Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chính phủ Vichy (1940 - 1945)
Quốc kỳ Chính phủ Vichy
Quốc kỳ Chính phủ Vichy
Huy hiệu Chính phủ Vichy
Philippe Pétain (trái) bắt tay Hitler.

Chính phủ Vichy (1940 - 1945) chính quyền tồn tại ở Pháp từ năm 1940 đến năm 1945, đóng ở Vichy do Thống chế Philippe Pétain đứng đầu, cg. Chế độ Vichy, chính quyền Vichy.

Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ. Tháng 5.1940, sau khi tiến đánh Ba Lan, quân Đức tấn công và chiếm được nhiều vùng lãnh thổ của Pháp. Ngày 17.6.1940, một ngày sau khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, Philippe Pétain tuyên bố ngừng chiến, đàm phán với Đức. Ngày 22.6.1940, Chính phủ Philippe Pétain ký hiệp ước đầu hàng quân Đức tại Rethondes.

Theo hiệp ước, Chính phủ Pháp dừng mọi hoạt động chống lại quân Đức trong toàn lãnh thổ nước Pháp và ở tất cả các thuộc địa. Nước Pháp bị chia thành hai vùng: phần lãnh thổ phía bắc và phía tây bị quân Đức chiếm đóng và cai trị; phần lãnh thổ còn lại gọi là vùng vực tự do, đặt dưới sự kiểm soát của Chính phủ Philippe Pétain. Trong các vùng chiếm đóng, Đức có mọi quyền hành, Chính phủ Philippe Pétain cam kết hỗ trợ và cộng tác với chính quyền cai trị của Đức, phải trả mọi chi phí cho việc duy trì lực lượng quân đội chiếm đóng của Đức. Quân đội Pháp buộc phải rút khỏi các vùng do quân Đức chiếm đóng, phải giải ngũ và giải giáp vũ khí. Tất cả vũ khí, phương tiện chiến tranh phải giao nộp cho quân Đức. Ngày 24.6.1940, Chính phủ Philippe Pétain ký với Italy hiệp ước đình chiến. Theo đó, một phần lãnh thổ Pháp bị quân đội Italy chiếm đóng. Pháp nhượng bộ nhiều quyền lợi cho Italy trong các thuộc địa ở Bắc Phi.

Tháng 7.1940, Chính phủ Philippe Pétain dời về đóng ở Vichy (thuộc vùng tự do) và thiết lập chế độ chuyên quyền, độc tài, thâu tóm mọi quyền hành trong tay, cả lập pháp và hành pháp, đánh dấu sự sụp đổ của nền Cộng hòa thứ ba. Chính phủ Vichy (Chính phủ Vichy) thủ tiêu các quyền tự do dân chủ, xóa bỏ chế độ bầu cử, các đảng phái chính trị bị cấm hoạt động, báo chí, đài phát thanh bị kiểm duyệt chặt chẽ. Việc thành lập, hoạt động của các nghiệp đoàn lao động, biểu tình của công nhân đều bị cấm. Chính phủ Vichy tăng cường tuyên truyền lôi kéo người dân ủng hộ chính quyền và tôn thờ chủ nghĩa cá nhân của Philippe Pétain.

Philippe Pétain phát động một phong trào quốc gia nhằm đoạn tuyệt với lý tưởng cộng hòa – dân chủ, đưa nước Pháp quay trở lại với các giá trị truyền thống, với khẩu hiệu “Cần lao, Gia đình, Tổ quốc” thay cho khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Từ đầu năm 1941, Chính phủ Vichy buộc tất cả thanh niên Pháp trên 20 tuổi trong các vùng tự do phải gia nhập các tổ chức bán quân sự dưới tên gọi “Công trường Thanh niên”. Thông qua tổ chức này, Chính phủ Vichy huy động cưỡng bức lực lượng thanh niên, huấn luyện, tuyên truyền và kiểm soát mọi hoạt động có nguy cơ đe dọa tới đường lối của mình. Công trường Thanh niên là công cụ hữu hiệu để Chính phủ Vichy huy động nhân lực cung cấp binh lính, lao động cho phát xít Đức.

Năm 1943, Chính phủ Vichy cho thành lập lực lượng Bảo an binh, quân số khoảng 30.000 người. Đây là công cụ đàn áp phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, phong trào cộng sản và trấn áp các lực lượng có xu hướng kháng chiến chống Đức, đồng thời hỗ trợ vây bắt người Do Thái.

