Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chính biến Thượng Hải (1927)

Chính biến Thượng Hải (1927) sự kiện đảo chính vũ trang ngày 12.4.1927 ở Thượng Hải của cánh hữu Quốc dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch tấn công cánh tả Quốc dân Đảng, Đảng Cộng sản và quần chúng cách mạng, cg. Chính biến phản cách mạng 12.4.

Sau thắng lợi trong cuộc chiến tranh Bắc phạt, cánh hữu của Quốc dân Đảng đã câu kết với các thế lực đế quốc tấn công vào lực lượng cộng sản và những người cánh tả. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Tổng Bí thư Trần Độc Tú đã không nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chính quyền và vấn đề vũ trang nên đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác. Vì vậy, cánh hữu trong Quốc dân Đảng đã dần chi phối chính phủ và quân đội Quốc dân.

Sau khi đã chuẩn bị xong kế hoạch và lực lượng, ngày 12.4.1927, Tưởng Giới Thạch phát động đảo chính tại Thượng Hải. Bạch Sùng Hy là người trực tiếp thực hiện kế hoạch đảo chính. Đầu giờ sáng ngày 12.4.1927, hàng trăm băng đảng và điệp viên màu xanh – đỏ được vũ trang đầy đủ trên các xe ô tô ở tô giới Pháp tấn công Công đoàn công nhân ở Áp Bắc, Nam Thị, Hỗ Tây, Ngô Tùng, Hồng Khẩu,… Những công nhân thợ cuốc vội vàng chống trả. Hai bên nổ ra giao tranh ác liệt. Hơn 2.700 công nhân có vũ trang ở Thượng Hải đã bị tước vũ khí. Lực lượng làm chính biến đã tấn công lực lượng tuần tra của công nhân, làm 120 người chết, 180 người bị thương. Trụ sở Tổng Công hội Thượng Hải bị chiếm đóng.

Để phản đối những hành động tàn bạo đẫm máu, ngày 13.4.1927, 200.000 công nhân Thượng Hải bãi công. Công nhân nhiều quận khác nhau ở Thượng Hải cũng tổ chức mít tinh lớn với sự tham gia của 10 vạn người phản đối cuộc chính biến, đòi thả những người bị bắt, đòi trả vũ khí lại cho lực lượng tuần tra của công nhân. Họ nêu cao khẩu hiệu: trả lại súng ống của công nhân, trừng trị bọn côn đồ, bảo vệ Liên đoàn Công đoàn Thượng Hải.

Khi quần chúng tham gia mít tinh tiến hành diễu hành qua đường phố Bảo Sơn, quân đội chính biến đã bắn xả vào đoàn người, làm chết tại chỗ hơn 100 người, rất nhiều người bị thương. Tiếp đó, một chiến dịch khủng bố những người cộng sản và quần chúng cách mạng của những người chính biến được tiến hành. Hơn 300 người bị giết, hơn 500 người bị bắt và hơn 5.000 người bị mất tích.

Chính biến Thượng Hải ngày 12.4.1927 đánh dấu sự rạn nứt sâu sắc trong hợp tác giữa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, là một trong những cơ sở đưa đến chấm dứt hợp tác Quốc – Cộng lần thứ nhất vào tháng 7.1927.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  2. 王奇生,中国近代通史,第七卷:国共合作与国民革命(1924 – 1927),江苏人民出版社,2005年 (Vương Kỳ Sinh, Thông sử Trung Quốc cận đại, Quyển thứ 7: Hợp tác Quốc – Cộng và cách mạng dân quốc (1924 – 1927), Nxb Nhân dân Giang Tô, 2005).