam Hải; 01 bộ kiệu bát cống chạm rồng, phượng; 01 đôi nghê gỗ trong tư thế ngồi, đầu ngẩng cao; 22 đạo sắc phong trong đó sớm nhất là 4 đạo sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783); 3 tấm bia đá chạm khắc cầu kỳ niên hiệu Hoằng Định năm thứ 13 (1613), niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 9 (1671) và Chính Hòa năm thứ 25 (1074).
Lễ hội của CKHT đã được ghi danh trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tổ chức mỗi năm hai kỳ vào mùa Xuân và mùa Thu, được coi là hoạt động tín ngưỡng và văn hóa đặc sắc của địa phương. Lễ hội mùa Xuân chia làm 2 dịp: dịp đầu vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm cho Chùa Keo trong, gồm các nghi lễ rước kiệu, lễ thánh và các trò chơi dân gian như thổi cơm thi, chạy nước, đấu vật, chọi gà…; dịp thứ hai vào ngày 15 tháng Hai âm lịch cho Chùa Keo ngoài, gồm các nghi thức tế lễ và yến lão. Lễ hội mùa Thu tổ chức vào trung tuần tháng Chín âm lịch, còn được gọi là Hội Ông, để tưởng nhớ Đức Thánh tổ Dương Không Lộ, gồm nhiều nghi lễ long trọng: nhập tịch, phụng nghinh (rước kiệu), bơi trải, phục triều y, dựng phướn, rước đèn, Thánh đản, múa rối, chèo cạn và lễ tiễn đàn, trong đó lễ bơi trải hay hội đua thuyền thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân địa phương cũng như các vùng lân cận. Lễ hội mùa Thu còn có nhiều trò chơi dân gian như cờ tướng, cầu đu, bắt vịt, đấu vật, chọi gà, làm bánh dày…
Xét về tổng thể, CKHT là một công trình kiến trúc quy mô lớn, có lịch sử lâu đời, mang đậm dấu ấn kiến trúc và nghệ thuật thế kỷ XVII, XVIII; bảo lưu được nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc, góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam, phản ánh dòng chảy của văn hóa dân gian; là nguồn tư liệu phong phú, hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu lịch sử và kiến trúc, mĩ thuật cổ. CKHT được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962 và năm 2013, xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016, hiện đặt dưới sự quản lý của Ban Quản lý di tích, trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.
- Chu Quang Trứ, Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1999.
- Ban quản lý di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định, Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2008.
- Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013.
- Ban quản lý di tích và Danh thắng tỉnh Nam Định, Lý lịch khu di tích chùa Keo Hành Thiện (Hồ sơ lưu tại Cục Di sản Văn hóa), Nam Định, 2016.