Trong thời gian cầm quyền, Chính phủ Vichy thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc và bài người Do Thái. Ngày 3.10.1940, Philippe Pétain ban hành quy chế đầu tiên về người Do Thái. Theo đó, người Do Thái không được coi là người Pháp, bị tước quốc tịch Pháp, bị cấm giữ các vị trí trong chính quyền nhà nước. Người Do Thái cũng bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực ngành nghề, như giám đốc, quản lý, biên tập trong các tòa báo, tạp chí; giám đốc, quản lý các công ty trong lĩnh vực in ấn xuất bản và sản xuất phim. Tiếp đó, Chính phủ Vichy ra lệnh bắt giam tất cả người Do Thái trong các trại tập trung đặc biệt được thiết lập ở các địa phương. Ngày 29.3.1941, Chính phủ Vichy thiết lập một cơ quan chuyên về vấn đề người Do Thái, sử dụng lực lượng bảo an binh, cảnh sát tiến hành lùng sục, vây ráp, bắt và giao cho phát xít Đức gần 13.000 người Do Thái, trong đó có 4.000 trẻ em.

Sau cuộc gặp với Adolf Hitler ngày 22.10.1940 ở Montoire, Philippe Pétain cam kết nước Pháp sẽ cộng tác chặt chẽ với Đức, cung cấp trang thiết bị, nhân lực, vật lực cho Đức trong cuộc chiến tranh. Ngày 16.2.1943, Chính phủ Vichy thông qua luật thành lập Tổ chức lao động cưỡng bức để cung cấp nhân lực cho Đức. Dưới thời Chính phủ Vichy, với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng cảnh sát, bảo an binh, đã có 800.000 người Pháp bị chính quyền Philippe Pétain bắt và đưa sang Đức.

Đối với Đông Dương và Việt Nam, trước sức ép ngày càng lớn của quân Nhật, ngày 22.9.1940, Chính phủ Vichy ký với Nhật hiệp ước quân sự, chấp thuận nhượng bộ cho Nhật nhiều quyền lợi về quân sự và kinh tế ở Đông Dương. Pháp – Nhật cấu kết cùng nhau thống trị, vơ vét tài nguyên, bóc lột và đàn áp nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1944, sau khi quân Đồng minh và lực lượng quân đội của nước Pháp Tự do đổ bổ vào Normandie và Provence, quân Đức nhanh chóng thất bại, nước Pháp được giải phóng, Chính phủ Vichy tan rã. Pétain và một số thành viên của Chính phủ Vichy phải bỏ chạy sang Đức. Tại Đức, một số nhân vật lưu vong của Chính phủ Vichy thành lập chính phủ mới ở Sigmaringen. Tháng 4.1945, lực lượng quân đội Pháp và quân Đồng Minh tấn công vào Đức, tiêu diệt và bắt được các thành viên cuối cùng của Chính phủ Vichy lưu vong. Sau khi trốn sang Thụy Sĩ, Philippe Pétain bị bắt và bị kết án tử hình. Tuy nhiên, Philippe Pétain sau đó được giảm án xuống tù chung vì lý do tuổi cao (gần 90 tuổi).

Chính phủ Vichy là chính quyền độc tài, đầu hàng và thân phát xít, đi ngược lại quyền lợi của người dân và lợi ích của nước Pháp.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Maurice Martin du Gard, La Chronique de Vichy 1940 – 1944 (Biên niên sự kiện Chính phủ Vichy 1940 - 1944), Flammario, Paris, 1975.
  2. Henry Rousso, Pétain et la fin de la collaboration: Sigmaringen 1944 – 1945 (Pétain và kết cục của sự cộng tác:Chính phủ lưu vong Sigmaringen), Éditions Complexe, Bruxelles, 1984.
  3. Marc Olivier Baruch, Le régim de Vichy (Chế độ Vichy), Paris, 1996.
  4. Christophe Pécout, Les chantiers de la jeunesse (1940-1944): une expérience de service civil obligatoire, Revue Agora débats/jeunesses (Công trường Thanh niên 1940 - 1944): một kinh nghiệm về nghĩa vụ dân sự bắt buộc, Tạp chí diễn đàn Thanh niên) N0 47, 2008, tr.24-33.