Chính quyền phát xít ở Đức tồn tại từ năm 1933 đến năm 1945, đặt dưới sự độc tài toàn trị của Adolf Hitler và Đảng công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (NSDAP), cg. Đức Quốc Xã, Đệ Tam đế chế, Đế chế thứ Ba.
Ngày 30.1.1933, Hitler được Tổng thống nền Cộng hòa Đức Thống chế Paul von Hindenburg bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức. Đây được coi là ngày cáo chung của nền Cộng hòa Weimar và mốc ra đời của Đế chế thứ Ba. Sau khi lên nắm quyền, Hitler bắt đầu con đường củng cố quyền lực bằng cách sử dụng NSDAP, loại bỏ các đối thủ chính trị và tập trung quyền lực duy nhất vào một đảng. Hành động đầu tiên của chính phủ Hiiler là cấm mọi hoạt động hội họp và báo chí của Cộng sản. Các cuộc họp của các đảng khác như Dân chủ Xã hội, Trung dung Đức… cũng bị giải tán hoặc cấm đến mức tối đa, các tờ báo bị đình bản. Nền dân chủ Nghị viện của Đức cũng bị Hitler xóa bỏ thông qua “Luật Trao quyền”, quy định Thủ tướng sẽ soạn thảo và ban hành luật mới “có thể khác biệt với Hiến pháp”, được biểu quyết thông qua vào 23.3.1933, đã tạo cơ sở cho chế độ độc tài của Hitler. Kể từ ngày 23.3.1933 trở đi, Hitler là nhà độc tài của Đế chế, không còn bị Nghị viện kiềm chế. Các bang trong nền Cộng hòa Đức vốn có lịch sử lâu đời duy trì quyền lực riêng rẽ trong suốt lịch sử nước Đức, đều lần lượt sụp đổ, mọi quyền hạn bị xóa bỏ và đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương nằm trong tay Hitler. Nhà nước chuyên chế độc đảng được thiết lập nhanh chóng. Ngày 2.8.1934, Tổng thống Hindenburg qua đời. Hitler chính thức xóa bỏ chức vụ Tổng thống và mọi quyền hạn của chức vụ này nhập vào chức vụ Thủ tướng. Hitler trở thành người đứng đầu tối cao của cả nhà nước lẫn chính phủ, là lãnh tụ, Thủ tướng và là Tư lệnh Tối cao của các lực lượng vũ trang. Chính quyền phát xít xóa bỏ những biểu tượng của Cộng hòa Weimar, lá cờ “chữ thập ngoặc” của Đảng Quốc Xã trở thành quốc kỳ của Đức vào năm 1935, bài hát của Đảng Quốc xã cũng trở thành bài quốc ca thứ hai của Đức…
Về đối nội, Chính quyền phát xít Đức tiến hành các biện pháp thanh trừng nội bộ, đàn áp Đảng cộng sản và những lực lượng khác trong nước có ý tưởng đối lập. Cuộc thanh trừng đẫm máu ngày 30.6.1934 của quân đội dưới sự chỉ đạo của Hitler đối với các phần tử cấp cao trong chính phủ đã khẳng định sự tàn bạo của chính quyền phát xít. “Bài Do Thái” là một trong những chính sách diệt chủng tàn khốc nhất của chính quyền phát xít Đức. Học thuyết “Bài Do Thái” của Hitler bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ lịch sử nước Đức. Hitler đã khéo léo lợi dụng tâm trạng bất mãn và tuyệt vọng của người Đức do những điều khoản của Hòa ước Versailles, kích động « chủ nghĩa phục thù » và người Do Thái bị đưa ra làm đối tượng gánh chịu những hành động “bạo lực trong tuyệt vọng” của xã hội Đức lúc bấy giờ. Sắc lệnh Nuremberg năm 1935 được chính quyền phát xít ban hành đánh dấu chiến dịch thảm sát người Do Thái bắt đầu, không chỉ trên phạm vi nước Đức mà bị “quốc tế hóa” những năm sau đó, nhất là giai đoạn 1939-1945. Gần 6 triệu người Do Thái đã bị chết dưới tay của chính quyền phát xít Đức.
Về đối ngoại, Chính quyền phát xít Đức sau khi đã thiết lập chế độ toàn trị trong nước, đã nhanh chóng đưa ra một chính sách đối ngoại mang tính chất quân phiệt. Dựa vào vị thế bị cô lập và suy yếu của Đức bấy giờ trên trường quốc tế, Hitler đã tìm mọi cách thoát ra khỏi sự ràng buộc của Hòa ước Versailles mà không bị cấm vận, tái vũ trang và không gây chiến tranh, nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn là có được tự do và sức mạnh quân sự để theo đuổi chính sách ngoại giao xâm lược, đưa nước Đức lên làm “bá nhân của thế giới”. Chiến lược ngoại giao của Đức đã được Hitler nêu ra trong cuốn “Cuộc tranh đấu của tôi”, đó là: tiêu diệt nước Pháp, bành trướng lãnh thổ sang phía Đông để mở rộng “không gian sinh tồn” cho nước Đức và lấy lại biên giới của Đức ở thế kỷ XIV khi Đế chế thứ Nhất của Đức ở giai đoạn cực thịnh.
