Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chính uỷ
"Chính ủy" - một bức ảnh nổi tiếng của Max Alpert. Nhân vật trong bức ảnh được xác định là Chính ủy Aleksey Grigogyevich Yeriomenko, Chính ủy Trung đoàn 220, Sư đoàn bộ binh 4 của Hồng quân Liên Xô dẫn đầu đội hình xung phong tại Voroshilovgrad ngày 12/6/1942 và đã hy sinh chỉ vài phút sau đó.

Chính uỷ là chức vụ cán bộ đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

Lúc đầu có tên Chính trị ủy viên, được Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kì định ra từ tháng 4.1945 theo nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kì (15 - 20.4.1945). Chính trị ủy viên được quy định rõ là “người đại diện của Đảng trong các đơn vị quân đội” cấp chiến khu, khu và liên khu (1945 - 1948). Đến tháng 10.1948, Chính trị ủy viên được gọi là Chính ủy, áp dụng từ cấp trung đoàn hoặc tương đương trở lên, người chịu trách nhiệm trước Đảng và cấp trên về mọi mặt công tác đảng và quân sự, được quyền “tối hậu quyết định”. Tháng 2.1951, thiết lập chế độ đảng ủy và thực hiện chế độ hai thủ trưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính uỷ trở thành thủ trưởng chính trị, giữ cương vị bí thư hoặc phó bí thư đảng ủy cùng cấp, hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cấp mình và sự chỉ đạo của Chính uỷ, cơ quan chính trị cấp trên. Ngày 30.9.1980, Bộ Quốc phòng ban hành quy định số 800/QĐ-QP về thực hiện chế độ một người chỉ huy trong Quân đội (có hiệu lực từ 1.10.1980), bãi bỏ chức danh Chính uỷ, chính trị viên, thực hiện chức danh Phó chỉ huy về chính trị từ cấp đại đội (và tương đương) trở lên. Đến ngày 20.7.2005, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX ban hành Nghị quyết (Số 51/NQ-TW) “Về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ Chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, bãi bỏ chức danh Phó chỉ huy về chính trị, bổ nhiệm chức danh Chính uỷ ở các đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên đến cấp quân khu và tương đương. Chính uỷ là người chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đơn vị; có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tiến hành các nội dung công tác đảng, công tác chính trị theo chức trách, nhiệm vụ; tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện các kế hoạch công tác chung của đơn vị. Quan hệ giữa Chính uỷ với người chỉ huy là quan hệ phối hợp công tác, phải thường xuyên chủ động quan hệ chặt chẽ với nhau trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, tin cậy, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ; cùng chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chức vụ Chính uỷ có cấp bậc quân hàm cao nhất tương đương người chỉ huy cùng cấp theo quy định của luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội ngũ Chính uỷ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, đóng góp to lớn vào quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc; có những đồng chí đã trưởng thành, đảm nhiệm những cương vị trọng trách cao của Đảng và Nhà nước như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đội ngũ Chính uỷ tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tư liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
  2. Lịch sử Công tác Đảng, công tác chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Cục tổ chức và Công tác xây dựng đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Biên niên sự kiện, 1946 - 2006.
  5. Văn kiện Đảng, tập 64 (2005), Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, 2006.
  6. Bộ Quốc phòng, Từ điển Công tác Đảng, công tác chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 2007.