Chính biến ở Triều Tiên (1882 - 1884) là tên gọi của các cuộc binh biến Imo và Kapsin của người Triều Tiên dưới sự xúi giục và tác động của Trung Quốc và Nhật Bản nhằm mưu đồ xác lập ảnh hưởng của các quốc gia này ở Triều Tiên cuối thế kỷ XIX.
Sau cải cách Minh Trị, Nhật muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Đông Á, đặc biệt chú ý đến Triều Tiên đang nằm dưới quyền lực truyền thống của Trung Quốc. Bị yếu thế so với Trung Quốc trong thiết lập địa vị ở Triều Tiên, Nhật yêu cầu một thỏa thuận công nhận tính trung lập của Triều Tiên để tiếp tục có thể mở rộng ảnh hưởng tại đây. Nhật thực hiện chính sách can thiệp, đòi mở cửa buôn bán với các phương thức ngoại giao, quân sự mới, ép Triều Tiên ký hiệp ước Ganghwa (1876). Triều Tiên có những thay đổi nhất định khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, ký kết các hiệp ước thương mại với Mỹ, Đức, Anh, Nga và từng bước dẫn đến sự chia rẽ chính trị giữa nhóm thủ cựu và nhóm có tư tưởng cải cách, học tập phương Tây. Nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc binh biến ở Triều Tiên là những mâu thuẫn bên trong Triều Tiên và xung đột Trung-Nhật.
Binh biến Imo diễn ra ngày 23.7.1882, là kết quả của mâu thuẫn giữa hai nhóm trong quân đội Triều Tiên. Nhóm dưới ảnh hưởng của Trung Quốc có tư tưởng bài ngoại: tấn công cung điện, phá hủy tòa công sứ Nhật Bản và giết chết nhân viên quân sự Horimoto Reizo cùng nhiều quan chức cao cấp của Triều Tiên. Trung Quốc sau đó đem quân can thiệp vào Triều Tiên, khẳng định ảnh hưởng tại đây, ngăn chặn quân đội Nhật phản công và chiếm lấy Seoul. Bắc Kinh cho rằng cuộc binh biến là bằng chứng cho việc Triều Tiên vẫn muốn phục tùng nhà Thanh và không muốn tuân theo những cải cách phương Tây.
Sau binh biến Imo năm 1882, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự, thương mại tại Triều Tiên; khiến Nhật lo lắng mất địa vị tại đây và người dân Triều Tiên thêm căm ghét nhà Thanh. Nhật bí mật ủng hộ một nhóm chính trị chống lại chính quyền Seoul, đòi cải cách, nhằm thay đổi cán cân quyền lực ở Triều Tiên.
Nhóm có nhiều tên gọi khác nhau là Đảng Độc Lập (Tongnipdang), Đảng Khai sáng (Kaehwadang), Đảng Tiến bộ (Chinbodang). Được lãnh đạo bởi Kim Okkyun (1851-1894) và nhiều du học sinh khác. Đề xuất học theo Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản, cải cách đất nước, học tập phương Tây để trở thành quốc gia hiện đại. Chương trình đấu tranh dựa trên cương lĩnh, chương trình 14 điểm của Kim Okkyun. Nội dung là yêu cầu cải cách về thuế đất, bình đẳng công dân, ổn định kinh tế, trừng phạt những kẻ phản bội tổ quốc, hủy bỏ mọi nợ quốc tế, cải cách chế độ cảnh sát và xây dựng quân đội thống nhất, hùng mạnh. Phái cải cách không nắm được chính quyền, không được sự ủng hộ của nhóm thủ cựu do Hoàng hậu Min đứng đầu.
Đêm 4.12.1884, nhóm cải cách tiến hành chính biến Kapsin: đưa quân vào cung điện, bắt nhà vua, giết chết 6 vị quan có tư tưởng chống đối. Hoàng hậu Min trốn thoát khỏi cung điện, yêu cầu sự giúp đỡ của Yuan Shikai, chỉ huy quân Thanh ở Seoul. Quân Thanh nhanh chóng can thiệp với lực lượng áp đảo so với nhóm cải cách. Nhiều nhà lãnh đạo chính biến phải trốn chạy và tị nạn ở Nhật; một số khác bị bắt và giết. Chính biến chỉ tồn tại 3 ngày. Đại diện ngoại giao các nước phương Tây ở Seoul đều cáo buộc Nhật đứng sau cuộc chính biến, khiến Nhật bị cô lập và mất dần ảnh hưởng ở Triều Tiên so với Trung Quốc và các nước khác.
Chính biến Kapsin thất bại do nhiều nguyên nhân. Lực lượng cải cách không có sự ủng hộ của hoàng gia và quần chúng nhân dân. Tương quan lực lượng giữa nhóm cải cách và quân Trung Quốc chênh lệch quá lớn nên dễ bị can thiệp, tiêu diệt.
Sau cuộc chính biến, Triều Tiên đã nhận thức được việc mở cửa tiếp nhận những yếu tố hiện đại phương Tây để phát triển đất nước, chống lại nguy cơ bị đô hộ. Vua Goiong phản đối việc Nhật hỗ trợ chính biến, muốn ký hiệp ước có lợi cho Seoul. Nhật đã đem quân đến uy hiếp, buộc Seoul ký hiệp ước Hanseong ngày 9.1.1885. Triều Tiên chấp nhận bồi thường cho tòa công sứ Nhật bị phá hủy và cung cấp đất đai để xây một cơ sở mới. Trung Quốc và Nhật đàm phán ký Hiệp định Thiên Tân (31.5.1885), đồng thuận cùng rút quân khỏi Triều Tiên, tạo thế cân bằng lực lượng ở quốc gia này.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Yong-ho Choe, “The Kapsin Coup of 1884: Reassessment” (Tái đánh giá Binh biến Kapsin năm 1884), Korean Studies, vol.6, 1982, pp. 105-124.
- R.F. Bridge & R. Bullen, The Great Powers and the European States System 1814-1914 (Các cường quốc và hệ thống nhà nước châu Âu 1814 – 1914), Harlow, 2005.
- W.K. Larsen, Tradition, Treaties, and Trade: Qing Imperialism and Choson Korea, 1850-1910 (Truyền thống, các hiệp ước và thương mại: Trung Quốc, chủ nghĩa đế quốc và vương triều Choson của Triều Tiên, 1850-1910), Cambridge, 2008.