người hoạt động chính trị chuyên nghiệp, thường có vị trí và tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Ở Việt Nam, thời kỳ trước đây, đặc biệt là trước năm 1986, thuật ngữ CK ít được dùng để chỉ các đảng viên cao cấp trong hệ thống chính trị Việt Nam, mà chỉ dùng để chỉ các quan chức cấp cao (của nhà nước hay các đảng chính trị lớn) ở các nước TBCN, với hàm ý phân biệt các quan chức do "dân cử" với các "công chức hành chính" chuyên nghiệp, qua thi tuyển và thường phải có tính "trung lập chính trị", "phi đảng phái". Trong thời gian gần đây, do nhận thức về tính chuyên nghiệp cần thiết đối với các vị trí quan trọng của hệ thống chính trị Việt Nam (cả trong Đảng, Chính phủ và đặc biệt trong Quốc hội), thuật ngữ CK cũng được dùng thường xuyên hơn, đặc biệt là đối với ngay cả các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước.
Khái niệm CK được dùng để chỉ những người hoạt động chính trị có công lao và vai trò quan trọng trong việc đưa ra đường lối, luật pháp, chính sách của một đất nước. CK cũng hàm ý là người đại diện cho một lý tưởng chính trị, có các ảnh hưởng chính trị về dài hạn, ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Do vậy, từ CK mặc dù cũng để chỉ những người chuyên hoạt động chính trị, nhưng còn đòi hỏi về mức độ và phạm vi ảnh hưởng lớn hơn. Các cán bộ chuyên trách công tác Đảng, Đoàn thể hay ngay cả các đại biểu chuyên trách ở Quốc hội, nếu không ở các vị trí có tầm ảnh hưởng lớn cũng ít khi được gọi là CK. Nó khác với thuật ngữ "người hoạt động chính trị" như là người đại diện cho một "quyền lợi chính trị", ngắn hạn, theo nhiệm kỳ và gắn với một nhóm xã hội nhất định.
Thuật ngữ CK được sử dụng cho hai mục đích: 1) Để phân biệt hoạt động chuyên trách, có tính nghề nghiệp (tức các người hoạt động chính trị,) và 2) Để phân biệt công lao, mức độ và tầm ảnh hưởng trong nghề nghiệp đó (người hoạt động chính trị có đóng góp nổi bật, có ảnh hưởng lớn ở tầm quốc gia)
Ở Việt Nam gần đây cũng có các cách hiểu khác nhau về chính khách. Ngoài cách hiểu thông thường là "nhà hoạt động chính trị, quan chức" có cương vị cao trong hệ thống chính trị, còn có cách hiểu cũng gần với thuật ngữ "statesman" trong tác phẩm Statesman của Plato, tức là chỉ những nhà chính trị nào được xã hội suy tôn, kính trọng mới được coi là chính khách. Dù chưa có định nghĩa chính thức, thuật ngữ “chính khách” cũng đã được dùng để chỉ Hồ Chí Minh trong một số văn bản của cơ quan nhà nước Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chu Thanh Vân, Công bố phim “ Hồ Chí Minh: Phác họa chân dung một chính khách”, Vietnamplus (https://vietnamplus.vn/cong-bo-phim-ho-chi-minh-phac-hoa-chan-dung-mot-chinh-khach/569204.vnp)
2. https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english.politician?q=politician
3. Plato, Statesman, GoodPress 2019, do Benjamin Jowett dịch.