Việc đầu tiên mà Hitler tiến hành là kêu gọi giải trừ quân bị, hô hào hòa bình nhằm gây rối cho các nước đồng minh và khiến người dân Đức tin tưởng và đoàn kết sau lưng Hitler. Trong bài “Diễn văn hòa bình” được Hitler đọc trước Nghị viện vào ngày 17.5.1933- một trong những bài diễn văn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Hitler, bên cạnh việc thể hiện “khát khao hòa bình”, Đức đòi hỏi được đối xử bình đẳng với mọi quốc gia khác về giải trừ quân bị. Tính toán của Hitler là nếu các nước phương Tây không chấp nhận, nước Đức sẽ lấy cớ bị đối xử bất bình đẳng để rút ra Hội nghị giải trừ quân bị và Hội Quốc liên. Thực tế diễn ra đúng như toan tính của Hitler. Năm 1933, Đức rút ra khỏi Hội Quốc liên, ngày 14.10.1935 Hitler tuyên bố rút khỏi Hội nghị giải trừ quân bị để có thể tự do hành động. Hành động liều lĩnh của Hitler đã không bị chịu trừng phạt của các nước Đồng minh bởi sự chia rẽ và né tránh chiến tranh của họ thời điểm đó. Do đó Hitler quyết định những bước đi táo bạo hơn trong chiến lược ngoại giao của mình.
Hitler tìm cách chia rẽ và làm suy yếu các nước Đồng minh bằng việc ký các hiệp ước riêng rẽ như: vào tháng 1.1934, ký với Ba Lan “Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau” nhằm chia rẽ liên minh Pháp-Ba Lan để dễ tiêu diệt Ba Lan, đồng thời cũng làm suy yếu những mối liên minh của Pháp với Đông Âu mà Ba Lan là pháo đài vững chắc; vào tháng 6.1935 ký với Anh “Hiệp định hải quân Anh-Đức” nhằm đảm bảo cho việc Đức xây dựng lực lượng hải quân mà không bị Anh tấn công, đồng thời cũng chia rẽ liên minh Anh-Pháp… . Cho đến sát thời điểm cuộc Chiến tranh thế giới Hai bùng nổ, Hitler đã ký các hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với các nước Đồng minh và với Liên Xô. Sự thỏa hiệp của Anh-Pháp và Hiệp ước “Không xâm lược lẫn nhau Xô-Đức” cùng với “Biên bản mật” về việc phân chia Đông Âu giữa Liên Xô và Đức ký ngày 23.8.1939 là sự đảm bảo chắc chắn cho Đức phát động chiến tranh. Bên cạnh đó, chính quyền Đức tăng cường tìm kiếm liên minh, củng cố trục phát xít để chuẩn bị chiến tranh. Năm 1937 trục phát xít Berlin-Tokyo-Roma được hình thành và thực sự trở thành một liên minh quân sự phát xít vào năm 1939 với việc ký “Hiệp ước Thép”.
Một trong những chiến lược ngoại giao mà chính quyền phát xít Đức đã tiến hành trong giai đoạn trước khi quyết định tuyên chiến chính thức đó chính là làm những “phép thử” xem phản ứng của các nước Đồng minh và Liên Xô thông qua những đòi hỏi về lãnh thổ. Tháng 3.1936 Đức kéo quân vào khu phi quân sự Đức-Pháp ở sông Rhine, vi phạm trắng trợn hòa ước Versailles; tháng 3.1938 xâm lược Áo; tháng 9.1938 đòi vùng đất Sudette của Tiệp Khắc và xâm lược luôn nước này vào tháng 3.1939; tháng 9.1939 tấn công Ba Lan và cuộc Chiến tranh thế giới Hai bùng nổ.
Chính quyền phát xít Đức chấm dứt sự tồn tại của mình sau thất bại trước quân Đồng Minh vào tháng 5.1945. Đây cũng là sự kiện đánh dấu sự kết thúc cho cuộc Chiến tranh thế giới Hai ở châu Âu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Paul Johnson, A History of the Jews (Lịch sử Do Thái), Weidenfeld & Nicolson, London, 1987
- Moshe Zimmermann, Wilhelm Marr: The Patriarch of Anti-Semitism (Wilhelm Marr: Giáo chủ của chủ nghĩa bài Do Thái), Oxford University, 1987
- Antill, Peter, Berlin 1945: End of the Thousand Year Reich (Berlin 1945: Sự kết thúc của 1000 năm Đế chế), Oxford: New York: Osprey, 2005.
- William L.Shirer, Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2007.
- Catherine Durandine, La Guerre Froide (Chiến tranh Lạnh), Presses Universitaire de France, Paris, 2019.