Chính sách môi trường là cam kết của một tổ chức hoặc chính phủ đối với luật pháp, quy định và các cơ chế chính sách khác liên quan đến các vấn đề môi trường. Những vấn đề này thường bao gồm:
- Ô nhiễm không khí và nước
- Quản lý chất thải
- Quản lý hệ sinh thái
- Duy trì đa dạng sinh học
- Quản lý tài nguyên thiên nhiên
- Động vật hoang dã
- Các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Chính sách môi trường Việt Nam được Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12.6.1991, có các mục tiêu định hướng cơ bản là:
- Thỏa mãn những nhu cầu cơ bản về tinh thần, vật chất và văn hóa cho các thế hệ hiện tại và tương lai thông qua việc quản lý khôn khéo tài nguyên thiên nhiên
- Xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch hành động và cơ chế tổ chức nhằm sử dụng lâu bền tài nguyên thiên nhiên trong quá trình phát triển đất nước
- Phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Mục tiêu cụ thể của chính sách môi trường Việt Nam năm 1991 là:
- Duy trì các quá trình sinh thái thiết yếu và các hệ thống đảm bảo cuộc sống và đang chi phối phúc lợi của Việt Nam
- Duy trì sự giàu có và đa dạng gen của các loài thuần dưỡng và hoang dại phục vụ lợi ích hiện tại và tương lai.
Đảm bảo sử dụng lâu bền tài nguyên thiên nhiên bằng các quản lý mức độ và phương thức sử dụng là duy trì chất lượng tổng thể về môi trường cần thiết cho sự tồn tại của con người; đạt được mức và sự phân bố dân số cân bằng với khả năng sản xuất của thiên nhiên. Đảng ta đã hoạch định rõ chiến lược về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường. Nhiều văn bản định hướng quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ban hành và tổ chức thực hiện như Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 26.5.1998 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15.11.2004 về bảo vệ môi trường, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 21.1.2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các Chỉ thị, Nghị quyết trên đưa ra quan điểm chỉ đạo bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta; bảo vệ môi trường phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương; bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người và theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính; cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong điều 5, Luật bảo vệ môi trường (2020) bao gồm:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường
- Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường
- Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên
- Khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên
- Phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo
- Phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường
- Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư
- Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường
- Bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường
- Ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường
- Bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường
- Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường
- Thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường
- Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải
- Ưu tiên chuyển giao và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường
- Tôn vinh, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật
- Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế và thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường
- Thực hiện sàng lọc dự án đầu tư theo tiêu chí về môi trường
- Áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn của chiến lược, quy hoạch, chương trình và dự án đầu tư
- Lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Để ứng phó có hiệu quả đối với những vấn đề môi trường, hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc nhận diện tổng thể, toàn diện về thực trạng chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là nhiệm vụ thực sự cần thiết.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lưu Đức Hải và cộng sự, Cẩm nang quản lý môi trường, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2010.
- Eccleston C. H., Global Environmental Policy: Concepts, Principles, and Practice, 2010.
- Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Tuấn Anh (Đồng chủ biên), Xã hội học môi trường: một số nghiên cứu phục vụ xây dựng pháp luật và quản lý, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.
- Lê Quý An, Chính sách môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam, In trong tập: Chính sách và công tác môi trường ở Việt Nam, 59-84, .2017.
- Quốc hội Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường, 2020.